Trời đất sụp đổ khi biết con u tiểu não ác tính


Tôi đến gặp gia đình chị Đặng Thị  Ngọc Minh trong buổi chiều của thời tiết giao mùa. Nhìn trên khuôn mặt chị phảng phất sự mệt mỏi và nỗi buồn khi đứa con của chị đang mang trong mình căn bệnh u tiểu não quái ác. Ngồi chia sẻ với chị, tôi đọc được tâm trạng của bà mẹ trẻ khi đang mong muốn có phép màu nào đó có thể cứu cậu con trai  gần 4 tuổi của mình là cháu Trần Việt Bách.

Chị Minh tâm sự: Chị sinh Bách vào tháng 8/ 2011, đến nay cháu gần 4 tuổi. Trong suốt quá trình mang thai cho đến lúc chào đời, cháu không có biểu hiện gì của bệnh tật, kể cả trong những tháng mới sinh cháu vẫn lên cân đều như những đứa trẻ bình thường. 

Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2014 sau khi về nhà ông bà nội quê ở Thanh Hóa chơi, mọi người bắt đầu nói cháu nhìn còi xương và có biểu hiện mất thăng bằng. Nhưng chị chỉ nghĩ cháu bị suy dinh dưỡng, sau đó chị cho cháu đi khám dinh dưỡng ở Viện dinh dưỡng Trung ương rồi được chuyển sang khám chụp cắt lớp não mới phát hiện cháu có bị khối u ở tiểu não. Sau khi được bác sĩ thông báo cháu bị khối u trong não, chị cảm thấy vô cùng choáng váng. Chị không thể tin nổi vì trước đó cháu không có biểu hiện ốm đau nào.

Tiếp sau đó để muốn chắc chắn về bệnh tật của cháu chị quyết định đưa cháu sang Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra xét nghiệm sinh tiết thì tại đây chị  được bác sĩ thông báo cháu bị u tiểu não ác tính (một dạng ung thư não), trời đất như sụp đổ dưới chân chị.

hy vọng phép màu cứu con bị ung thư não 1
Bé Bách khi đang nằm viện (Ảnh: NVCC)

Rất mong có phép màu nào đó kéo dài sự sống cho con

Từ sau khi được phát hiện có khối u ở tiểu não (u não), cháu Bách con chị đã trải qua 5 cuộc phẫu thuật và 11 cuộc truyền hóa chất xạ trị tại bệnh viện nhi Trung ương và bệnh viện Việt Đức. Thậm chí có những cuộc phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Mới chỉ có gần 4 tuổi thôi, nhưng cuộc sống của Bách bây giờ chỉ quanh quẩn ở bệnh viện và nhà. Mỗi lần chia sẻ về con, giọng chị Minh lạc đi với sự xót xa và không cầm được nước mắt.

Giờ đây, cứ cách hai tuần Bách lại phải truyền một lần.Trong những lần truyền hóa chất đầu tiên, Bách sợ hãi đến nỗi khóc mãi không nín. Dỗ con không được, cả mẹ cả con cùng khóc.

Rồi cũng thành thói quen, những lần truyền sau, khi đã quen, Bách bớt sợ hơn nhưng lần nào Bách cũng mệt mỏi, không ăn uống được gì. Cứ sau mỗi lần truyền hóa chất, Bách lại bị nôn và đi ngoài liên tục khiến bé càng mệt lả.

Để có thể truyền hóa chất, bắt buộc bằng mọi cách chị phải bồi bổ cho con để con có sức khỏe tốt mới truyền được. Trẻ nhỏ đứa nào cũng không chịu ăn, chứ nói gì những đứa trẻ bệnh tật như con chị. Mỗi lần cho cháu ăn cả hai anh chị đều cùng hợp sức, có những lúc anh phải ghì cháu còn chị phải dùng silanh bơm sữa cho con. Nhìn con khóc mà vợ chồng chị không cầm được nước mắt nhưng cũng phải đành chấp nhận.

