Suvir Mirchandani đang học lớp 6 tại trường trung học Dorseyville (Mỹ) khi em thực hiện dự án khoa học về giảm lãng phí và tiết kiệm chi phí. Thay vì áp dụng khoa học máy tính, Suvir muốn tính toán xem có cách nào tốt hơn để tối thiểu hóa lượng mực và giấy đang sử dụng.
Trước đó, giảm lượng giấy sử dụng bằng cách tái chế và in hai mặt là hai giải pháp thường được nhắc đến, song ít người chú ý đến lượng mực phải bỏ ra để in. Họ cũng không nhận ra mực in thực tế còn đắt hơn cả nước hoa Pháp nếu xét theo khối lượng: nước hoa Chanel No.5 có giá 38 USD/ounce, trong khi mực in HP có giá tới 75 USD/ounce (1 ounce tương đương 28,3gram).
Đó là lý do Suvir quyết định hướng dự án vào cách thức giảm lượng mực in cần thiết. Từ một số bài tập photo của giáo viên, cậu tập trung vào các ký tự thường sử dụng nhất là “e”, “t”, “a”, “o” và “r”. Đầu tiên, Suvir xếp hạng mức độ thường gặp của các ký tự trong 4 loại phông chữ: Garamond, Times New Roman, Century Gothic và Comic Sans rồi tính toán lượng mực in được sử dụng cho mỗi ký tự bằng công cụ có tên APFill® Ink Coverage Software. Sau đó, cậu phóng lớn ký tự, in ra rồi cắt lên các tấm bìa để so sánh trọng lượng. Từ đây, Suvir xác định dùng phông chữ Garamand với nét mỏng hơn sẽ giúp trường của mình giảm 24% lượng mực in và tiết kiệm khoảng 21.000 USD/năm.
Dùng phông chữ Garamond có thể giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm 400 triệu USD/năm.
Được sự ủng hộ từ giáo viên, cậu học sinh 14 tuổi xuất bản nghiên cứu trên ấn phẩm Journal for Emerging Investigors (JEI) của một nhóm cựu sinh viên đại học Harvard. Nó có cùng tiêu chuẩn với các tờ báo chính thống và mỗi bài viết được một nhóm chuyên gia đánh giá. Sarah Fankhauser, một trong những nhà sáng lập JEI nhận định: trong số gần 200 bài viết gửi về từ năm 2011, dự án của Suvir nổi bật hơn cả và có tính thực tiễn.
JEI đề nghị Suvir mở rộng dự án lên quy mô lớn hơn, ở cấp liên bang. Với chi phí mực in 1,8 tỷ USD/năm, cậu bé tiến hành thử nghiệm bằng 5 mẫu từ tài liệu trên website Government Printing Office và cho ra kết quả: nếu thay đổi phông chữ từ Times New Roman sang Garamond, chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm gần 400 triệu USD/năm.
Gary Somerset, Giám đốc truyền thông của Văn phòng In ấn Chính phủ (GPO), công trình của Suvir đáng lưu ý song không rõ GPO có thay đổi phông chữ không vì cơ quan này đang tập trung vào chuyển nội dung lên web. Năm 1994, có khoảng 20.000 văn bản được in mỗi ngày song 20 năm sau, con số đã giảm còn 2.500. Ngoài ra, loại giấy dùng để in là giấy tái chế.
Một giải pháp mà chính phủ đưa ra nhằm giảm thiểu lượng mực in sử dụng là “printwise”, hướng dẫn các văn phòng thiết lập mặc định về ba phông chữ Times New Roman, Garamond và Century Gothic. Sáng kiến này có thể giúp chính phủ liên bang tiết kiệm 30 triệu USD/năm. Tuy nhiên, Suvir tin rằng dự án của cậu có tác động rộng hơn vì không chỉ chính phủ, người dân khắp nước Mỹ đều in ấn mỗi ngày.