Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Wang - một công nhân tại cảng cho biết, hầu hết các container này đều rỗng.
"Chúng tôi đã bận rộn hơn một chút so với 2 tháng trước, nhưng thay đổi không quá lớn. Trước đây, xe tải phải xếp hàng dài chờ bốc dỡ. Nhưng bây giờ, như mọi người có thể thấy đấy, các con đường trong cảng rất thông thoáng".
Container nằm chờ ngoài cảng
Mặc dù các số liệu chính thức mới nhất cho thấy đã có sự phục hồi đáng kể trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc vào tháng trước, nhưng các nhân viên trong ngành logistic tại Thượng Hải - cảng container lớn nhất thế giới - đã nhận thấy sự phục hồi chậm và triển vọng đường dài của họ vẫn còn hạn chế.
Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn dự kiến là 14,8% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu cũng được cải thiện với mức giảm 1,4% thấp hơn dự kiến trong tháng 3 so với 1 năm trước đó.
Một nguồn thạo tin chia sẻ với SCMP, bởi sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều công ty đã chuyển sang Đông Nam Á để tìm nguồn cung ứng. "Những ảnh hưởng kể trên tác động đến tình hình trong dài hạn. Mọi thứ không thể nhanh chóng phục hồi chỉ sau 1 năm mở cửa," nguồn tin cho biết.
"Hàng núi" container rỗng vẫn là hình ảnh phổ biến tại một số cảng của Thượng Hải, mặc dù số lượng này được báo cáo là đã giảm tại một số cảng lớn khác ở Trung Quốc như Ninh Ba và Thâm Quyến.
Ông Lu Qinglin nằm trong hàng chục tài xế có nguy cơ bị phạt vì đỗ xe tải bên đường giữa cảng Wusong và Waigaoqiao để tránh phí đỗ xe bởi ông không có việc làm. "Có 50.000 xe container đã đăng kí ở Thượng Hải và nhu cầu hiện giờ chỉ cần 30.000 xe là đáp ứng đủ," ông Lu cho biết.
"Ở Côn Sơn (Tô Châu, Trung Quốc), có tới 10/100 nhà máy đã chuyển tới các nước Đông Nam Á," ông Lu nói, đề cập tới một cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ở tỉnh Giang Tô - gần Thượng Hải, nơi ông thường bốc hàng.
Hàng hóa ít hơn, phí giao hàng giảm, giá xăng tăng đã khiến thu nhập hàng tháng của ông Lu giảm khoảng 2/3. Từ năm 2010 đến năm 2021, thu nhập của ông ổn định ở mức 15.000 nhân dân tệ (2.200 USD) mỗi tháng. Nhưng kể từ đầu năm ngoái, ông cho biết mình chỉ kiếm được 4.000 đến 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng.
Quãng thời gian tươi đẹp đã qua?
Mặc dù cảnh tượng các cảng toàn các container rỗng không phải là cảnh tượng độc nhất ở Trung Quốc trong bối cảnh thương mại hiện tại nhưng Bắc Kinh cho rằng, nguyên nhân cho tình trạng này là do hoạt động đóng container tăng đột biến vào năm 2021 và chi phí lưu kho tại các cảng của Trung Quốc đang ở mức thấp.
"Ở một mức độ nào đó, một số lượng lớn các container rỗng tại các cảng của chúng tôi cho thấy thị trường toàn cầu vẫn lạc quan về xuất khẩu của Trung Quốc trong tương lai", Yu Jianhua, Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng trước.
Trong một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây với 660 chuyên gia chuỗi cung ứng, hầu hết cho biết họ kỳ vọng tình hình trong mùa cao điểm năm 2023 sẽ tốt hơn năm ngoái.
Tuy nhiên, một nhân viên của công ty vận tải biển Thượng Hải chia sẻ với SCMP, bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có thể phục hồi hoàn toàn về mức như trước đại dịch hay không.
"Thật khó để nói tình trạng này có thể phục hồi. Tại sao một khách hàng đã rời Trung Quốc để tới Đông Nam Á nay lại quay trở lại Trung Quốc, trong khi nơi họ đang làm việc có chi phí tốt hơn mà chất lượng vẫn được đảm bảo," nhân viên này nói. "Hoặc ít nhất họ sẽ bỏ trứng vào một giỏ khác ngay cả khi họ quay trở lại."
Và đối với những người lái xe như ông Lu, ngay cả sau khi chứng kiến hoạt động kinh doanh tăng nhẹ vào tháng trước, ông vẫn có rất ít hy vọng về một sự thay đổi lớn trong năm nay.
"Tôi hiện đang cố gắng bán chiếc xe tải của mình và tìm một công việc mới. Tôi chỉ đang chờ một mức giá có thể chấp nhận được để bán xe. Tôi không nghĩ những ngày tươi đẹp sẽ quay trở lại," ông Lu cho biết.