Tanner Firl không hiểu tại sao mọi người lại cần phải lập ngân sách chi tiêu.
"Điều đó không bao giờ có ý nghĩa đối với tôi", chàng trai 29 tuổi nói với CNBC Make It. "Hầu hết mọi người đều gặp vấn đề là cắt giảm chi tiêu còn vợ chồng tôi thì ngược lại".
Firl và vợ của anh ấy, Isabel, sống ở Minneapolis, Hoa Kỳ. Cả hai người đều dị ứng với việc tiêu tiền vào bất cứ thứ gì họ cảm thấy là không cần thiết. Thái độ chi tiêu này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chiến lược tài chính của cặp đôi.
Được biết Firl là người theo phương pháp chi tiêu Fire, viết tắt của phong trào độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm. Anh đặc biệt tuân thủ chiến lược chi tiêu “tinh gọn”. Cách chi tiêu này sẽ giúp mọi người tăng tỷ lệ tiết kiệm bằng cách cắt bỏ càng nhiều chi phí không liên quan càng tốt.
Cho đến thời điểm này, Firl đã tích lũy được khoảng 380.000 đô la (9,2 tỷ đồng) và hy vọng sẽ tiết kiệm được ít nhất 625.000 đô la (15,2 tỷ đồng) để phục vụ cho việc nghỉ hưu sớm ở tuổi 35. Tạo một danh mục đầu tư hợp lý sẽ mang tới cho cặp vợ chồng này khoảng 25.000 đô la (608 triệu đồng) mỗi năm.
Hiện tại, Firl là trụ cột chính của gia đình. Hai vợ chồng đã có cậu con trai 1 tuổi, Teddy và ba con mèo. Anh kiếm được 135.000 đô la (3,2 tỷ đồng) mỗi năm với tư cách là một kỹ sư phần mềm, và khoảng một nửa số tiền lương được chuyển vào chi phí ăn uống và sinh hoạt hàng tháng. Số còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản đầu tư.
Đây là cách Firl đang áp dụng để từ lối sống siêu tiết kiệm có thể giúp hai vợ chồng nghỉ hưu sớm.
Theo đuổi lối sống chi tiêu tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ
Lớn lên trong một gia đình không khá giả nên Firl hiểu về tầm quan trọng của đồng tiền. Khi còn nhỏ, kỳ nghỉ gia đình với anh có nghĩa là nhảy lên xe để đến thăm các thành viên trong gia đình hoặc dành thời gian tại các công viên quốc gia hoặc di tích lịch sử được miễn phí vé vào cửa.
Gia đình của Firl không đặt nặng sự quan trọng của đồng tiền. Họ chỉ muốn con mình học cách làm việc vì những thứ mà chúng cảm thấy quý trọng. "Bất cứ khi nào chúng tôi muốn mua một thứ gì đó khi còn nhỏ, sẽ phải tự bỏ tiền tiết kiệm ra mua hoặc chờ đến sinh nhật hoặc Giáng sinh".
Chính vì thế, Firl đã đi làm thêm từ khi còn cấp ba. Khi vào đại học, tình cờ anh đọc được blog của Peter Adeney, còn được gọi là Mr. Money Mustache. Đây là một trong những nhân vật quan trọng trong phong trào Fire.
"Điều này rất có ý nghĩa đối với tôi. Về cơ bản chỉ cần chi tiêu ít nhất có thể để sống cuộc sống của mình một cách trọn vẹn như bạn muốn", Firl nói.
Firl tốt nghiệp Đại học Minnesota vào năm 2015 với bằng về toán học và có một công việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia với mức lương hàng năm khoảng 66.000 đô la (1,6 tỷ đồng) một năm. Cùng năm đó, anh và Isabel, yêu nhau từ thời trung học kết hôn.
Trong vòng hai năm rưỡi, cặp đôi đã tiết kiệm đủ để trả một khoản tiền cho một ngôi nhà ở Minneapolis. Họ chỉ sống trên tầng và trang trải các khoản thanh toán thế chấp bằng cách cho thuê tầng hầm trên Airbnb.
