Cách đây gần 7 năm trước, cậu bé Kentaro Yokobori cất tiếng khóc chào đời theo cách bình thường như bao đứa trẻ khác trên thế giới. Nhưng đối với người dân làng Kawakami, ở quận Sogio, thuộc tỉnh Nara ở vùng Kinki (Nhật Bản), sự ra đời của Kentaro là sự kiện đáng ăn mừng. Họ ví cậu bé như là một "phép màu". Vì Kentaro là đứa trẻ đầu tiên chào đời ở Kawakami sau đúng 1/4 thế kỷ.

Suốt 1 tuần sau khi Kentaro chào đời, người dân trong làng nườm nượp đến thăm và chúc mừng bố mẹ của cậu bé, anh chị Hirohito và Miho. Gần như tất cả họ đều là người già, trong đó có một số người tuổi đã cao, đi lại khó khăn.

“Những người lớn tuổi rất vui khi thấy nhìn thấy cậu bé Kentaro. Một cụ bà dù đi lại khó khăn, phải chống gậy nhưng vẫn đến để bế con tôi trong tay. Tất cả những người lớn tuổi thay phiên nhau bế con tôi”, Miho nhớ lại khoảnh khắc con trai mình được dân làng chào đón tưng bừng.

Trong suốt 25 năm không có bất kỳ em bé sơ sinh nào chào đời ở Kawakami, dân số trong làng đã giảm hơn một nửa xuống chỉ còn 1.150 người – giảm từ 6.000 người cách đây 40 năm – vì những người dân trẻ tuổi rời đi và những cư dân lớn tuổi đã qua đời. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, một số còn bị động vật hoang dã xâm chiếm.

Kawakami chỉ là một trong rất nhiều những thị trấn và làng mạc nhỏ ở các vùng nông thôn Nhật Bản bị "rơi vào quên lãng", khi những người trẻ cứ đổ xô đến các thành phố lớn. Hơn 90% người Nhật hiện đang sống ở các khu vực đô thị như Tokyo, Osaka và Kyoto.

Điều đó đã khiến các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và trồng trọt phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Tình trạng này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới khi lực lượng lao động già đi. Đến năm 2022, số người Nhật làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm xuống còn 1,9 triệu người so với 2,25 triệu người của 10 năm trước đó.

Sự thực đang diễn ra ở Kawakami là ví dụ điển hình cho một vấn đề vượt xa khỏi vùng nông thôn. Vấn đề hiện hữu ở Nhật Bản chính là tỷ lệ sinh đã giảm nghiêm trọng.

"Thời gian không còn nhiều nữa rồi"

Đó là câu nói của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây. Cho đến nay, câu khẩu hiệu ấy dường như vẫn chưa truyền được cảm hứng cho thành phố đông đúc ở đất nước Mặt trời mọc.

Giữa vô số dữ liệu nhân khẩu học, ông Fumio đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng đất nước "đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội".

Nhật Bản có 799.728 ca sinh vào năm 2022, con số thấp nhất được ghi nhận và chỉ bằng hơn một nửa so với 1,5 triệu ca sinh vào năm 1982. Tỷ lệ sinh của quốc gia này đã giảm xuống còn 1,3, dưới mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong đã vượt xa sinh trong hơn một thập kỷ.

Một số người lo ngại đất nước này đang lao tới điểm "không thể quay lại", khi số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống tới mức thấp nghiêm trọng, để rồi từ đó, sẽ không có cách nào để đảo ngược xu hướng suy giảm dân số.

Tất cả những điều này đã khiến các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là xoay trở duy trì chế độ lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho những người già, trong khi lực lượng lao động bị thu hẹp.

Lối sống đô thị bận rộn và thời gian làm việc quá dài khiến người Nhật có ít thời gian để lập gia đình và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đồng nghĩa với việc chi phí sinh con quá đắt đỏ đối với nhiều người trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, có những điều cấm kỵ về văn hóa xung quanh việc nói về khả năng sinh sản. Các chuẩn mực "gia trưởng" thì liên tục gây khó khăn cho những phụ nữ muốn quay trở lại làm việc sau sinh con.

