Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 1.

Nguyễn Trọng Đại, sinh năm 1997 đang là sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa và cũng là chủ của tiệm bánh mang tên Èn Èn "ngộ nghĩnh" ở Hà Nội. "Sự nghiệp" làm bánh của Đại đến rất tình cờ. “Mình bắt đầu học và yêu làm bánh từ năm 17 tuổi. Sinh nhật năm đó mình được chị gái tặng một chiếc lò nướng. Mình đã vui mừng tới mức rót tất cả tiền học bổng để mua đồ làm bánh rồi mang bánh của mình cho mọi người. Cảm giác chiếc bánh mình làm mang lại niềm vui cho người khác thực sự rất hạnh phúc".

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 2.

Mê bánh là thế nhưng con đường trở thành đầu bếp bánh của Đại cũng không dễ dàng. Thời gian lựa chọn trường sau cấp 3, Đại đã đấu tranh với bố mẹ để được vào Sài Gòn theo học ở một trường dạy về bếp bánh. Nhưng cậu thanh niên 18 tuổi năm đó chưa đủ bản lĩnh để chứng minh và thuyết phục bố mẹ, thế nên cuối cùng Đại đã lựa chọn học Bách Khoa như nguyện vọng của bố mẹ. 

Dù vậy trong quãng thời gian học đại học, Đại luôn duy trì đam mê với bếp núc bằng nhiều hình thức. Có lúc Đại đi làm thuê cho một tiệm bánh, có lúc Đại làm nhà hàng, có lúc cậu nhận làm bánh sinh nhật… tất cả đều là vừa học, vừa làm, vừa tự nghiên cứu và mày mò. 

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 3.

Cơ hội để Đại chính thức rẽ sang nghề bếp là từ một tuyển dụng đầu bếp của một nhà hàng. Lúc cầm CV đi phỏng vấn, Đại vừa run vừa có chút tự ti bởi phỏng vấn cùng Đại lúc đó là một anh rất đỉnh. Anh ấy nói những thứ mà cậu chưa từng nghe thấy bao giờ, trong khi đó trong đầu cậu lúc ấy chủ yếu chỉ có toàn bơ, đường và bột mì chủ yếu tự tìm hiểu.

Nhưng vì một lý do nào đó, Đại vẫn được nhận và được gửi đi một nhà hàng Nhật đào tạo 1 tháng về tất cả mọi thứ, từ cơ bản nhất như cách cầm dao cho tới phức tạp hơn là ốp la trứng. 1 tháng ở Nhật Bản, Đại học được rất nhiều từ Yoshi người bếp trưởng hướng dẫn cậu trực tiếp khi ấy, không chỉ về nghề mà còn bởi câu nói đã trở thành kim chỉ nam của cậu sau này: "Một đầu bếp không cầu toàn, không sáng tạo thì bỏ đi". 

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 4.

Một kỹ sư ô tô tương lai bỏ lại tất cả phía sau để mở tiệm bánh nhỏ sẽ gặp những khó khăn nào?

Đầu tiên Đại không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bố mẹ thường muốn con cái có một công việc và một cuộc sống "ổn định". Nhưng thay vì chọn "ổn định", Đại đã chọn một cuộc sống hạnh phúc. Dù đã gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục bố mẹ nhưng lâu dần, cố gắng của Đại rồi cũng đã đơm hoa kết trái. Bố mẹ cậu cũng đã chấp thuận cho cậu theo con đường dính đầy bơ và bột thay vì dầu mỡ xe cộ.

Khó khăn tiếp theo với Đại là sự thiếu thốn. Thời gian bắt đầu, Đại thiếu rất nhiều thứ. Tài chính là một phần nhỏ thôi, còn thứ mà Đại tự nhận thấy mình thiếu nhiều nhất lại là kiến thức, vì làm bánh ngon là chưa đủ để mở được tiệm, cậu cần phải có nhiều hơn thế. Đại đã phải tự mình học rất nhiều, từ việc chụp ảnh, marketing, quản lý.

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 5.

