Làm thế nào để chi tiêu ít tiền hơn mà vẫn có mức sống tốt là điều mà rất nhiều người quan tâm? Câu chuyện chi tiêu của 2 cô gái dưới đây sẽ khiến nhiều người giật mình nhận ra rằng, tiết kiệm không phải điều gì quá khó khăn, chỉ có hiểu mức sống của bản thân thì không những cắt giảm được nhiều khoản chi tiêu mà còn tiết kiệm được tiền.
Có người "không tốn một xu" nhưng vẫn có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nổi tiếng quanh năm, có người kiếm được khoảng 100 triệu đồng dựa vào MXH, đồ dùng của một số người vẫn có chất lượng tốt sau 10 năm,... ngay cả với những nhà có con nhỏ cũng có thể áp dụng những mẹo "keo kiệt" và "cắt gọt chi tiêu triệt để" để "làm giàu với chi phí thấp".
Trần Khuyên - sinh năm 1990, đến từ Hà Nội
Trần Khuyên là một cô gái yêu làm đẹp. Cô làm công việc liên quan chứng khoán ở Hà Nội. Cô chia sẻ mình sẵn sàng sử dụng những sản phẩm tốt hơn để trang điểm và chăm sóc da hàng ngày.
Tăng cường dùng hàng "sample"
Khuyên chia sẻ, bắt đầu từ khoảng cuối năm 2021, việc chăm sóc da, trang điểm, tạo dáng lông mày hay làm móng về cơ bản sẽ không mất phí mà cô có thể sử dụng các sản phẩm như Dior, Lamer, SK2 và YSL, tất cả đều từ store chính thức.
"Tôi ăn ba bữa tại công ty trong ngày làm việc, tôi cũng sử dụng phòng tập của công ty sau khi tan sở. Vào dịp nghỉ lễ, tôi đưa bố mẹ đi du lịch ở Hòa Bình 2 ngày 1 đêm, chi phí cả đi cả về bao gồm vé xe, đồ ăn uống, giải trí, chi tiêu bình quân mỗi người không vượt quá 1,7 triệu đồng. Nói chung cuộc sống hàng ngày của tôi khá tốt nhưng chi tiêu của tôi có thể giữ ở mức rất thấp".
Cô dùng voucher giảm giá để tận hưởng đồ uống và dịch vụ tại khách sạn đắt đỏ. Ảnh minh họa
"Ý tưởng tiết kiệm của tôi bắt đầu từ rất sớm, có lẽ là khi tôi còn là sinh viên năm nhất, cách đây hơn chục năm, tôi tình cờ đọc được cuốn sách "Cuộc sống tinh tế của chú thỏ keo kiệt" trong kỳ nghỉ hè dạy về những kỹ năng "keo kiệt" trong cuộc sống. Trong đó có một câu nói rằng là một người lao động nhập cư, bạn phải bảo vệ sự giàu có của mình và ngăn chặn những cám dỗ khác để sự giàu có của bạn trôi mất vào thời điểm đó".
Về làm đẹp và chăm sóc da, nhu cầu của Khuyên cơ bản đều được giải quyết bằng những mẫu dùng thử: "Thực ra lúc đầu tôi cũng không cực đoan như vậy mà chỉ mua bình thường, nguyên nhân là trong thời gian dịch bệnh, tôi đeo khẩu trang và ít trang điểm nên nhiều mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da của tôi không còn dùng đến, trong một thời gian dài và có nguy cơ bị hết hạn sử dụng.
Nhiều mẫu nước hoa và chăm sóc da mà Khuyên nhận được. Ảnh minh họa
Tôi nhớ rõ từng có một loại son bóng rất được ưa chuộng, tôi mua cả thỏi to nhưng về sau chất lượng bị thay đổi một chút, tôi lo lắng sẽ làm hỏng da môi. Vậy thì tôi nghĩ tốt nhất nên dùng hàng sample, dùng hết nhanh và giữ sạch sẽ, hợp vệ sinh".
Khuyên thường xuyên đến các trung tâm mua sắm và theo dõi các tài khoản của các hãng có tại quầy. Và thông thường đều có quà tặng cho thành viên mới nên cô nhận được và sử dụng trong thời gian dài. Sau đó, cô nhận ra một số thương hiệu gửi mẫu dùng thử thường xuyên, thậm chí một số hãng còn gửi 2 lần/tháng.
Đối với những người yêu làm đẹp như Khuyên, việc đến trung tâm thương mại sẽ gặp được nhiều thương hiệu chăm sóc da ngay tại cùng một tầng mà không phải đi quá nhiều lần. Cô cũng đến các trung tâm thương mại khác nhau, các cơ sở khác nhau của thương hiệu nên không lo bị gặp trùng nhân viên chăm sóc.
Tăng cường ăn tại căng tin và sử dụng phòng tập công ty
Chia sẻ về vấn đề ăn uống, Khuyên cho biết vì công ty cô làm có căng tin ăn trưa nên cô có thể ăn bữa trưa tại công ty. Ngoài ra, có thời gian rảnh trước bữa tối cô sẽ đến phòng tập.