Dù cố gượng cười nhưng ánh mắt đỏ hoe của chị vẫn ẩn sâu một nỗi buồn khôn tả. Trong câu chuyện nói về cháu chị Minh không kìm chế được cảm xúc. Chị biết con chị mắc bệnh hiểm nghèo rất khó qua khỏi nhưng chị đang hy vọng có phép màu nào đó giúp con chị vượt qua được bệnh tật kéo dài thời gian của sự sống.

hy vọng phép màu cứu con bị ung thư não 2
Bé Bách sau khi phẫu thuật (Ảnh: NVCC)

U não: bệnh có thể gặp ở bất kì ai

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, ung thư não là khái niệm chung để chỉ các khối u ác tính ở não chứa các tế bào ung thư. Chúng ảnh huởng đến các chức năng sống và gây nguy hiểm cho tính mạng. 

Ở trẻ em, các khối u thường xuất hiện ở thân não, đại não và tiểu não (u não). Các khối u này thường lớn lên nhanh và xâm lấn vào mô lân cận. Cũng giống như một loại cây, các khối u này có thể “mọc rễ" vào mô lành của não. Khi có một khối u ở vùng điều hành chức năng sống của não và ảnh huởng đến các chức năng này thì chúng cũng có thể được coi là khối u ác tính (mặc dù chúng không chứa tế bào ung thư).

Triệu chứng thường gặp nhất của u não thường bao gồm đau đầu (đặc biệt vào buổi sáng và đỡ dần trong ngày), co giật, buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc mất cảm giác ở tay hoặc chân, mất thăng bằng khi đi lại, cử động nhãn cầu bất thường hoặc thay đổi thị giác, buồn ngủ, thay đổi tính cách hoặc trí nhở,  thay đổi ngôn ngữ…

Những triệu chứng này có thể do u não gây ra nhưng cũng có thể do các bệnh khác. Vì vây, khi thấy có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đi khám ngay, không chần chừ.

Theo các chuyên gia ung thư, nguyên nhân gây ra u não chưa được xác định được. Tuy nhiên, u não không phải là bệnh truyền nhiễm. Mặc dù các khối u não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, các nghiên cứu cho thấy chúng phổ biến nhất ở 2 nhóm, nhóm thứ nhất là trẻ em từ 3-12 tuổi; nhóm thứ hai là ở nguời lớn từ 40-70 tuổi.

Phương pháp điều trị bệnh được bác sĩ chỉ định tùy theo vị trí khối u và tình trạng của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u sẽ được chỉ định nếu khối u ở ngoài trục như u màng não, u dây thần kinh số VIII. Trường hợp khối u ở vị trí không thể đến được hoặc vị trí quan trọng thì rất khó phẫu thuật như u nguyên bào mạch máu tiểu não.

Còn đối với những đối với u tế bào thần kinh đệm ác tính, bệnh nhân thường được điều trị bằng phóng xạ, kết hợp điều trị hoá chất trước mổ nhờ đó mà  làm tăng tỷ lệ sống sót. Tùy thuộc loại u, vị trí và khả năng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn u mà bệnh nhân được điều trị tia xạ cho các u não nguyên phát khác, BS Hằng chia sẻ thêm.

U não nếu lành tính thì chỉ cần phẫu thuật lấy u là bệnh nhân sẽ khỏi. Nhưng trong trường hợp bị khối u ác tính (ung thư não) thì ngoài phẫu thuật, người bệnh cần phải thực hiện xạ trị và hóa trị để tiêu diệt các tế bào u tại chỗ và di căn xa. 

Những người bị ung thư não nói chung phải ăn uống thật đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng mới có khả năng chống lại được bệnh tật. Đặc biệt là sau những đợt xạ trị, các tế bào u bị tiêu diệt thì các tế bào lành cũng bị tổn thương ở các mức độ khác nhau nên càng cần thiết phải có chế độ ăn uống tốt, đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục hơn.

Để dự phòng có thể phát hiện ra u não sớm khi thấy các triệu chứng của các bệnh lý ở vùng sọ não: nhức đầu kéo dài, cảm giác ngủ gà ngủ gật, các rối loạn về tâm thần, mất thăng bằng, suy giảm thính lực... cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên môn kiểm tra.