Nuôi dạy con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhiều khi cha mẹ vì quá nôn nóng, mong con đạt được thành tích mà dẫn đến sai lầm trong việc dạy con. Từ sai lầm đó có thể dẫn đến những hậu quả mà chính cha mẹ cũng không lường trước được. Chẳng hạn như một vụ việc xảy ra tại Trung Quốc cách đây không lâu.
Một cậu bé 8 tuổi ở Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc một năm trở lại đây có những biểu hiện bất thường. Em thường xuyên chớp mắt, hắng giọng và nhún vai không tự chủ. Bố mẹ em sau đó đưa con trai đến Bệnh viện Nhân dân số 5 của thành phố để khám bệnh. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết cậu bé mắc phải chứng rối loạn Tic.
Biểu hiện của chứng rối loạn này là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là Tic vận động; xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là Tic âm thanh. Chứng bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Theo các chuyên gia, rối loạn Tic không nguy hiểm tính mạng nhưng gây mất thẩm mỹ cho trẻ, khiến cha mẹ dễ bị stress. Trẻ em bị rối loạn mạn tính có chất lượng cuộc sống thấp hơn, lòng tự trọng thấp hơn so với những trẻ không có một trong những tình trạng này.
Vậy tại sao cậu bé kia lại mắc chứng rối loạn Tic? Trong quá trình thăm khám, bác sĩ hỏi ra được trong 1 năm nay, em thường xuyên bị bố mẹ trách mắng, đặt ra những kỳ vọng cao trong học tập. Chính điều này khiến em quá căng thẳng, không biết làm sao để giải tỏa. Khi biết được điều này, cha mẹ em đã bật khóc vì hối hận.
Đến nay nguyên nhân chính xác của rối loạn Tic vẫn chưa xác định. Tuy nhiên một số yếu tố được cho là gây ra chứng rối loạn này như: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường như chất gây dị ứng, lo lắng, phim ảnh, trò chơi điện tử,...
Trong trường hợp của cậu bé ở Hành Thủy, có thể thấy nguyên nhân là do sự lo lắng, stress kéo dài vì bị bố mẹ trách mắng, tạo áp lực trong việc học. Thực chất, bỏ qua chứng rối loạn Tic thì từ trước đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra hậu quả tiêu cực của việc cha mẹ thường xuyên trách mắng, tạo áp lực cho con. Trẻ có thể bị mặc cảm, mất tự tin, suy giảm các kỹ năng tương tác xã hội, ngoài ra mắc các căn bệnh tâm lý.
Dẫu biết cha mẹ nào cũng yêu thương, lo lắng, muốn con lớn lên thành công, có thể đứng vững trên đường đời ngay khi không con cha mẹ bên cạnh. Tuy nhiên, việc cha mẹ trách mắng, tạo áp lực quá mức cho con chỉ gây ra hại, chứ không có lợi.
Muốn con thành công, cha mẹ cần có sự đồng hành, nuôi dạy đúng cách. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất như lắng nghe, ghi nhận và cân nhắc cảm xúc của con. Trong cuộc sống, cha mẹ cũng cần trao phần thưởng khi con làm tốt, thay vì chỉ chăm chăm áp đặt con.