Một dịp, khi đi du lịch, gia đình chị Ngọc Hà (hiện đang ở thành phố Chemnitz, CHLB Đức) tình cờ gặp một du khách đặc biệt. Anh liên tục trao đổi với mọi người xung quanh bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và trò chuyện với Nam San - con trai của chị Hà bằng tiếng Đức.
Buổi gặp gỡ ngắn ngủi tưởng chỉ thế rồi thôi, nhưng lại khơi nguồn hứng thú cho cậu bé Nam San trong việc học đa ngữ. Nhận thấy con thích thú, chị Hà cũng khuyến khích và lên kế hoạch cùng con chinh phục.
Tuy nhiên, xác định ưu tiên trước tiên vẫn là tiếng mẹ đẻ nên từ khi Nam San còn sơ sinh đến hiện tại, chị Hà chỉ dùng ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt để giao tiếp với con. Đến năm 2,5 tuổi con có thể giao tiếp tốt tiếng Việt, hai mẹ con bắt đầu làm quen với các ngoại ngữ khác. Thời điểm này, Nam San đã đi học mẫu giáo 1 năm và được tiếp xúc với tiếng Đức.
Ngoài hai ngôn ngữ được tiếp thu một cách tự nhiên, hiện Nam San có thể sử dụng thành thạo 6 thứ tiếng khác bao gồm: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Hebrew. Tự học nhiều ngôn ngữ, tuy nhiên Nam San không hề bị loạn ngữ. Trình độ của cậu bé cũng được các giáo viên bản xứ đánh giá cao.
Hành trình chinh phục đa ngữ với chi phí "rẻ không tưởng"
Với tiếng Đức, Nam San có thể sử dụng như người bản địa. Tiếng Anh bé giao tiếp rất tốt và tham gia các khóa học với các bạn bản xứ. Tiếng Pháp (tự học 1 năm) bé cũng được giáo viên khen nói chuyện tự nhiên, có thể trao đổi với thầy giáo lưu loát.
Tiếng Trung Quốc dù Nam San mới tự học 3 năm nhưng được cô giáo nhận xét giao tiếp tốt và vốn từ phong phú. Tiếng Nga tự học 8 tháng, con phát âm chuẩn, giao tiếp tốt với cô giáo. Tiếng Tây Ban Nha và Hebrew con vẫn đang tự học với app.
Cụ thể, lộ trình học ngoại ngữ của Nam San như sau:
Năm 1,5 tuổi (09/2016) con đi nhà trẻ bắt đầu tiếp xúc tiếng Đức.
Năm 3 tuổi (2018) con bắt đầu tiếp xúc tiếng Anh (app: Monkey Stories, Razkids, Fafaria, Khan Academy).
Năm 4 tuổi (04/2019) bắt đầu học tiếng Trung (Little Fox, Hello Chinese, Super Chinese, Duolingo, các app viết chữ).
Năm 5,5 tuổi con bắt đầu học tiếng TBN (app: Razkids, Fafaria, Duolingo, Memrise, Drops, tuy nhiên con có thời gian bị gián đoạn vì con giảm hứng thú).
Năm 6 tuổi (7/2021) con bắt đầu tiếng Pháp (app: Duolingo, Memrise, Razkids, Monkey Junior).
Năm 6,5 tuổi (01/2022) con bắt đầu tiếng Nga (app: Duolingo, Memrise, Monkey Junior, Drops, Bible, Russian readers).
Năm 7 tuổi (05/2022) con quay lại nghiêm túc với tiếng TBN và bắt đầu chinh phục tiếng Hebrew (app: Duolingo, Memrise, Drops, Bible).
Thời gian trước 6 tuổi Nam San chưa đi học nên khả năng tiếp thu của con cực mạnh, học cực nhanh. Chị Hà chỉ đặt mục tiêu con giao tiếp/đọc tốt ngôn ngữ, nên cách của chị là tự học qua app. Phần chi phí cho các app chị Hà ước tính chỉ tầm vài triệu.