Trong khi đó việc học hành ở Bách Khoa khá nặng, để có thể duy trì được niềm đam mê là cả một vấn đề. Ngày Đại đi học, tối lại đi làm bánh thuê, rảnh ra lại tự nghiên cứu. Nghe có vẻ mệt nhưng lúc đó cậu rất hạnh phúc.

Ai làm bánh đều biết các loại bánh đều có công thức. Nhưng bánh có ngon hay không là do sự tinh tế, sáng tạo và bí mật riêng của người đầu bếp trong chế biến. Với Đại, nguyên liệu bí mật mà cậu cho thêm vào từng chiếc bánh của mình đấy là tình yêu. Đại cho rằng làm bánh mà có tình yêu nó khác hẳn với bánh công nghiệp. Đơn giản là từng chiếc bánh đều được tỉ mỉ, chăm sóc tận tình trước khi tới tay khách hàng khi ăn họ sẽ cảm nhận được. 

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 6.

Việc làm bếp rèn cho người ta tính kiên trì và cầu toàn. Cũng vì thế mà Đại trở nên trưởng thành và điềm đạm hơn nhiều so với ngày trước. Đại nói vui về nghề mình đã chọn: “Làm bánh khó lắm. Đến nay, mình làm bánh được 6 năm rồi, nhưng tự nhận thấy trình độ vẫn ở mức trung bình kém, vẫn còn cần phải học hỏi thêm nhiều. Nhưng làm bánh cũng dễ lắm, có tâm là làm được!”.

Nhiều bạn cũng có "ước mơ" mở tiệm bánh vì họ thích làm bánh. Nhưng Đại quan niệm rằng đam mê thì phải nuôi sống được bản thân, còn không thì gọi là sở thích thôi.

Hiện tại thì tiệm bánh của Đại đang hoạt động ổn định, Đại cũng có thể tự nuôi sống bản thân mình. Đại đã có một khoản tiết kiệm nho nhỏ để cho dự định sau này. Dù sắp tới Đại có những dự định làm một kênh youtube về nấu ăn nhưng tiệm bánh vẫn là thứ gắn bó với Đại lâu dài bởi nó không chỉ như một đứa con tinh thần của cậu mà còn giúp cậu có thu nhập tốt hơn.

Đó là cơ sở để cậu có thể thực hiện những dự định sắp tới. Cũng như cách Đại nuôi dưỡng tình yêu lứa đôi của mình bằng cách làm một người đàn ông trưởng thành ngay từ khi còn trẻ. 

Có nhiều người hỏi Đại rằng việc bỏ 5 năm học Bách Khoa thế có phí không. Dù ban đầu học là để chiều lòng bố mẹ nhưng lúc học rồi, Đại luôn khẳng định là không hề lãng phí. Ở môi trường này, Đại học hỏi được rất nhiều thứ, được rèn luyện dưới áp lực rất lớn. Nếu không học Bách Khoa thì chưa chắc Đại đã mở được tiệm bánh. Đại cũng học được những điều dù nhỏ mà cực lớn từ một người thầy ở trường nói rằng: Nếu như mình sống một cách tử tế và chân thành thì sẽ đều được mọi người yêu mến. 

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 8.

Đại may mắn có một cô bạn gái rất tâm đầu ý hợp bước ra từ những cuộc trò chuyện trên Tinder. Dù Tinder đôi khi cũng bị gán những điều thiếu tích cực, nhưng đâu đó vẫn có những mối tình đẹp từ Tinder như cách Đại tìm được cô bạn gái của mình.

Như Đại kể, đó là người đầu tiên mà cậu gặp ở app hẹn hò ấy rồi sau đó trở thành người đồng hành, chỗ dựa tinh thần rất lớn giúp Đại vững tâm làm tiệm bánh và mở tiệm bánh.

Đến giờ chuyện tình của họ cũng được hơn 2 năm và như Đại tiết lộ thì: “Những chiếc bánh gắn kết bọn mình hơn rất nhiều. Mình hay nói đùa với bạn ấy rằng có thể tớ không ngọt ngào, nhưng tớ sẽ làm cho cậu những chiếc bánh ngọt ngào". Nghe những lời Đại nói có vẻ ngôn tình nhưng ai biết Đại sẽ hiểu đó là thực tế. 

