01

"Tại sao em luôn cảm thấy cuộc hôn nhân của chúng ta như 1 trò chơi may rủi, nó dường như đang đi vào đường cụt và em không muốn nghĩ đến ngày cưới nữa", cô gào lên trong nước mắt với anh trước ngày đám cưới diễn ra.

Trong cuộc gặp tình cảm giữa 2 gia đình nhà trai và nhà gái mẹ cô đã thẳng thắn đề xuất: "Căn hộ mới mua, hãy đứng cả tên con gái tôi. Chúng nó sẽ thành vợ chồng, nên đồng lòng trong mọi thứ. Vợ chồng tôi có chút đóng góp vào tổ ấm riêng của 2 con".

Nhưng ngay lập tức, nhà trai phản đối với lý do: "Chúng tôi đã cho con trai 400 triệu, đủ số ban đầu thanh toán, còn lại 70% giá trị căn hộ chúng nó sẽ cùng làm để trả nợ. Như thế chúng mới có hướng phấn đấu. Khoản kia của ông bà để chúng mua nội thất rồi dành vốn làm ăn".

Nghe có vẻ rất hợp lý và bữa ăn hôm đó cũng kết thúc tốt đẹp. Nhưng vấn đề chỉ chính thức nảy sinh khi bố cô hỏi con gái: "2 gia đình đều hỗ trợ các con 1 phần nhỏ, khoản nợ sau này 2 đứa cùng gánh, nhà là của 2 con phấn đấu, vậy tại sao nó chỉ đứng tên chồng con?".

a - Ảnh 1.

Cô nguây nguẩy cãi lời bố, nói bố mẹ đa nghi phức tạp hóa lên chứ nhà nào mà chẳng đứng tên chồng, có ảnh hưởng gì đâu. Vậy nhưng cô lại chẳng biết anh chồng tương lai kia đang có 1 sự tính toán khó lường.

Hôn nhân với hầu hết những người mới bước vào thì khởi điểm là tình yêu, nắm tay vượt qua giông bão và cùng già đi. Song thực tế có đơn giản 1 cách đơn thuần như vậy?

02

Tôi đã từng chứng kiến 1 tình yêu rất đẹp nhưng hôn nhân lại kết thúc vẻn vẹn sau 5 năm họ sống chung. Chị háo hức khoe với bạn bè có anh người yêu bản lĩnh, tự lập từ bé, 27 tuổi đã mua được nhà Hà Nội. Và khi bước vào đám cưới ấy chị cũng hạnh phúc vì có được cuộc sống riêng.

Biến cố xảy đến, anh bị tai nạn và phải nghỉ ở nhà hơn 2 năm. Mọi kinh tế trong gia đình chị lo hết, cả việc nhà, chăm anh đến chăm con, chu đáo không một thiếu sót. Chị sắm sửa cho ngôi nhà khang trang hơn, ấm cúng hơn.

Khi con trai được 4 tuổi thì anh ngoại tình và họ quyết định ly hôn trong hòa bình vì tình cảm không còn níu kéo cũng vô ích. Nhưng chị đã ngã khụy vì sự phân chia tài sản mà anh chuẩn bị "kịch bản" từ trước.

Ngôi nhà anh mua trước khi kết hôn thuộc về anh, không phải tài sản chung, chị không được chia. Chiếc xe ô tô anh đang đi cũng là quà mà bố anh tặng riêng trước khi 2 người đăng kí kết hôn nên chị cũng không có quyền can thiệp.

Trong thời kì chung sống, chị với tư cách là bà chủ của gia đình, quần quật cống hiến và xây dựng nhưng đến ngày ra đi chị lại thành 1 kẻ trắng tay với tuyên bố: "Em có thể thoải mái mang đi những đồ em đã mua sắm".

Pháp luật Hôn nhân và gia đình không quy định thuật ngữ “cưới” mà chỉ quy định thời kỳ hôn nhân, thời điểm đăng ký kết hôn. Người phụ nữ ngây thơ mang cả tình yêu và niềm tin vào cuộc hôn nhân ấy đâu có nghĩ đến việc thỏa thuận tài sản chung trên phương diện pháp luật.

a - Ảnh 2.