Khi Nam San đã khá vững, chị mới cho con học giao tiếp với người bản xứ (ví dụ như tiếng Trung Quốc, hiện tại tuần 2 buổi học giao tiếp online với giáo viên bản địa Trung Quốc). Thỉnh thoảng cho con nói chuyện tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga với người bản xứ chị tìm được trên web Preply.com/Italki.com (website cung cấp giáo viên bản xứ với giá rẻ).
Nam San nói nhiều ngôn ngữ (Youtube: Her multilingual Kids).
"Mình phần lớn sử dụng các app miễn phí, nhưng cũng có mua các app có phí nếu cần thiết. Ngoài ra mình không tốn tiền gì thêm, cho đến khi con đạt mức độ có thể giao tiếp cơ bản, mình mới tìm giáo viên bản xứ để con giao tiếp. Mình hay lên các website cung cấp giáo viên bản xứ giá rẻ như Preply.com/Italki.com để tìm.
Tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ tượng hình, nên sau khi con tự học được 3 năm, mình cho con học giao tiếp hằng tuần online với cô giáo bên TQ do chi phí khá rẻ 2EUR/h (khoảng 45 ngàn đồng). Tiếng Anh con hoàn toàn tự học, đã đọc sách, giao tiếp rất tốt. Tiếng Pháp, Nga con cũng hoàn toàn tự học với app.
Để đánh giá mức độ hiệu quả và phát triển của con sau thời gian tự học (ít nhất sau 6 tháng), mình tìm thầy cô bản xứ cho con thử học/nói chuyện trong 1h (giáo viên tiếng Nga: 5EUR/h (khoảng 115 ngàn đồng); giáo viên tiếng Pháp: 7EUR/h (khoảng 160 ngàn đồng). Và cứ sau 1 tháng con sẽ được tìm thầy cô bản xứ nói chuyện trong 1h để đánh giá. Tính ra không tốn quá nhiều chi phí so với những gì con học được, lại rất hiệu quả", chị Hà chia sẻ.
Một vài nhận xét của giáo viên về Nam San.
Học lần lượt để tránh bị "loạn"
"Mình cho con tiếp xúc ngôn ngữ một cách lần lượt. Mình không để con học hai/nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, vì theo quan điểm của mình, con cần thấm/vững một ngôn ngữ rồi mình mới tự tin để con tiếp xúc ngôn ngữ mới.
Mình thấy khi con đã vững một ngôn ngữ thì khi học sang ngôn ngữ mới, con sẽ thấy được cái hay của ngôn ngữ đó, ít nhất ban đầu từ việc cảm âm. Vì cảm nhận được cái khác của từng ngôn ngữ mới, nên con rất chăm chú và nhạy khi nghe, nhờ vậy con mình phát âm khá vững cho từng ngôn ngữ mới.
Mình hay kiểm tra ngôn ngữ (chủ yếu phát âm) của con bằng cách tìm thầy/cô trên web Preply.com để con học thử và nhờ thầy/cô đánh giá", chị Hà chia sẻ.
Để tránh con rối loạn ngôn ngữ, chị Hà tuyệt đối:
- Không giao tiếp với con bằng nhiều ngôn ngữ trong một câu.
- Điều chỉnh ngay khi con dùng ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt ý. Ví dụ: Khi con đang nói tiếng Việt mà thiếu từ, con dùng tiếng Đức thay vào, chị Hà lập tức chỉnh lại nguyên câu nói tiếng Việt và yêu cầu con lặp lại.
- Về phần nghe, trước kia con đang học ngôn ngữ gì thì chị Hà chép nhạc đó cho con nghe loa khi con đang chơi (mỗi ngày khoảng 30 phút). Sau này khi số ngôn ngữ con tăng lên, thì nhạc cũng tăng lên theo số ngôn ngữ. Con vẫn thể nghe nhiều nhạc nhiều ngôn ngữ khác nhau, quan sát thấy con rất thích thú.
