Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của cô vợ nhận được nhiều quan tâm vì khả năng quản lý chi tiêu cực khéo của gia đình.
Cụ thể: Gia đình gồm 3 thành viên là chồng (1993), vợ (1997) và bé trai (9 tháng tuổi) đang đi thuê nhà ở Hà Nội. Cặp đôi kiếm được 35 triệu/tháng và có thêm tiền thưởng cả năm là khoảng 100 triệu. Hiện, cặp đôi có tài sản tích luỹ khoảng 1,2 tỷ gồm 3 cây vàng, 400 triệu tiền gửi tiết kiệm, 450 triệu để góp mua đất và 120 triệu tiền đầu tư chứng khoán.
Đáng nể hơn cả đó là với mức thu nhập 35 triệu/tháng, cặp đôi này chỉ dùng 1 nửa, còn 1 nửa để tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính khác.
Chi phí sinh hoạt của gia đình 4 người (một bà nội, hai vợ chồng và một con nhỏ) được cặp đôi sắp xếp vỏn vẹn trong 18 triệu/tháng như sau:
Người vợ cho biết thêm, với tình hình tài chính hiện tại, họ đang phân vân không biết có nên dành tiền mua đất ở vùng ngoại thành, hoặc vay nợ để mua một căn hộ chung cư ở nội thành Hà Nội. Bên cạnh đó, họ còn băn khoăn không biết có thể cắt giảm thêm khoản chi tiêu nào trong cuộc sống hàng ngày hay không.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người khen ngợi cách cặp đôi quản lý chi tiêu, và cho rằng các khoản chi đều rất hợp lý, không có khoản nào có thể cắt giảm được nữa. Với tổng thu nhập 35 triệu/tháng, sống ở Hà Nội còn nuôi còn nhỏ mà nếu cặp đôi muốn tăng quỹ tiết kiệm... thì tốt hơn cả chính là tìm cách gia tăng thu nhập.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Bạn chi tiêu như này là quá vén rồi. Tiết kiệm nhưng cũng phải đáp ứng cuộc sống cơ bản bạn ạ. Mình không hoang phí thôi chứ đừng hà tiện. Vợ chồng bạn bằng tuổi vợ chồng mình. Mình cũng đang trong quá trình tích luỹ để mua nhà. Vợ chồng mình đang thực hiện theo kiểu tích cóp tầm 800 triệu - 1 tỷ thì sẽ mua 1 miếng đất ở quê. Như thế tiền không bị mất giá, về đất mình đánh giá cũng tăng ổn dù hiện tại không có sóng nhưng vẫn tăng.
- Ôi thu nhập như thế này mà tiết kiệm được từng ý là quá giỏi rồi bạn ơi.
- Bạn vén như này mình thấy quá ổn. Nhưng con đến tuổi đi học thì sẽ phải thành 20-22 triệu. Nên bạn cần cân đối các khoản vay.
- Bạn vén giỏi vậy thì cần gì lời khuyên nữa. Mọi người phải xin bạn kinh nghiệm ấy. Có trong tay tài sản tiền tỷ rồi mà.
- Sao giỏi tiết kiệm vậy ạ? Vợ chồng mình tháng kiếm 30 triệu hoặc hơn, sống ở quê mà nhiều khi chi còn không đủ.
- Mình nể các bạn quá. Không hề có 1 tí vui chơi giải trí nào. Chồng cũng không tiêu ngoài tí nào. Mình tiêu pha bốc đồng bảo sao tiết kiệm luôn không có xu nào.
Hai cách để gia tăng quỹ tiết kiệm
Bạn muốn có thêm tiền tiết kiệm nhưng luôn cảm thấy bản thân mắc kẹt trong lối mòn? Chẳng hạn, dù muốn có thêm một khoản phòng thân nhưng bạn không thể giảm bớt chi tiêu hoang phí và từ bỏ thói quen mua sắm bốc điồng.
Nếu bạn đang bất lực với tình hình tài chính cá nhân, dưới đây là những lời khuyên của Charles Chaffin - nhà đồng sáng lập Viện Tâm lý tài chính và giáo sư tại Đại học bang Iowa (Mỹ), nhằm giúp bạn xoá dần các thói quen xấu và quản lý tiền bạc tốt hơn.
- Làm khó cho việc tiêu tiền
Bạn cần tiết kiệm tiền? Hãy tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, bằng cách cài đặt lệnh chuyển tiền tự động mỗi khi nhận lương vào tài khoản tiết kiệm.
Tự động hoá khoản tiết kiệm giúp loại bỏ mọi đắn đo và cám dỗ. Hành đồng này còn giúp việc tích luỹ tiền nong diễn ra âm thầm, tránh trường hợp bạn phải phân vân xem tháng này nên tiết kiệm bao nhiêu, rồi dẫn đến việc không đạt mục tiêu đề ra.
Ngược lại, với dòng tiền để chi tiêu thì bạn cần khiến việc này trở nên khó khăn hơn. Ví dụ với mua sắm trực tuyến, đừng để các ứng dụng hay sàn thương mại điện tử liên kết và lưu trữ thẻ ngân hàng của bạn. Vì như thế, mỗi lần chi tiêu, bạn chỉ cần nhấn vài thao tác sẽ thanh toán và hoàn tất đơn hàng ngay.
"Nếu quá dễ dàng để thanh toán đơn hàng, chúng ta sẽ có xu hướng chi tiêu quá mức", Charles Chaffin nói.
- Đặt mục tiêu tiết kiệm
Cho dù nghiêm túc đến mức nào về việc tiết kiệm nhiều hơn hoặc chi tiêu ít hơn, không có thói quen nào sẽ tồn tại bền vững trừ khi bạn rõ ràng về những gì bản thân hy vọng đạt được.
Mục tiêu càng cụ thể, bạn càng có nhiều khả năng tuân thủ các thói quen tài chính tốt hơn.
Nếu bạn chỉ đặt mục tiêu tiết kiệm, khả năng vỡ kế hoạch là rất cao. Tiến thêm một bước, bạn hy vọng tiết kiệm 50 triệu đồng, tỷ lệ hoàn thành sẽ tăng lên nhưng vẫn có khả năng bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu tiết kiệm 50 triệu đồng để đưa cả nhà đi du lịch vào cuối năm nay, bạn sẽ có thêm nhiều động lực để hoàn thành hơn hẳn.
Sau khi đặt mục tiêu tiết kiệm, bạn nên kiểm tra tài chính của mình thường xuyên để biết rõ điểm nào đang thành công và cần khắc phục ở đâu. Bạn càng tránh tính toán về tiền bạc, mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn.