Sau loạt tin nhắn em yêu anh hài hước của các bà vợ, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về giá trị đích thực của 3 tiếng “em yêu anh”, “anh yêu em” trong đời sống hôn nhân. Một số ý kiến cho rằng đàn ông Việt thời nay chỉ thích sex mà không chú trọng lời yêu thương. Sẽ là quy chụp và thiếu khách quan nếu như khẳng định quan điểm này là đúng hoàn toàn. Song khi dựa trên thực tế cuộc sống thì thật khó lòng không suy nghĩ về những nỗi cám cảnh mà phụ nữ Việt đang gặp phải. Và đây có lẽ là cũng là một trong những lý do khiến các nhà làm phim thường xuyên xây dựng hình tượng những người đàn ông cứ hùng hục ái ân mà không thèm nói ít lời ngọt ngào với người phụ nữ của họ.
Xem Cánh đồng bất tận hay Dịu dàng, chắc hẳn khán giả sẽ khó lòng bỏ qua những cảnh nóng táo bạo mà các nam diễn viên đã thực hiện. Một điều trùng hợp là họ chỉ chú tâm đến thân xác người phụ nữ và bỏ qua hẳn khúc dạo đầu lãng mạn. Cảnh Út Võ (Dustin Nguyễn) ân ái với cô gái điếm Sương (Đỗ Hải Yến) trong Cánh đồng bất tận đậm màu xác thịt. Sau tín hiệu đầu do Sương phát ra, Út Võ vội vã lao vào người bạn tình.
Cảnh ân ái của hai diễn viên Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến
Tất nhiên, anh ta không nói không rằng, cứ mạnh mẽ thể hiện hết “bản lĩnh đàn ông” cho thỏa dục vọng của mình. Xong chuyện! Ngày hôm sau đâu lại vào đấy! Út Võ quăng tiền xuống đất gọi là trả công cho Sương vì đã “nhiệt tình” với mình đêm qua. Anh ta lấy tiền thay cho tình yêu và sẵn sàng chà đạp lòng tự trọng của người phụ nữ yêu anh ta hết mực chỉ với cái lý do duy nhất: Tôi ăn bánh thì trả tiền cho cô!
Hoặc giả trong Dịu dàng, một người đàn ông cộc tính và gia trưởng như Thiện (Dustin Nguyễn đóng) hẳn nhiên sẽ không nói được lời anh yêu em hay anh xin lỗi em như nhiều phụ nữ vẫn hằng mong muốn. Bởi thế cho nên chẳng có gì khó hiểu khi anh ta xem vợ mình – Linh (Thanh Tú đóng) là một món đồ, anh ta thích như thế nào thì món đồ này phải làm như thế ấy. Chuyện giường chiếu vợ chồng của họ cũng không có gì khác ngoài sự áp đặt này. Và đó có thể là một trong những lý do khiến Linh phải tự tìm cách giải thoát bằng việc nhảy lầu tự tử!
Hay như khi xem phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di, nhiều khán giả đã không khỏi bồi hồi về những dục vọng trần trụi. Nhân vật bố Bi (Hà Phương đóng) chắc có lẽ cũng giống như mọi đàn ông trên đời, khi đến một độ tuổi nhất định bỗng dưng chán ngán vợ – người phụ nữ luôn tay xách nách mang, chăm lo tất tần tật mọi thứ cho gia đình. Bố Bi thích một cô gái làm nghề “gội đầu ôm” và từng có ý định hãm hiếp cô gái ấy.
Riêng đối với vợ, bố Bi chẳng thèm quan tâm đến. Đời sống gối chăn còn gì nhạt nhẽo hơn khi người chồng luôn quay lưng với vợ trong mỗi đêm? Nhạt đến mức cô vợ phải chủ động thò tay vào quần chồng để tìm... cảm hứng. Và khi biết không thể làm lơ với vợ mãi được, bố Bi đành “làm tròn nghĩa vụ” người chồng một cách đầy vội vã. Sao đàn ông ở tuổi này, họ lại chẳng chịu nói với vợ lời yêu đương? Câu “Anh yêu em” khó thốt ra hay vì họ đang mải mê với những đam mê khác? Với nhân vật bố Bi trong Bi, đừng sợ thì đã có câu trả lời. Song với những người đàn ông còn lại thì thật khó để tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất!
Nói về hình ảnh những người đàn ông ân ái không vì tình yêu trên phim ảnh, chính nữ diễn viên Kiều Trinh – người nổi danh với những cảnh nóng táo bạo trong phim Việt Nam đã từng chia sẻ: “Tình dục không tình yêu là phạm pháp. Tình dục còn gì ấm áp nếu không yêu? Tôi thấy nó cũng như một ly chanh đá không mang lại sự thỏa mãn nào, nếu ta thiếu đi cơn khát”.
Và để giải toả cơn khát yêu đương này, chắc chỉ có thể tìm mật ngọt từ hình tượng những người đàn ông lãng mạn trong các bộ phim Âu – Mỹ. Khi ân ái, ít ra họ cũng cho người phụ nữ của mình cảm giác được làm bà hoàng trong một vài phút giây ngắn ngủi nào đó! Tất nhiên sẽ có người ý kiến rằng văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông sao có thể so sánh dễ dàng? Song chuyện yêu đương và thể hiện tình cảm với người phụ nữ khi đang làm tình thì có khó khăn gì mà kiệm một lời yêu?