Con đường chi tiêu tiết kiệm
Firl đã mua ngôi nhà thứ hai với giá 185.000 đô la (4,4 tỷ đồng) vào năm 2018 và bán ngôi nhà đầu tiên của họ không lâu sau đó khi việc quản lý và cho thuê trở nên phức tạp hơn. Họ xây dựng tầng hầm trong ngôi nhà mới để cho thuê ngắn hạn, nhưng phải từ bỏ kế hoạch đó khi con trai đầu lòng là Teddy ra đời vào năm 2021. Sơ đồ mặt bằng của ngôi nhà chỉ là 62,7 mét vuông.
Khi mức lương của Firl tăng lên khoảng 135.000 đô la (3,2 tỷ đồng), thì cặp đôi đã chống lại "lối sống leo thang" và duy trì cam kết cho việc chi tiêu tiết kiệm. Nếu gia đình cần thứ gì đó, họ sẽ tìm kiếm miễn phí trên các chợ trực tuyến.
Firl nói: "Chúng tôi được bạn bè và gia đình biết tới là những người rất tiết kiệm. Rất nhiều người gửi cho chúng tôi những món quà tặng miễn phí khi họ thấy bên đường vì biết rằng vợ chồng tôi sẽ thích nó".
Ngoài ra, cặp vợ chồng trẻ cũng không cần phải bỏ ra nhiều tiền cho bất kỳ sở thích nào. Tanner là một người đam mê chạy, nghe podcast và chơi cờ. Cả hai đều thích chơi trò chơi điện tử vào buổi tối. Thêm vào đó, cặp vợ chồng này đã giảm ngân sách mua thức ăn hàng ngày và chi tiêu cho các chú mèo xuống còn 200 đô la (4,8 triệu đồng) một tháng.
Mong muốn một tương lai độc lập về tài chính
Nhìn về tương lai, Firl thừa nhận rằng mục tiêu kiếm được 25.000 đô la (608 triệu đồng) một năm có vẻ là chưa đủ. Nhưng anh ấy tự tin rằng họ có thể làm được.
Con số này giả định rằng căn nhà sẽ được trả hết vào thời điểm đó (anh hiện trả khoảng 1.100 đô la (26,7 triệu đồng) một tháng cho các khoản thanh toán thế chấp, bảo hiểm chủ nhà và thuế tài sản) và về mặt lý thuyết anh vẫn đủ điều kiện nhận bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, với việc cuộc sống đã thay đổi trong vài năm qua mà tác nhân nhiều nhất đến từ dịch bệnh thì Firl hiểu rằng anh sẽ phải linh hoạt khi nói đến số tiền chính xác và thời điểm nghỉ hưu sớm của mình. Ví dụ, nếu anh ấy và Isabel quyết định có thêm con và chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn, điều đó có thể thay đổi số tiền cần có.
Khi Firl tiết kiệm được 625.000 đô la (15,2 tỷ đồng) thì sẽ không nhất thiết phải có kế hoạch chuyển sang một cuộc sống nhàn hạ. "Nghỉ hưu… không phải là ngồi trên ghế xem Netflix cả ngày hay đi biển và đón một buổi tối thật đẹp. Nghỉ hưu sớm đơn giản là làm bất cứ điều gì bạn muốn trong cuộc sống".
Đối với Firl, điều đó có nghĩa là có sức mạnh để từ bỏ một công việc không mang lại cho bản thân sự thỏa mãn. Anh có thể chọn công việc đam mê dù nó được trả ít tiền hơn. Nhưng dù có nghỉ hưu sớm thì Firl cũng sẽ không ngừng tiết kiệm.
Anh nói: "Trong cuộc sống không thiếu hình thức trải nghiệm và hầu hết những điều khiến bạn hạnh phúc có thể là miễn phí hoặc cực kỳ rẻ. Hãy tận dụng điều đó để cuộc sống của bạn bớt gánh nặng tài chính hơn".