Trong một cuộc hôn nhân, điều khủng khiếp nhất là phụ nữ sẵn sàng từ bỏ tất cả và suy nghĩ về việc dành cả cuộc đời mình cho anh ấy. Bạn luôn cho rằng: "Của chồng là của vợ và của vợ đương nhiên cũng là của chồng".

Nhưng thật đen đủi khi người đàn ông nào đó coi việc kết hôn như thực hiện 1 bản hợp đồng và luôn nghĩ cách có lợi cho mình: "Của vợ là của chung nhưng của chồng chỉ là của chồng mà thôi".

03

Nếu ví hôn nhân như việc điều hành 1 doanh nghiệp có lẽ chẳng sai. Cả hai bên đều có nguồn lực riêng để bắt đầu. Cả đàn ông và phụ nữ đều có các "gói tài nguyên" khác nhau: Thể chất, năng lực, khả năng sinh sản, mối quan hệ gia đình, tiềm năng phát triển kinh tế...

Thế nhưng thời gian sử dụng "tài nguyên" của 2 giới cũng khác nhau. Thường là phụ nữ phải "hao tổn" sớm hơn như việc sinh con, chăm sóc gia đình, lo việc nhà chồng...

Nó giống như việc 1 bên gieo hạt còn 1 bên chờ thu hoạch. Nhưng đến khi cái cây cho ra nhiều trái thơm, quả ngọt, già cỗi nó lại không còn giá trị nữa.

Trong giai đoạn đầu của hôn nhân, phụ nữ luôn hết lòng với 1 niềm tin bất diệt, họ sử dụng "tài nguyên" của mình 1 cách phung phí. Đến khi cạn kiệt, ngẩng đầu lên vẫn thấy chồng mình phong độ ngời ngời.

Có rất nhiều phụ nữ nghĩ rằng, tất cả những nỗ lực họ bỏ ra sẽ trở thành yếu tố hâm nóng tình cảm, giữ chân bạn đời. Song với 1 số người, nó chỉ để đổi lấy gấp đôi tính toán. Lòng tham không đáy là vậy, mong 1 được 1 rồi mai lại muốn được 2 và nhiều hơn thế nữa.

a - Ảnh 3.

Phụ nữ ạ, chỉ bạn mới có thể bảo vệ được chính bạn chứ không phải những bờ vai bấp bênh kia. Hãy ghi nhớ 3 điều:

- Cho dù đó là tình yêu hay hôn nhân, cho đi là tương hỗ. Nếu bạn chỉ cho và không đòi hỏi, bên kia sẽ chỉ nhận và mối quan hệ càng rạn mất thăng bằng. Lúc này, hãy cảnh giác và xem xét vấn đề ở đâu.

- Cho dù người khác tốt với bạn như thế nào, bạn phải duy trì khả năng suy nghĩ độc lập. Đừng để bộ não bị ì vì trái tim hoạt động quá công suất. Những gì người khác nói chỉ mang tính tham khảo chứ không phải chỉ dẫn.

- Bất kể kinh tế hay tình cảm, chúng ta phải có nguyên tắc và thiết lập ranh giới. Nếu bên kia thường xuyên có sự tính toán, tình cảm phải được kiểm soát một cách kiên quyết. Chỉ bằng thỏa hiệp, tương lai mới được đảm bảo.

Nhiều người nghĩ hôn nhân là một món hời. Ai ai cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình, chỉ một bên nghĩ về lợi ích chung, còn bên kia nghĩ về lợi ích của chính họ. Tôi đang tính toán cuộc sống của chúng ta nhưng anh lại đang tính toán tương lai của chính anh.

Thực chất, đằng sau những tính toán là sự thiếu tự tin trong tình yêu, cuộc sống và lo lắng về tương lai. Càng thiếu một cái gì đó, họ càng quan tâm đến nó.

Các cô gái không nên lo sợ oằn mình với những chiếc áo "vật chất" và "toan tính", yêu mấy đã xác định kết hôn phải mạnh dạn yêu cầu rành mạch trước khi cưới. Hôn nhân có thể chọn lại nhưng không được vì thế mà chọn bừa.