Mỗi phụ huynh thường chọn một hình thức phạt con, kỷ luật con khác nhau, có thể là la mắng, quở trách hay đánh đòn? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ có thể nén lại toàn bộ năng lượng đó mà vẫn dạy con những bài học đáng giá khi trẻ làm điều không thể chấp nhận được? Hãy tham khảo câu chuyện dạy con của một cặp vợ chồng Trung Quốc dưới đây.

Cậu bé 9 tuổi ăn trộm tiền của bà để chơi game

Theo tờ South China Morning Post, hiện nay, có rất nhiều bài báo đưa tin các vụ việc trẻ nhỏ sử dụng ví điện tử của cha mẹ để chơi game và thậm chí là mua "những món quà trên các trang bán hàng trực tiếp live stream". Và đó chính xác là những gì cậu bé 9 tuổi Hang Hang ở Trung Khánh, Trung Quốc đã làm 2 tuần trước.

Cậu bé 9 tuổi ăn trộm tiền trong tài khoản của bà chơi game, cha mẹ đã có cách xử lý khiến ai cũng phục - Ảnh 1.

Hang Hang đã lén ăn trộm tiền trong tài khoản của bà để chơi game (Ảnh: Knews).

Cha mẹ Hang Hang phát hiện con trai lén sử dụng điện thoại di động của bà để mua thiết bị cho một trò chơi trên di động. Cụ thể, cậu bé đã dùng tài khoản WeChat Pay của người bà để mua game có giá 2.000 tệ (khoảng hơn 6 triệu đồng).

Tất nhiên, như mọi phụ huynh khác, hai vợ chồng đều rất tức giận. "Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi giận con vô cùng. Tôi có cảm giác như mình có thể tát con", mẹ Hang Hang nhớ lại. Nhưng thay vì giận dữ - điều mà người mẹ này cho rằng chẳng mang lại tác dụng gì, cô lẫn ông xã quyết định xử lý vấn đề theo cách thực tế hơn.

Cộng đồng mạng hết lời khen ngợi cách dạy con của bố mẹ bé

Trong trường hợp tương tự, phần lớn cha mẹ có thể chọn đòi đơn vị vận hành game hoặc trang web bán trò chơi đó trả lại tiền. Nhưng cha mẹ Hang Hang không làm như vậy. Họ quyết định, con trai mình phải học được một bài học ý nghĩa. Mẹ cậu bé yêu cầu Hang Hang phải thu lượm bìa, giấy báo và chai lọ để tái chế nhằm bù đắp cho sai lầm mình gây ra. Những nỗ lực này của họ giúp Hang Hang hiểu giá trị của đồng tiền bằng cách tự mình trải nghiệm lao động nghiêm túc. Hang Hang rốt cuộc nhận ra rằng, để kiếm được 2.000 tệ thì phải khó khăn, vất vả ra sao.

Trong 2 tuần qua, Hang Hang đã dành thời gian rảnh để cùng mẹ thu lượm ve chai, ví dụ giấy bìa từ các gia đình khác, sau đó, bán lại cho cơ sở thu mua. Ngay cả trong tuần lễ Quốc khánh Trung Quốc (1-7/10), cậu bé 9 tuổi vẫn duy trì công việc này mà không có bất cứ ngoại lệ nào.

Cậu bé 9 tuổi ăn trộm tiền trong tài khoản của bà chơi game, cha mẹ đã có cách xử lý khiến ai cũng phục - Ảnh 2.

Thay vì trách phạt con, mẹ Hang Hang đã có một cách xử lý hoàn toàn khác (Ảnh: Knews).

Theo tiết lộ của mẹ Hang Hang, cậu bé ngày càng thành thạo và hiệu quả hơn với công việc thu lượm ve chai. Hang Hang thậm chí còn đặt lịch hẹn với nhà hàng xóm để đến thu các vật dụng có thể tái chế, trong đó có chai lọ. Giấy và bìa các-tông thì được cậu bé gấp lại rồi đóng gói cẩn thận.

Hang Hang cho biết, việc này không hề đơn giản và cậu có thể mất 1 năm để hoàn trả số tiền 2.000 tệ cho bà. Tuy nhiên, Hang Hang đã quyết tâm thực hiện đến cùng.

Sau khi trải nghiệm công việc vất vả để bù đắp thiệt hại do mình gây ra, Hang Hang thú nhận, cậu sẽ không bao giờ trộm tiền nữa. Ngoài ra, Hang Hang cũng hi vọng sẽ thu lượm nhiều đồ ve chai hơn mỗi ngày. Như vậy, cậu có thể sớm trả được món nợ với bà.

