Năm 2015, Hoàng Bách và con trai cả - Hoàng Minh (nickname Tê Giác) cùng nhau tham gia chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế" mùa đầu tiên. Thời điểm đó, Tê Giác mới đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở TP.HCM.
Ngay trong tập đầu phát sóng, cậu bé đã gây ấn tượng với mọi người bởi cách sống tình cảm, biết quan tâm và rất hiếu thảo với bố. Vì không muốn đánh thức giấc ngủ của bố, Tê Giác đã tự mình đến điểm tập trung, bưng bê từng món ăn về nhà với suy nghĩ "Mình sẽ khiến bố bất ngờ". Thậm chí, cậu bé còn khéo léo bày biện thức ăn, bàn ghế và lặng lẽ chờ bố thức dậy ăn cơm. Trong những tập tiếp theo, Tê Giác cũng khiến nhiều người "ấm lòng" khi động viên lúc bố buồn và hớn hở gọi điện hỏi thăm mẹ và em gái ở nhà.
Có lẽ vì cách sống tình cảm nên Tê Giác rất dễ "mít ướt" và có tần suất khóc nhè nhiều nhất nhì chương trình. Cậu bé òa khóc khi 2 bố con thua trò chơi, khóc khi có điều không vui trong hành trình, khóc thét khi bạn "gian lận",... Tất cả những lần khóc nhè này khiến khán giả phì cười và càng thêm ấn tượng với cậu nhóc.
Bằng đi vài năm, "thánh mít ướt" ngày nào giờ đã 14 tuổi. Không còn là cậu nhóc gầy gò, dễ rơi nước mắt nhất "Bố ơi mình đi đâu thế", Tê Giác hiện đã rất chững chạc, trưởng thành và có những thay đổi đáng kinh ngạc.
Mới học cấp 2 đã cao gần bằng bố
Thời điểm xuất hiện trên sóng truyền hình năm 2015, Tê Giác chưa có chiều cao nổi trội và vóc váng cũng khá gầy. Tuy nhiên cậu bé hiện đã "trổ mã", trở nên cao ráo và đẹp trai hơn nhiều. Càng lớn, đường nét khuôn mặt Tê Giác càng giống hệt bố.
Năm 2018, khi mới 12 tuổi, Tê Giác đã cao 1m6. Hiện tại chiều cao của cậu đã tăng thêm nhiều. Trong những bức ảnh mới nhất của gia đình Hoàng Bách, có thể thấy cậu cả đã cao ngang ngửa bố mẹ. Bản thân cậu bé cũng chững chạc hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.
Học tập chăm chỉ và có thành tích ấn tượng
Ngay từ nhỏ, Tê Giác đã có niềm vui và đam mê đọc sách. Cậu bé đi đâu cũng phải mang theo sách để đọc. Nói về sở thích của con, Hoàng Bách từng chia sẻ: "Con chỉ cần ngồi một góc với cuốn sách trên tay là quên hết xung quanh. Có thể, đó là từ gen thích đọc từ bố, ông ngoại".
Được biết, cựu thành viên AC&M chính là người đã luyện cho con thói quen tốt này. Nam ca sĩ cho con đọc sách từ rất sớm và thường xuyên kể chuyện cho con nghe. Anh chia sẻ: "Thế giới sách không áp đặt tư duy hình ảnh, không áp đặt lý thuyết một cách cứng nhắc, nó có nhiều không gian cho sự tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ. Việc thay sách bằng phim hoạt hình hay kể chuyện bằng hình ảnh trên tivi, tôi nghĩ cũng tốt thôi, nhưng sẽ hạn chế không gian tưởng tượng của các con".
Nhờ cách dạy của bố mà tình yêu sách của Tê Giác lớn lên từng ngày. Từ năm 10 tuổi, cậu bé đã tiếp xúc với hơn 1.000 đầu sách và tính đến nay, con số chắc chắn đã phải tăng lên nhiều lần.
Không chỉ ham đọc, Tê Giác còn học rất giỏi và đạt được những thành tích ấn tượng. Năm ngoái, cậu bé xuất sắc đoạt HCB Olympic Sinh - Lý thành phố. Ngoài ra cậu bé còn học tốt cả môn Toán và đặc biệt rất giỏi Nhạc, nhất là đàn piano - điều này có lẽ do gen nghệ thuật của ông bố nổi tiếng.
Được bố dạy theo cách "khác người"
Trong một lần chia sẻ với báo chí, Hoàng Bách từng tiết lộ: "Tôi là ông bố sẵn sàng xưng mày - tao với các con và chúng cũng có quyền xưng mày - tao với bố. Đó là cách tôi dạy con mình". Chia sẻ này ngay lập tức làm dấy lên những tranh cãi trong dư luận. Đa số đều phản đối cách dạy con của nam ca sĩ, cho rằng cách dạy đó sẽ khiến các con vô lễ, hỗn hào với bố mẹ.
Tuy nhiên Hoàng Bách sau đó đã nhanh chóng đính chính, làm rõ những hiểu lầm. Anh cho biết: "Chuyện tôi cho phép con xưng hô "mày - tao" với mình là một trò chơi có thời hạn (thường là 15-20 phút). Với tôi, mục đích của việc này là để cha con có thể thực sự coi nhau như bạn bè và chia sẻ được với nhau tất cả những điều chúng muốn mà đôi khi vì khoảng cách của thứ bậc trong gia đình chúng không dám chia sẻ".
Hoàng Bách cho rằng ý tưởng cho con xưng hô mày - tao với bố mẹ của mình khá mới mẻ và lạ lẫm so với người Việt, thế nên phản ứng của khán giả là có thể hiểu được. Vợ nam ca sĩ cũng ủng hộ cách giáo dục của chồng. Cô kể: "Chính bà nội lúc đầu còn e dè, sau đấy thấy vui quá nhảy vào chơi luôn cùng cả nhà. Trẻ con cuối tuần rất vui và hào hứng khi đến giờ chơi trò này và tranh nhau nói khi đến gần hết giờ. Hết giờ thì quay lại như cũ và đứa nào cũng khúc khích cười".