Suất ăn tại căng tin công ty (trái) và suất ăn đơn giản tại nhà (phải) giúp Khuyên thay đổi được bữa ăn và cũng tiết kiệm được nhiều tiền. Ảnh minh họa
"Tôi không chỉ keo kiệt tiền bạc mà còn keo kiệt thời gian"
"Sự keo kiệt" thấm sâu vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của Khuyên, nhưng cô có một nguyên tắc khi làm những việc này, đó là không bao giờ chiếm nhiều thời gian của mình mà chỉ tranh thủ thời gian rời rạc của việc chờ xe buýt để viết, đánh giá, thu thập phiếu giảm giá,...
"Tôi nghĩ điều rất quan trọng đối với một người là kiểm soát thời gian của mình. Chỉ cần bạn sắp xếp hợp lý thì bạn có thể lo được cả hai".
Khuyên cho biết tuy bố mẹ cô không đồng ý với cách sống "keo kiệt" vất vả của cô nhưng với cô đây không chỉ là việc chi li, tính toán mà còn là một cách để lên kế hoạch cho cuộc đời của mình tốt hơn.
"Trước đây, tôi muốn sở hữu một ngôi nhà riêng trước khi kết hôn. Bây giờ giá nhà đang giảm nên tôi không vội mua nó. Tiền lãi sinh ra từ việc gửi số tiền tiết kiệm vào ngân hàng cũng có thể trang trải một phần chi phí sinh hoạt của tôi. Sau khi tích lũy được một số tiền, tinh thần của bạn sẽ tốt hơn. Đừng lo lắng và bạn có thể dành thời gian cho việc khác" - Khuyên tâm sự.
Minh Nhật - sinh năm 1985, đến từ Đà Nẵng
"Tôi từng là một kẻ mua sắm điên rồ. Tôi từng có một phòng giữ đồ chuyên dụng và mua rất nhiều quần áo trong nhiều năm mà không tháo mác. Có hơn 200 đôi giày, tủ giày dài ba mét ở nhà đã đầy ắp. Có vô số túi để mang theo, có năm mươi sáu mươi chiếc, có chiếc sau khi mang hai lần không thích, lại không muốn đưa cho người khác.
Bây giờ nhìn lại, tôi hơi tiếc nuối vì toàn bộ số tiền mình bỏ ra có thể dùng để mua một căn nhà".
Chọn đồ có chất lượng tốt
Thế nhưng cách đây 6 năm, Minh Nhật (sinh năm 1985) đã bắt đầu cuộc sống tối giản. Sau khi ly hôn, cô một mình nuôi con, đầu tư làm ăn và tiết kiệm tiền để mua một căn nhà nhỏ cho mình cùng con.
"Bây giờ hai chúng tôi, bao gồm tiền ăn, nước, điện, quần áo, điện thoại, chi tiêu không quá khoảng 7 triệu đồng một tháng. Nói chung, chúng tôi chi tiêu ít hơn, nhưng điều kiện của chúng tôi ngày càng tốt hơn. Bây giờ tôi cảm thấy rằng một cuộc sống tốt đẹp không cần phải tốn kém.
Chìa khóa để tiết kiệm tiền nói chung là không mua bất cứ thứ gì vô ích, hãy chọn thứ có chất lượng tốt hơn và duy trì nguyên tắc "một thứ ra, một thứ vào"".
Minh Nhật chia sẻ, với cùng 7 triệu đồng, bạn có thể mua 20 bộ quần áo, mặc nhiều lần và có thể bỏ đi vào năm sau. Nhưng với một chiếc áo khoác giá 7 triệu đồng, bạn có thể mặc nó trong thời gian dài mà vẫn thanh lịch: "Hầu hết quần áo tôi có bây giờ đều đã hơn năm hoặc sáu năm tuổi. Năm nay tôi chưa mua bộ quần áo nào, chỉ có hai đôi giày và tôi cũng không định mua thêm quần áo nào vào mùa đông. Quần áo trông cũ kỹ khi bị nhăn, nhưng bạn có thể ủi chúng và chiếc váy từ vài năm trước sẽ trông như mới".
Sửa chữa đồ cũ thay vì bỏ đi
Minh Nhật chia sẻ bí quyết tiết kiệm của cô là: Hãy trân trọng món đồ đó và nó sẽ mang lại cho bạn giá trị lớn nhất.
"Đồ vật được giữ lâu nhất trong gia đình tôi là chiếc nồi mà tôi đã sử dụng được 11 năm, tôi vừa vứt nó đi cách đây một thời gian vì đáy nồi bị rơi ra. Sau đó, có một chiếc quạt điện, mẹ tôi mua và sử dụng được 10 năm. Nó vẫn còn sử dụng tốt vì mùa hè tôi vệ sinh và phủ một lớp vải chống bụi. Ngoài ra còn có một chiếc xe đẩy nhỏ để đựng một số đồ lặt vặt. Tôi mua nó với giá 1 triệu đồng và đã sử dụng được bảy hoặc tám năm".