- Để con phát âm chuẩn bản xứ, chị Hà dựa hoàn toàn vào app. Khi con vững ngôn ngữ, mẹ mới bắt đầu giao tiếp với con. Lâu lâu chị Hà lại tìm thầy cô (Anh, Pháp) trên Preply.com để con nói chuyện 1h. Tiếng Nga con đang quá trình chinh phục nên vẫn đang tự học.
Lịch sinh hoạt của Nam San hằng ngày:
Mỗi ngày chị Hà sẽ cho con dành thời gian cho mỗi ngôn ngữ ít nhất 15 phút - 30 phút. Sáng thức dậy tầm 6.00, con chọn chơi app học tiếng Trung Quốc và tiếng Hebrew. Nam San học tại trường giờ chính khóa đến 11h30. Sau đó chiều bé sẽ học ngoại khóa các hoạt động chơi khác như vẽ, cờ vua, thủ công, thể thao,...
Chiều 3h30 ba đón về, bé sẽ dành thời gian lần lượt: 15-30 phút cho tiếng Anh, TBN. Tầm 5h30 con dành 30 phút cho tiếng Nga. Sau đó ăn tối, vệ sinh cá nhân, trễ nhất 7h30 con lên giường. Đây là thời gian con dành cho tiếng Pháp 30 phút trước khi đi ngủ.
Tiếng Đức con được học tại trường, tiếng Việt con rất vững nên tự đọc truyện khi con thích và giao tiếp chủ yếu hàng ngày với ba mẹ tại nhà. Gia đình chị Hà cũng hay viết thư ngắn cho nhau hằng ngày, chủ yếu tiếng Việt và tiếng Anh.
Khó nhất là sự duy trì
Chị Hà cho rằng, năng khiếu chỉ giúp học nhanh và dễ hơn. Cái cần nhất là sự chăm chỉ và kiên trì: "Duy trì một ngôn ngữ thì phải sử dụng nó hằng ngày. Thời gian phải được sắp xếp sao cho con dùng cho mỗi ngữ ít nhất 15 phút mỗi ngày. Yêu cầu của mình hiện tại chỉ dừng ở mức độ con giao tiếp tốt, đọc hiểu tốt. Cho nên nếu con không có cơ hội giao tiếp thì ít nhất hằng ngày con phải được: xem/nghe/đọc.
Tiếng Việt với tiếng Đức con tiếp thu tự nhiên nên không tốn thời gian thêm, mỗi ngày con dành thời gian để xem/nghe/đọc các ngôn ngữ còn lại. Bằng cách này con sẽ tích lũy vốn từ cho các ngôn ngữ một cách tự nhiên theo thời gian. Sau này lớn lên học ở cấp cao hơn, con có thể đầu tư chuyên sâu bất kỳ ngôn ngữ nào con thích".
Bố mẹ phải đồng hành với con, nhất là thời gian đầu để tạo thành thói quen và khuyến khích để con yêu thích việc học. Sau đó, quan trọng là tìm nguồn tài liệu phù hợp. Hiện giờ nguồn tài liệu cho từng ngôn ngữ rất dễ tìm, app để học chuẩn phát âm cũng rất nhiều.
"Mình luôn ghi nhớ một điều là ngôn ngữ phải được dùng đến hằng ngày ở bất kỳ hình thức nào. Tại nhà thì con được xem/nghe/đọc. Khi đủ vốn từ sẽ nâng cao lên bằng luyện tập giao tiếp. Giáo viên/người bản xứ giờ tìm rất dễ. Đối với mình, chỉ cần giúp con trau dồi ngôn ngữ bằng sự kiên trì và chăm chỉ hằng ngày thì sớm muộn gì con sẽ chinh phục được ngôn ngữ con muốn", bà mẹ này cho biết.