Cậu bé 9 tuổi ăn trộm tiền trong tài khoản của bà chơi game, cha mẹ đã có cách xử lý khiến ai cũng phục - Ảnh 3.

Trong 2 tuần qua, Hang Hang đã dành thời gian rảnh để cùng mẹ thu lượm ve chai, ví dụ giấy bìa từ các gia đình khác, sau đó, bán lại cho cơ sở thu mua (Ảnh: Knews)

Cộng đồng mạng Trung Quốc tỏ ra rất thích thú và hết lời khen ngợi cách xử trí của cha mẹ Hang Hang. "Nếu có nhiều phụ huynh như họ, Trung Quốc sẽ không còn quá nhiều "ông vua con"", một người dùng Weibo viết. Thực tế, đất nước Trung Quốc đang có thế hệ gồm rất nhiều người trẻ được chiều chuộng, bao bọc quá mức mà trở nên hư hỏng, yếu ớt...

Quả thật, nỗ lực của cha mẹ Hang Hang đã được đền đáp xứng đáng. Và câu chuyện này còn cho thấy, đôi khi, một chút sáng tạo là tất cả những gì phụ huynh cần để giáo dục con cái. Khi phạm sai lầm, có thể trẻ không hề có ý định xấu. Và giận dữ, la mắng, đánh đập trẻ cũng chẳng giúp giải quyết vấn đề.

Những cách sáng tạo để dạy trẻ một bài học

Thực ra, cha mẹ nào cũng muốn con thực sự học được điều gì đó qua một sự cố, một việc xấu chứ không muốn trẻ nghe lời người lớn chỉ vì sợ bị la mắng hay đòn roi. Nếu chúng ta có thể giữ bình tĩnh và đảm bảo kết nối với con trong lúc đặt ra các giới hạn, trẻ sẽ dần hiểu được, tiếp thu được những điều đúng đắn cần làm.

1. Chú ý tới hành vi tích cực của trẻ

Đa số mọi người đều có có xu hướng tập trung vào thứ tiêu cực hơn là tích cực. Do đó, các bố mẹ nên biết rằng việc nhìn vào hành vi tiêu cực của con thay vì tập trung vào hành vi tích cực là điều hoàn toàn bình thường.

Nhưng sẽ có lợi hơn cho cả bạn và con nếu bạn thực hiện việc này: bắt đầu nỗ lực chú ý tới hành vi tốt của trẻ. Củng cố hành vi tốt có thể hiệu quả, chỉ cần bạn không lạm dụng mà thôi.

Cậu bé 9 tuổi ăn trộm tiền trong tài khoản của bà chơi game, cha mẹ đã có cách xử lý khiến ai cũng phục - Ảnh 4.

Có nhiều cách dạy con hiệu quả mà không cần đòn roi (Ảnh minh họa).

Làm thế nào để bắt đầu:

- Khen ngợi những hành vi có ích, tử tế ở trẻ.

- Nhấn mạnh rằng bạn trân trọng những hành vi như vậy qua những cái ôm, những cái đập tay hưởng ứng và lời khen. Ngay cả một cây kem ăn mừng hành vi đẹp cũng có tác dụng!

- Luôn để trẻ biết trẻ đã làm gì tốt hay chưa tốt trước khi bạn đưa ra bất cứ hành động nào.

2. Áp dụng quy tắc trong nhà với trẻ

Con bạn có thể học được hành vi cả tốt lẫn xấu ở bất cứ đâu. Từ một bộ phim trẻ đã xem hay từ những nguồn tác động bên ngoài: hàng xóm, bạn bè…

Do đó, hãy biến gia đình trở thành nơi để hướng dẫn, chỉ bảo điều đúng đắn cho trẻ.

Ngầm cho trẻ thấy bạn biết "hành vi bắt chước không đúng" kia từ đâu mà có. Bằng cách này, bạn đang cho phép trẻ nhận thấy, hành vi ấy của trẻ không được mong đợi ở gia đình và trẻ nên sửa chữa.

Ví dụ, bạn có thể nói: "Ở nhà bạn T, hét to có thể không sao. Nhưng ở nhà chúng ta, chỉ được dùng từ ngữ và giọng điệu nhẹ nhàng để đề nghị thứ mà ta muốn".

Nguồn: Morning Post, Knews, Psychology