Có những cuộc hôn nhân êm đềm đến mức khó tin, vì cái họ duy trì được sau bao nhiêu thập kỉ là sự bình yên ổn định chứ không phải những cảm xúc ngọt ngào lãng mạn.
Đó là câu chuyện của ông Lý Văn Hấp (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lùn (72 tuổi) ở Tân Phú, TP.HCM. Từ thanh mai trúc mã, hàng xóm cách nhà nhau vài trăm mét họ đã trở thành cặp vợ chồng hạnh phúc với 55 năm hôn nhân.
Vì thương mà thành yêu, trao lần đầu tiên tại ruộng ngô
Ông Hấp và bà Lùn quen biết nhau từ nhỏ do 2 nhà gần nhau. Từ khi còn là 1 cậu bé cho đến lúc trưởng thành ông Hấp thường qua nhà bà Lùn chơi và như 1 lẽ tự nhiên nhất, hình ảnh cô hàng xóm dễ thương cứ thế in sâu vào tâm trí ông.
Cha mẹ ông Hấp mất năm ông 11 tuổi, ông ở với ông nội. Qua nhà bà Lùn chơi ông cũng coi mẹ bà như mẹ mình. Mỗi lần thấy bà Lùn đi làm rẫy ông lại đi phụ. Cứ như thế “lửa gần rơm”, 2 người phát sinh tình cảm nam nữ lúc nào không biết.
“Hồi ấy chiến tranh, tôi tham gia ở địa phương, vừa bí mật vừa công khai. Có những lúc hành quân không về được cô ấy mang cơm ra cho tôi ăn”, ông Hấp kể.
Hoàn cảnh khó khăn, sống trong cảnh tên bay đạn lạc, sống nay chết mai, đôi uyên ương ấy muốn trân trọng từng phút giây bên nhau. Rồi 1 lần hẹn hò ở ruộng ngô, bà Lùn đã trao cho ông thứ quý giá nhất của con gái, cả 2 đều là “lần đầu” của nhau.
“Cũng sợ bố mẹ la nhưng anh ấy năn nỉ nói quá nên tôi cũng gật đầu”, bà Lùn nhớ lại đêm định mệnh. Với họ nó thiêng liêng vô cùng, đến mức sau này ông bà dùng 1 bức tranh để kể cho con cháu về tình yêu “bão đạn” ấy.
Không ngờ, bà Lùn có bầu ngay sau lần đó. Ông Hấp về báo tin thì ông nội mừng lắm, nhà vốn neo người, cháu trai lại xa nhà suốt. Phía nhà bà Lùn cũng răn đe con gái nhưng vì hiểu quá rõ về ông Hấp, thương cả 2 người nên họ chấp nhận.
Đám cưới chưa đến 10 người tham dự và lá thư chưa 1 lần gửi
Vẫn còn chiến tranh nên họ không có đủ điều kiện tổ chức đám cưới. 2 bên họp mặt gia đình, đám cưới của ông Hấp, bà Lùn chưa đến 10 người. Cô dâu mặc áo bầu nhận món quà là đôi bông tai từ ông nội chồng.
Sau đám cưới đơn sơ ấy là chuỗi ngày vô cùng gian nan của 1 người vợ đau đáu chờ chồng trở về ngày thắng trận. Mỗi lần vượt cạn bà đều không có chồng bên cạnh.
Năm 1970, ông Hấp bị bắt nhốt ở Chí Hòa, lúc ấy con gái lớn của ông bà mới được hơn 1 tuổi. Bữa cơm, ông nội tâm sự với cháu dâu: “Tao ở với bà nội tụi bay có mấy mặt con mà bà nội bay mất tao không rớt giọt nước mắt, thằng Hấp ở tù còn ngày về mà tao khóc quá”. Vậy là 2 người ở nhà nhìn nhau khóc lo cho người trong song sắt.
“Lúc bà xuống thăm có đĩa thịt kho với cá kho. Tôi xin con nhỏ bịch bánh tối để đầu nằm nhớ con mà khóc. Ở trong tù chỉ sợ ở nhà tên bay đạn lạc. May là tổ chức phối hợp để gỡ, chúng có điều tra đánh đập tôi cũng không khai”, ông Hấp nhớ lại.
Nơi hậu phương, bà Lùn vừa chăm con vừa làm rẫy vừa chăm ông nội chồng. Tháng mua được 5kg gạo, bo bo, bột mì ăn độn với nhau. Cuộc sống cứ thế mà trôi đi với nghị lực và sự vững chãi, kiên trung của người làm vợ.
Trong lá thư không thể gửi đi ông Hấp viết cho bà Lùn: “Em và con thương, em yên tâm lo cho con và phụng dưỡng ông nội. Chắc ông nội lo cho anh lắm, thương ông nội quá. Đã qua thời gian điều tra, chúng khai bắt dã man, anh cương quyết không khai, 1 lòng với cách mạng. Anh luôn vững lòng tin cách mạng sẽ thành công. Chúng ta sẽ đoàn tụ, cùng nuôi con và phụng dưỡng nội…”.
55 năm hôn nhân không 1 lần cãi vã và gia sản đáng nể của “đại gia” Năm Hấp
Giải phóng về, ông Hấp cùng các đồng đội xây dựng kinh tế. Sau 2 năm ông làm phó chủ tịch phường nên cũng không có thời gian ở cạnh vợ nhiều.
Bà Lùn kể kỉ niệm đẻ cậu út: “Mỗi thằng út là được ông chở xe đạp đi đẻ. 11h đêm ông đi mua xôi cho tôi ăn về thì tôi đã sinh rồi”.
Bao năm chung sống, bao gian nan khó khăn vất vả nhưng ông bà không xích mích hơn giận. Lý do chỉ duy nhất: “Trong quá trình bà ấy ở nhà nuôi con, chăm ông nội công ấy tôi đền không hết có gì mà to tiếng”.
Đến nay, ông bà có 5 người con, 10 người cháu và 2 chắt. Thời xưa ông nội ông Hấp có 7ha đất để lại giờ đến đời ông Hấp chia làm 30 lô đất. Ông cho thuê từng căn lấy tiền hỗ trợ con cái, cháu chắt và làm thiện nguyện. Năm 2017 ông Hấp đã xây chợ nghĩa tình giúp đỡ bà con.
Cuộc sống hiện đại của ông bà khá dư dả nhưng họ mãi không quên những năm tháng khó khăn đồng vợ đồng chồng để có ngày hôm nay.