Từ mối quan hệ 2 năm đầy tính nâng đỡ nhau trong cuộc sống có được, Đại đã rút ra được điều then chốt cho một mối quan hệ hạnh phúc là sự chia sẻ và chân thành. Mọi thứ xuất phát từ trái tim thì luôn chạm đến trái tim. Sự chia sẻ đơn giản như việc người đàn ông vào bếp nấu một bữa cơm, ấy là chia sẻ về công việc nội trợ; chia sẻ về cảm xúc, tâm trạng cũng quan trọng không kém nữa. Như vậy hai người sẽ hiểu được nhau, thông cảm cho nhau hơn. Đại cùng cô bạn gái đã nuôi dưỡng tình cảm dựa trên những điều ấy để có một mối quan hệ hạnh phúc và bền vững.  

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 9.

Đại nói: “Đối với mình, việc bắt đầu như thế nào không quan trọng bằng việc duy trì và phát triển nó. Mình và bạn gái trong những dịp đặc biệt như 8/3 hay 14/2 đều nấu ăn cùng nhau trong một căn bếp nhỏ. Đâu cần những món quà đắt tiền, những điều nhỏ mới mang lại hạnh phúc".

Nhiều người nói đàn ông vào bếp là ẻo lả nhưng Đại không bao giờ ngại điều đó. Cậu thậm chí cũng chẳng quan tâm đến những lời nhận xét: "Sau này mày lấy vợ thì chỉ có đi hầu vợ thôi con ạ!" khi thấy Đại đang nấu cơm hoặc hì hục làm bánh trong bếp. 

Đại luôn nhớ lời bố mình dặn khi cậu còn nhỏ: "Phụ nữ họ đã phải mang nặng đẻ đau rồi, là đàn ông thì tại sao phải ngại việc bếp núc? Trừ việc sinh con và cho em bé bú thì con phải làm được tất!". Thế nên việc "hầu vợ", với Đại là một đặc ân và cũng là một niềm vui. Quan điểm của chàng chủ tiệm bánh là: "Nếu không chịu được những lời dị nghị của mọi người, bỏ qua việc làm người mình yêu hạnh phúc, đấy mới là yếu đuối”. 

Nghe những lời chia sẻ đầy chín chắn này mấy ai nghĩ đó là suy nghĩ của một cậu chàng mới chỉ là sinh viên năm cuối. Không chỉ chủ động trong con đường sự nghiệp, Đại còn chọn tư tưởng rất đỗi đàn ông và hiện đại cho mình.

****

Cậu chàng kỹ sư ô tô tương lai và “cú bẻ lái” ngoạn mục rẽ ngang vào bếp rồi gọi tên là nghề Hạnh Phúc - Ảnh 10.

Hạnh phúc trong thời kỳ công nghệ quả luôn là việc khó vì người ta thường không biết bao nhiêu là đủ còn Đại nói về một ước mơ rất đỗi bình yên: “Có người kiếm trăm triệu lại muốn kiếm tiền tỷ, kiếm tiền tỷ rồi lại muốn trăm tỷ. Nhưng với mình, đủ là mình có thể lo được cho gia đình và bố mẹ. Có thể báo đáp bố mẹ những năm tháng nuôi dưỡng, có thể lo cho một gia đình nhỏ và hai đứa trẻ đi học”. 

Có một điều Đại muốn nhắn nhủ tới những ai đang có ý định khởi nghiệp mà còn lừng khừng, đắn đo: “Nếu bạn không có kế hoạch riêng của mình, thì bạn sẽ nằm trong kế hoạch của người khác. Nếu bạn không xây dựng ước mơ của mình, thì bạn sẽ xây dựng ước mơ của người khác”.

“Một tiệm bánh nhỏ, mình đã làm được rồi đấy. Còn bạn thì sao? Bạn chọn "ổn định" hay "hạnh phúc"?”, giờ đã đến lúc bạn có thể nhìn thẳng vào Đại mà trả lời.