Mới đây, một tòa án Nam Carolina ở Mỹ đã tuyên phạt 1,5 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại cho hai chị em sinh đôi bị buộc tội đạo văn tại một trường y. Tòa án đã đồng ý rằng họ "có khuynh hướng di truyền để cư xử theo cùng một cách."

Theo đó, vào kỳ thi tháng 5/2016, chị em song sinh Kayla và Kellie Bingham, sinh viên Đại học Y khoa Southern Carolina, Mỹ, được xếp ngồi cùng bàn, cách nhau khoảng 1,5 mét và không nhìn thấy nhau do có màn hình chắn.

Hai tuần sau, họ bị cáo buộc gian lận. Nhà trường cho rằng điểm số giống nhau của hai chị em không phải trùng hợp ngẫu nhiên.

"Thật sự rất khủng khiếp, chúng tôi biết rằng cả hai đứa chẳng làm gì sai", Kellie nhớ lại sự kiện đó như một ám ảnh khi kể với Insider.

Cặp song sinh kiện trường ĐH suốt 5 năm, cuối cùng được đề bù 1,5 triệu USD vì bị vu oan quay cóp - Ảnh 1.

Cặp song sinh Kayla và Kellie Bingham, sinh viên Đại học Y khoa Southern Carolina - Ảnh: Insider

"Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi đã khóc nức nở và tự hỏi tại sao điều này lại xảy ra", Kayla, hiện 31 tuổi, nhớ lại. "Không có cách nào để xử lý cảm xúc của bạn khi bạn bị buộc tội vì điều gì đó mà bạn không làm," cô ấy nói thêm.

Hai chị em nói với hội đồng thi họ đã đạt được kết quả giống nhau kể từ khi học lớp 1 và chỉ kém điểm nhau một chút khi học trung học. Điểm thi SAT cũng giống hệt nhau. Nhiều lần, họ có điểm thi tương đương dù địa điểm và ngày thi khác nhau.

Hội đồng thi không tin, mà nói rằng một giáo sư đã nghi ngờ cặp song sinh phối hợp để gian lận thi cử. Người này cảnh báo "hãy để mắt tới họ" trước kỳ thi. Giám thị cũng cáo buộc chị em nhà Bingham liên tục gật đầu như đang "trao đổi tín hiệu". Một người đẩy ghế ra sau, một người lật giấy trên bàn để người kia nhìn.

Khi bị buộc tội, cả hai chỉ mới 24 tuổi. Kayla và Kellie cũng khẳng định, họ không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào cho nhau trong suốt thời gian làm bài thi. Những hành động như gật đầu chỉ diễn ra khi đọc câu hỏi trên màn hình máy tính.

“Chúng tôi chỉ gật đầu với mỗi câu hỏi trên màn hình của chính mình và không có dấu hiệu nào,” Kayla nói và cho biết họ “không bao giờ nhìn nhau.”

Đồng thời, hai cô gái xác nhận không có bất kỳ ngôn ngữ bí mật nào hoặc khả năng thần giao cách cảm giữa họ. Thế nhưng, hội đồng thi không tin, vẫn tuyên bố họ gian lận.

Cặp song sinh kiện trường ĐH suốt 5 năm, cuối cùng được đề bù 1,5 triệu USD vì bị vu oan quay cóp - Ảnh 2.

Hai chị em bị khủng bố tinh thần và bị buộc nghỉ học sau vụ vu oan gian lận thi cử - Ảnh: Insider

Sau đó, Kayla và Kellie kháng cáo lên khoa và được xóa tội sau một tuần. Cả hai nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng hóa ra đó chỉ là bắt đầu cho những chuỗi ngày kinh khủng hơn.

Những lời đồn đoán về việc họ gian lận trong kỳ thi đã lan khắp trường. Họ trở thành mục tiêu thảo luận trên các phương tiện truyền thông, blog cộng đồng. "Nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin về vụ việc của chúng tôi và lan đến những nơi xa như California", họ kể.

Thậm chí, chị em nhà Bingham bị bạn bè xa lánh. Một người bạn quen biết 10 năm bỏ chơi với họ. Từ những người hòa đồng nhất ở trường, cặp chị em phải thu mình lại. Họ không thể đi ăn ngoài vì đến đâu cũng bị xì xào. "Chúng tôi đã không thể ngủ được", họ nói.

Đỉnh điểm vào tháng 9/2016, cả hai nhận được đề nghị của trưởng khoa yêu cầu nghỉ học vì đã tạo "sự bất bình trong các sinh viên".

Bị buộc phải dừng lại ước mơ của mình trong tức tưởi, hai chị em quyết định đệ đơn kiện vào năm 2017. Mất 5 năm kiên trì theo đuổi vụ kiện, tòa án mới đưa ra xét xử vào phiên tòa cuối tháng 11 vừa qua.

Luật sư của hai chị em đã trình bày hồ sơ học vấn của họ trước bồi thẩm đoàn, qua đó cho thấy họ đạt được điểm số giống hệt nhau hoặc gần giống nhau trong các kỳ thi suốt các cấp học.

May mắn, một vài nhân chứng đã xuất hiện, góp phần hỗ trợ hai chị em trong việc thắng kiện.

Chẳng hạn, một giáo sư tại trường đại học đưa ra bằng chứng rằng hai chị em đã đưa ra những đáp án đúng hoặc sai giống nhau trong một kỳ thi ông làm giám thị vào năm 2012. Kỳ thi đó, hai người ngồi ở hai đầu phòng thi nên không thể hợp tác với nhau để gian lận.

Giáo sư Nancy Segal, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu song sinh tại Đại học Bang California, đã làm chứng trước tòa. Nhà tâm lý học này nói sẽ "ngạc nhiên nếu hai chị em không có cùng điểm số", đồng thời khẳng định những cặp song sinh có nhiều liên kết rất chặt chẽ. Việc các anh chị em song sinh bị phàn nàn gian lận là điều phổ biến.

Cặp song sinh kiện trường ĐH suốt 5 năm, cuối cùng được đề bù 1,5 triệu USD vì bị vu oan quay cóp - Ảnh 3.

Toà án khẳng định cặp song sinh có khuynh hướng giống nhau từ sở thích, tài năng - Ảnh: Postsen

Các cặp song sinh, đặc biệt là các cặp song sinh cùng trứng, có xu hướng giống nhau từ sở thích, tài năng, và thành tích học tập. Và theo giáo sư, Đại học Y khoa Southern Carolina đã không xem xét những tác động của nhân tố di truyền khi buộc tội cặp song sinh gian lận.

Tại phiên tòa, Kayla và Kellie đã được minh oan sau 5 năm theo đuổi vụ kiện và được yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,5 triệu USD (gần 40 tỉ đồng). Giờ đây, cả hai đang làm tại một công ty luật sau khi từ bỏ ước mơ nghề y - như "kết quả" của lần bị vu vạ quay cóp năm xưa. Và mong muốn tham gia những vụ kiện phỉ báng giống vụ việc của họ.

Vào khoảnh khắc được phán quyết, Kayla đã nắm tay Kellie.

"Đó là khoảnh khắc trọng đại nhất trong cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi đã sống với điều này trong sáu năm và cuối cùng chúng tôi đã lấy lại danh dự của mình", Kayla nói.