Bác sĩ Yuka Okada, giám đốc Phòng khám Grace Sugiyama ở Tokyo, cho biết rào cản văn hóa khiến việc trao đổi về khả năng sinh sản của phụ nữ thường bị giới hạn.

“Mọi người xem chủ đề này là xấu hổ. Hãy nghĩ về cơ thể của bạn và nghĩ về điều gì sẽ xảy ra sau khi sinh. Rất quan trọng. Vì vậy, chẳng có gì phải xấu hổ cả".

Okada là một trong những bà mẹ hiếm hoi ở Nhật Bản có sự nghiệp thành công rực rỡ sau khi sinh con. Nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao của Nhật Bản buộc phải chuyển sang làm công việc bán thời gian sau khi sinh con. Theo OECD, vào năm 2021, 39% lao động nữ ở Nhật làm việc bán thời gian, so với 15% ở nam giới.

Chính quyền các khu vực đô thị đang bắt đầu trợ cấp cho việc đông lạnh trứng để phụ nữ có cơ hội mang thai thành công cao hơn nếu họ quyết định sinh con sau này.

Các bậc cha mẹ mới ở Nhật Bản đã nhận được “khoản tiền thưởng cho em bé” hàng ngàn đô la để trang trải chi phí y tế. Còn người độc thân? Nhà nước đã tài trợ hẳn một dịch vụ hẹn hò do trí tuệ nhân tạo trợ giúp.

Câu chuyện đề phòng

Liệu các biện pháp như vậy có thể xoay chuyển tình thế, ở khu vực thành thị hay nông thôn hay không, vẫn còn phải chờ xem. Nhưng ở vùng nông thôn, làng Kawakami đưa ra một câu chuyện đề phòng về những gì có thể xảy ra nếu sự suy giảm dân số không được cải thiện.

Cùng với việc dân số giảm, nhiều nghề thủ công và lối sống truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Trong số những người dân làng thay phiên nhau bế cậu bé Kentaro có ông Kaoru Harumashi (70 tuổi) là cư dân lâu đời của làng Kawakami. Người thợ mộc bậc thầy đã tạo được mối quan hệ thân thiết với cậu bé, dạy cậu cách chạm khắc gỗ tuyết tùng lấy từ những khu rừng xung quanh.

Cậu bé vừa chào đời đã được gọi là "phép màu", cả làng phấn khởi ăn mừng nhưng không tránh được sự thật chua chát đáng báo động - Ảnh 2.

Ông Kaoru Harumashi (70 tuổi) là cư dân lâu đời của làng Kawakami.

"Thằng bé gọi tôi là ông nội", ông Kaoru nói. “Cháu trai tôi sống ở Kyoto nên tôi không được gặp cháu thường xuyên. Có lẽ tôi cảm thấy có tình cảm mạnh mẽ hơn với Kentaro vì được gần gũi thằng bé hàng ngày, mặc dù giữa 2 ông cháu không có quan hệ huyết thống”.

Cả 2 người con trai của ông Kaoru đã rời làng từ nhiều năm trước. “Nếu bọn trẻ không chọn tiếp tục sống ở làng, chúng sẽ lên thành phố”, ông Kaoru nói.

Khi vợ chồng Hirohito và Miho chuyển đến sống ở làng Kawakami khoảng một thập kỷ trước, họ không biết rằng hầu hết cư dân đều đã qua tuổi nghỉ hưu. Trong những năm qua, họ đã chứng kiến những người bạn lớn tuổi qua đời và truyền thống cộng đồng lâu đời bị mai một.

Cậu bé vừa chào đời đã được gọi là "phép màu", cả làng phấn khởi ăn mừng nhưng không tránh được sự thật chua chát đáng báo động - Ảnh 3.

Ông Kaoru Harumashi đục đẽo những khúc gỗ tuyết tùng để làm thùng.

