“Chông gai có thể làm ta chùn bước, nhưng lời nói thì không”. Khi ta còn nhỏ, các bậc phụ huynh luôn dùng câu ngạn ngữ đó để động viên con khi con bị bắt nạt. Đúng là nó có giúp ta thêm sức mạnh, nhưng sự thật là nó không thể bảo vệ ta trước sự tổn thương mà lời nói gây ra. Nó cũng không khiến ai đó ngừng nói những lời xấu xí hay xin lỗi về điều đó.
Lời nói đóng vai trò quan trọng trong sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, như một người mẹ đã có lời chia sẻ: “Chúng ta có thể giấu đi sự tổn thương tinh thần, nhưng thực chất nó vẫn tồn tại trong tâm trí, trái tim và cả tâm hồn mỗi người.”
Nếu bạn đã từng bị tổn thương vì những lời xấu xí từ người khác khi bạn còn nhỏ, vậy thì tại sao giờ bạn lại gây cho con mình sự tổn thương tương tự? Đúng, đó là khi bạn gọi con là “Đồ nói dối”, “Đồ hậu đậu”, “Đồ ngu”, “Con hư”,v.v...
Một lời nói của bố mẹ cũng có thể làm tổn thương tâm hồn con trẻ.
Khi nói những lời như vậy, các phụ huynh có tin rằng nó sẽ giúp con mình thay đổi hay cư xử tốt hơn không? Điều đó có tác dụng bao giờ không?
Sharon Silver, tác giả cuốn sách “Ngừng phản ứng, hãy phản biện” đã chia sẻ về vấn đề này với mong muốn bố mẹ hãy tránh những câu nói hay từ ngữ có thể gây tổn thương khi nói chuyện với con.
Tôi nhớ lúc đó, mình đang ở trong hàng tạp hóa thì nghe thấy một bà mẹ thì thầm rất khẽ vào tai con trai: “Con có phải cậu bé hư không?”. Cậu bé tội nghiệp cố gắng né mình khỏi mẹ, như thể đang cố trốn tránh lưỡi dao sắc bén của lời thì thầm ấy, được nói ra từ chính người mẹ yêu quý của mình. Và cậu bé cúi đầu nói: “Vâng”.
Khuôn mặt buồn bã bé nhỏ ấy đã kể rõ mọi chuyện. Đó không phải là lần đầu bà mẹ nói với cậu bé những lời ấy. Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự tác động của lời nói ấy tới tư duy cảm xúc của cậu bé. Cậu bé chấp nhận nó, như thể nó là một phần cuộc sống, và từ giờ, cậu bé sẽ luôn nghĩ mình là một người tồi tệ.
Chúng ta đều đọc được những lời khuyên rằng cha mẹ nên làm rõ các hành vi của con trẻ, nên nói rằng hành động đó là hư, chứ không phải chính đứa trẻ hư. Nhưng tôi không đồng ý với điều đó. Tôi không chắc trẻ con có thể phân biệt đối tượng của lời nói.
Thử nghĩ xem nhé. Một nhóm các cô bé đang chơi đùa. Trish nhìn vào Suzie và nói, “Suzie, tóc cậu trông buồn cười quá!”. Những cô bé khác thì cười rộ lên. Liệu lúc ấy, Suzie có hiểu được chỉ là ngày hôm ấy, tóc mình trông buồn cười? Hay cô bé sẽ tự hiểu câu đó có nghĩa là “Cậu trông thật xấu xí”?
Có một cuốn sách đã nói về cách đáp trả sự bắt nạt, và theo cuốn sách, Suzie có thể đáp trả: “Nếu nghĩ tóc tớ hôm nay trông buồn cười thì cậu nên thấy nó hôm qua cơ”. Bố mẹ cô ấy có thể dạy cô bé đáp trả lại bằng câu nói thông minh như vậy. Nhưng thật ra, hầu hết trẻ nhỏ không thể xử lý tình huống một cách khéo léo như thế. Mặc cảm từ lời nói của bạn bè có thể bắt rễ vào trong tiềm thức trẻ và ảnh hưởng đến cả tương lai sau này.
Hãy nói với con nhẹ nhàng, đừng dùng những từ khiến con mặc cảm.
Ai cũng hiểu rõ mình dễ dàng bị mặc cảm từ lời nói của bạn bè. Vậy hãy thử tưởng tượng xem, nếu lời nói đó đến từ cha mẹ, thì mặc cảm ấy sẽ lớn đến thế nào.
Thử nghĩ xem, con trẻ luôn xem cha mẹ là người đúng nhất, vậy nên khi bạn áp đặt một suy nghĩ vào con mình, con sẽ chấp nhận luôn và mặc cảm mình đúng là như vậy. Vết thương ấy sẽ đòi hỏi bạn cố gắng bù đắp rất nhiều.
Tại sao bố mẹ lại phải nói những lời nặng nề như vậy? Có hàng tá những lời khác tử tế hơn và hiệu quả hơn để dạy con nên người.
Ba câu hỏi giúp cải thiện hành vi của con trẻ
Khi con cư xử không đúng mực, hãy hỏi con: Liệu như thế có ngoan không? Làm như thế có an toàn không? Có tôn trọng cha mẹ không? Ba câu hỏi này sẽ giúp bạn quá trình thay đổi và dạy dỗ con, thay vì làm con có mặc cảm về bản thân.
Cuối cùng, lời khuyên của tôi là, ngừng khiến con mặc cảm về bản thân vì lời nói, ngay cả khi những lời nói ấy phản ánh đúng việc con làm. Hãy dùng những từ ngữ có tính tạo động lực để giúp con và cả chính bạn tiến xa hơn trong tương lai.
Nguồn: popsugar