Bây giờ quan điểm tiết kiệm của Nhật là nếu đồ dùng bị cũ, điều đầu tiên nghĩ đến là sửa chữa thay vì vứt chúng đi.
Minh Nhật thường xuyên chạy bộ và đôi giày chạy bộ giá khoảng 2.8 triệu đồng bị bong ra sau 1 năm. Có rất nhiều cửa hàng đồ cũ nhận sửa giày, nồi, đồ điện và đồng hồ. Cô có thể sửa đế giày với giá khoảng 17 nghìn đồng, có thể dùng được thêm hai năm nữa. Người chủ rất lành nghề, chất liệu anh ta chọn có khả năng chống mài mòn và vừa vặn với đế ban đầu, không gây khó chịu khi đi và không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Sau khi hình thành thói quen này, cô đã đi sửa thêm đồng hồ và ô.
Không tích trữ hàng hóa
Trước đây cô mua nhiều đồ vì được khuyến mại, giảm giá nhưng thực tế một thứ khó dùng hết, về sau sẽ lãng phí và chiếm diện tích. Khi đi mua hàng tạp hóa, cô không tích trữ. Nếu không bận, về cơ bản cô đi siêu thị hàng ngày. Nếu đi vào buổi chiều hoặc buổi tối, sẽ có giảm giá.
Cô cố gắng hết sức để thỏa mãn con bằng việc ăn uống, vui chơi, chủ yếu là nấu ăn ở nhà. Hiện tại cháu chỉ có 3 đôi giày thể thao, 1 đôi dép và tổng cộng có bảy, tám bộ quần áo trong một năm. Khi con còn nhỏ, cô thường mua rất nhiều và mặc cho chúng thật thời trang. Bây giờ nghĩ lại, cô thực sự thấy thỏa mãn với bản thân mình vào thời điểm đó.
Sản phẩm chăm sóc da tốt nhất là tập thể dục
Minh Nhật sở hữu một cửa hàng làm đẹp, chủ yếu là chăm sóc da, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sau sinh: "Tôi từng cảm thấy không hài lòng với ngoại hình của mình và đã cân nhắc việc phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng may mắn thay tôi đã không thực sự làm điều đó. Bây giờ tôi đã bớt lo lắng hơn rất nhiều về ngoại hình của mình. Tôi sử dụng một chai kem dưỡng da mặt có giá khoảng 700 nghìn đồng và ra ngoài mà không trang điểm.
Sản phẩm chăm sóc da tốt nhất là tập thể dục. Tôi từng mua một chiếc máy chạy bộ cho nhà nhưng sau 3 tháng thì nó bám đầy bụi. Bây giờ tôi đã chạy được 12 năm, một tuần tôi thường chạy bộ ngoài trời vào lúc 5 giờ vào mùa hè và 6 giờ mùa đông. Tôi không bôi kem chống nắng, đội mũ và ra ngoài, chạy khoảng 5 km trong 40 phút.
Tập thể dục khi bụng đói có thể đốt cháy chất béo, cải thiện làn da và khiến làn da của bạn trông đẹp hơn mà không cần trang điểm".
Tự thiết kế nhà ở
Căn nhà nhỏ đang ở hiện tại do cô tự thiết kế, sau đó mua vật liệu và thuê đội xây dựng để trang trí. Thời gian rất ngắn, chất lượng trang trí và tiết kiệm chi phí khoảng 350 triệu đồng.
Tự thiết kế nhà và tối thiểu hóa chi phí thuê công ty nội thất là một cách giúp mẹ đơn thân tiết kiệm tiền. Ảnh minh họa
Ví dụ, cô không làm một chiếc trần giả treo quá phức tạp nên đã tiết kiệm được 70 triệu đồng. Cô đến công ty trang trí lắp đặt quầy bar trong bếp nhưng họ nói sẽ tốn gần 10 triệu đồng, cô thấy đắt quá nên thuê thợ tự lắp đặt. Lan can cầu thang thường làm bằng kính, giá khá cao, cô thay bằng sắt giá rẻ hơn nhiều.
"Tôi cảm thấy việc sắp xếp hợp lý cuộc sống đã mang lại cho tôi cảm giác kiểm soát được cuộc sống của mình.
Trước đây, có thể tôi nghĩ lấy được chồng giàu có, sống cuộc sống hướng thượng thì tốt nhưng thực tế khi ở trong đó, người ta rất hoang mang và bị nhiều áp lực lôi kéo. Bây giờ tôi sẽ hiểu rõ mình muốn gì và không muốn gì trong cuộc sống, tôi cảm thấy thoải mái, tự do hơn".
Tạm kết
Từ câu chuyện của 2 cô gái đến từ Hà Nội và Đà Nẵng có hoàn cảnh sống khác nhau và nhu cầu cũng khác nhau. Nhưng dù khác biệt như thế nào họ vẫn tìm ra được điểm mấu chốt để thực hiện công cuộc cắt giảm chi tiêu, hướng đến lối sống tiết kiệm và thiết thực.