Căp đôi Rachel và Phillip Ridgeway đã chào đón cặp song sinh Lydia và Timothy chào đời ngày 31/10 ở Oregon. Hai bé được sinh ra từ phôi đông lạnh được hiến tại Trung tâm Hiến tặng phôi Quốc gia (NEDC) vào tháng 4/1992.
Chia sẻ trên NyPost, cặp vợ chồng này cho biết, mặc dù đã có 4 con nhưng họ muốn có thêm con nữa và đặc biệt muốn giúp đỡ "những đứa trẻ gặp khó khăn" nhưng cũng không nghĩ rằng mình lại lập kỉ lục như vậy.
"Chúng tôi thích ý tưởng rằng mình đang cứu những mạng sống bị mắc kẹt", Philip Ridgeway, 35 tuổi, cho biết. Anh cũng nói thêm rằng, ở một khía cạnh nào đó, mặc dù mới sinh nhưng 2 bé sinh đôi Lydia và Timothy mới chào đời là những đứa con lớn nhất của vợ chồng anh.
Bà mẹ Rachel, 34 tuổi, cho biết, họ biết những thông tin cơ bản về cha mẹ sinh học của hai phôi thai, như là chiều cao và cân nặng, nhưng họ không coi đó là tiêu chí để lựa chọn. "Điều mà chúng tôi quan tâm nhiều hơn là các phôi thai đã chờ đợi bao lâu, những phôi thai nào đang chờ cha mẹ đến lấy", Rachel cho biết thêm.
Cặp vợ chồng này cũng biết rằng bộ phôi thai mà họ lựa chọn thực tế có 5 phôi thai, được tạo thành từ tinh trùng của người cha với trứng của một người phụ nữ hiến tặng và được đông lạnh vào ngày 22/4/1992. Nhưng người cha đã qua đời sau đó nên không có phôi thai nào được cấy ghép và chào đời. Những phôi thai đông lạnh sau đó được tặng cho NEDC - một tổ chức phi lợi nhuận ở Knoxville, Tennessee, chuyên cung cấp phôi hiến tặng cho các cặp vợ chồng muốn có con. Những phôi thai này được rã đông vào ngày 28/2, gần 30 năm sau khi đông lạnh lần đầu tiên. Ba phôi sau đó sống sót và được chuyển đến tử cung Rachel, kết quả là giữ được một ca song thai.
Khi được hỏi liệu cô ấy có cảm thấy lo lắng về sức khỏe của những phôi thai "già nua" trong thai kỳ hay không, Racheal nói: "Chúng không khác gì những đứa con trước đó của tôi".
Theo thạc sĩ Michael A. Thomas, Chủ tịch Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, các phôi có thể được trữ đông vô thời hạn. Tuy nhiên, sau khi rã đông, phôi phải đủ khỏe mới thực hiện được quá trình chuyển vào tử cung.
Sự ra đời của cặp song sinh nhà Ridgeway đã phá kỷ lục trước đó của cặp vợ chồng Tina và Ben Gibson. Con gái họ, Molly, được sinh ra từ một phôi thai 27 tuổi, vào tháng 10/2020.
Tiến sĩ John David Gordon, Giám đốc Y tế của Southeastern Fertility, phòng khám giám sát hoạt động điều trị của NEDC, cho biết kỷ lục mới sẽ mang lại hy vọng cho nhiều người. "Tôi đã làm việc trong lĩnh vực hiếm muộn hơn 25 năm và những phôi thai này đã được đông lạnh từ khi tôi đang học bác sĩ nội trú tại Stanford. Trường hợp này sẽ trấn an những cặp vợ chồng đang tự hỏi liệu có ai sẵn sàng nhận nuôi những phôi thai được tạo ra từ cách đây 5, 10, 20 năm hay không. Và câu trả lời là có", ông chia sẻ thêm.
Trữ phôi đông lạnh là gì?
Phôi đông lạnh là những phôi được trữ lạnh sau quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thay vì đưa vào cơ thể người phụ nữ. Nếu vì một lý do nào đó mà không thể chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi tươi thất bại thì chuyển phôi trữ lạnh sẽ được thực hiện.
Lợi ích của trữ phôi đông lạnh
Trữ phôi đông lạnh có thể mang tới những lợi ích như:
- Trữ lạnh phôi dư chưa dùng đến ở chu kỳ IVF
- Trữ lạnh phôi trong trường hợp bệnh nhân chỉ thích hợp chuyển phôi trữ do các yếu tố như: tâm lý chưa sẵn sàng, sức khỏe chưa đảm bảo hoặc do yếu nội mạc tử cung chưa thích hợp
- Một số nghiên cứu cho rằng chuyển phôi trữ cho hiệu quả cao hơn so với chuyển phôi tươi
- Tối ưu hóa các yếu tố lâm sàng, hạn chế số phôi chuyển và giảm tỷ lệ đa thai
- Giảm thiểu nguy cơ quá kích buồng trứng
Trữ phôi đông lạnh được bao lâu?
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thời gian bảo quản phôi đông lạnh dưới 5 năm không ảnh hưởng gì đến chất lượng của phôi. Tuy nhiên theo thời gian có nhiều lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của chất bảo quản đông lạnh cũng như các gốc oxy hóa tự do trong môi trường bảo quản đến phôi. Cũng cần phải lưu ý rằng việc lưu trữ phôi đông lạnh càng lâu đồng nghĩa với việc tuổi người mẹ ngày càng tăng (trong trường hợp sử dụng phôi tự thân) cũng chính là một trong những yếu tố quyết định đến tỷ lệ mang thai.