Sau 2 năm dịch bệnh, anh Tùng Lê (Hà Nội) nhận ra rằng không gian sống thực sự rất quan trọng. Với suy nghĩ này, anh Tùng đi tìm cho mình và gia đình một không gian sống vừa trong lành vừa tiện nghi, có nhiều ích lợi cho sức khoẻ.
Trải qua một thời gian tìm kiếm, cuối cùng anh Tùng đã tìm được một nơi có không gian sống phù hợp với những gì bản thân mong muốn, đó là quần thể làng chài cổ ở Lò 3 Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau đó, anh Tùng và gia đình quyết định "rời phố về bờ biển Phú Yên", mua một ngôi nhà cổ rồi cải tạo lại.
Mới đầu, ngôi nhà có tên là Home of Dreamers, nhưng sau đó, anh Tùng quyết định đặt lại thành Dreamville Beach.
"Đây là ngôi nhà thứ 2 của gia đình mình. Ở làng Lò, cả làng vẫn sống với hơi thở của biển và nghề đánh bắt cá. Cuộc sống của họ vẫn hào sảng và hồn hậu như đúng con người sinh ra ở biển. Họ chấp nhận nhân tố mới với một tâm thế đáng yêu vô cùng, họ thương và chào đón gia đình mình như những người con ở xa về", anh Tùng Lê chia sẻ.
Anh Tùng cải tạo lại ngôi nhà cổ với mong muốn vừa tạo ra nét đẹp riêng, vừa bảo tồn, gìn giữ được những nét xưa cũ của ngôi nhà trăm năm tuổi này.
"Mình muốn cùng người dân ở đây giữ gìn bản sắc của ngôi làng. Mình cũng mong muốn như họ - những người dân làng chài chân chất rằng một ngày nào đó làng thoát nghèo nhưng vẫn giữ lại được vẻ xưa cũ, mộc mạc đặc trưng", anh Tùng nói thêm.
Qua tìm hiểu, anh Tùng biết được, nhà cổ Phú Yên nhìn qua thì thấy khá giống những ngôi nhà Bắc Bộ và ven biển Nam Trung Bộ, nhưng nó có 1 điểm khác biệt đó là "phòng lòi". Phòng lòi là căn phòng thể hiện cá tính của người vùng biển nơi đây, chất hào sảng của con người ở Phú Yên. Phòng lòi luôn được đặt ngay cổng vào nhà, đây cũng là nơi tiếp đón người phương xa, hàng xóm qua chơi và cùng nhau làm những việc hàng ngày như đan lưới, vừa làm vừa chơi... Điểm đặc biệt tiếp theo là cái giếng cổ được đặt trước nhà. Đây là nơi mà những người đàn ông trong gia đình sử dụng cho việc tắm rửa.
Bản chất ngôi nhà cổ Phú Yên vốn mang một nét kiến trúc độc đáo như vậy và với mong muốn cải tạo nhưng vẫn bảo tồn được nét đẹp đặc trưng của nếp nhà cổ nên khi cải tạo căn nhà, anh Tùng quyết định giữ nguyên hiện trạng, chỉ biến đổi công năng.
Nội thất trong nhà được anh Tùng tận dụng từ những ván thuyền cũ của xưởng đóng tàu gần đó chế tác lại. Trong ngôi nhà của anh Tùng, có một bức tranh được làm từ rác thải ở biển. "Bức tranh ấy xuất hiện trong nhà như một lời nhắc nhở bản thân mình, mọi người trong gia đình và những người bạn đến chơi nhà đừng xả rác xuống biển", anh Tùng tiết lộ.
Anh Tùng cho biết, điểm đặc biệt nhất trong ngôi là đất nung và ngói cổ. Đất nung được anh dùng để làm bột bồn rửa mặt, đế kệ treo quần áo, thùng rác. Đặc biệt lớp ngói cổ 100 năm tuổi được anh "hô biến" thành bồn tắm xịn sò.
Ngôi nhà này của anh Tùng rộng 780m2, trong đó xây dựng chiếm khoảng 300m2 diện tích ngôi nhà và được chia thành 4 phòng ngủ, những phòng này đều được giữ lại hình dáng cũ. Anh xây mới thêm khu sinh hoạt chung, hồ bơi và phòng ăn, bếp, quầy bar. Căn nhà được cải tạo, xây dựng trong 4 tháng với chi phí khoảng 1 tỷ đồng.
Với vợ chồng anh Tùng, ngôi nhà này như là một món quà cho các con mà vợ chồng anh chị tích cóp được, giúp các con có những mùa hè được trải nghiệm thực tế, được sống chan hòa với thiên nhiên, cảm nhận hơi thở trong lành của biển cả.
Một vài hình ảnh chụp bên trong căn nhà của anh Tùng Lê:
Ảnh: Tung Le