Miho nói: “Không có đủ người để duy trì các hoạt động cộng đồng, lễ hội... Càng hiểu thêm về các cụ già, tôi càng cảm thấy buồn khi phải nói lời tạm biệt với họ. Dù sao đi nữa, cuộc sống vẫn phải tiếp tục diễn ra. Thật buồn khi thấy những người xung quanh, người dân địa phương ngày càng ít đi".

Bỏ phố về quê

Trong những năm gần đây, cuộc chiến nhằm tăng tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã mang lại rất ít lý do để lạc quan.

Tuy nhiên, một tia hy vọng nhỏ nhoi có thể thấy rõ trong câu chuyện về gia đình cậu bé Kentaro. Sự ra đời của Kentaro là bất thường không chỉ vì cả làng đã chờ đợi quá lâu mà còn vì bố mẹ em đã quyết định chuyển từ thành phố về vùng nông thôn – trái ngược với xu hướng hàng thập kỷ qua.

Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy ngày càng nhiều người trẻ như họ đang xem xét sức hấp dẫn của cuộc sống ở nông thôn, với chi phí sinh hoạt thấp, không khí trong lành và lối sống ít căng thẳng.

Một nghiên cứu về cư dân ở khu vực Tokyo cho thấy 34% số người được hỏi bày tỏ mong muốn chuyển về sống ở vùng nông thôn, tăng từ 25,1% vào năm 2019. Trong số những người ở độ tuổi 20, có tới 44,9% bày tỏ sự quan tâm.

Vợ chồng Hirohito và Miho nói rằng việc lập gia đình sẽ khó khăn hơn nhiều - về mặt tài chính và cá nhân - nếu họ vẫn sống ở thành phố.

Quyết định di chuyển của họ bắt nguồn từ một thảm kịch quốc gia Nhật Bản xảy ra 12 năm trước. Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất đã làm rung chuyển mặt đất dữ dội trong vài phút trên khắp đất nước, gây ra những đợt sóng thần cao hơn cả tòa nhà 10 tầng tàn phá những dải đất rộng lớn ở bờ biển phía đông và gây ra sự cố tan chảy tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Miho lúc đó là một nhân viên văn phòng ở Tokyo. Cô nhớ cảm giác bất lực khi cuộc sống hàng ngày ở thành phố lớn nhất Nhật Bản sụp đổ.

"Mọi người đều hoảng loạn, vì vậy nó giống như một cuộc chiến, mặc dù tôi chưa bao giờ trải qua chiến tranh. Giống như có tiền mà không mua được nước vậy. Tất cả các phương tiện giao thông đã bị đóng cửa, vì vậy bạn không thể sử dụng nó", Miho nhớ lại.

Bi kịch là khoảnh khắc thức tỉnh đối với Miho và Hirohito, lúc đó đang làm việc với tư cách là nhà thiết kế đồ họa.

"Những thứ mà tôi từng dựa vào đột nhiên lại cảm thấy không đáng tin cậy, và tôi cảm thấy rằng mình thực sự đang sống ở một nơi rất không ổn định", Hirohito nói.

Cặp đôi đã tìm thấy ngôi làng ở một trong những vùng xa xôi nhất của Nhật Bản, tỉnh Nara. Đó là vùng đất của những ngọn núi hùng vĩ và những thị trấn nhỏ bé, ẩn mình dọc theo những con đường quanh co bên dưới những cây tuyết tùng cao chót vót, cao hơn hầu hết các tòa nhà.

Họ bỏ việc ở thành phố và chuyển đến một ngôi nhà đơn sơ trên núi, nơi họ kinh doanh một nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng nhỏ. Hirohito đã học nghệ thuật chế biến gỗ và chuyên sản xuất thùng gỗ tuyết tùng cho các nhà máy rượu sake của Nhật Bản. Còn Miho là một người nội trợ toàn thời gian. Họ nuôi gà, trồng rau, chặt củi và chăm sóc Kentaro, cậu bé sắp vào lớp một.

Câu hỏi lớn đối với cả làng Kawakami và phần còn lại của Nhật Bản: Liệu sự ra đời của Kentaro là dấu hiệu của thời kỳ tốt đẹp hơn sắp tới – hay là sự ra đời kỳ diệu trong một lối sống đang dần "hấp hối"?