Ở bảo tàng nghệ thuật Lourve có một bức điêu khắc của Jean Goujon khiến những người lần đầu đi qua đều phải đỏ mặt xấu hổ khi nhìn vào. Đó là bức tượng một cô gái trẻ đang vạch bầu ngực cho gã đàn ông già nua bú. Không chỉ ở Lourve mà còn nhiều bảo tàng khác trên thế giới có những tấm điêu khắc, tranh vẽ về hai nhân vật này.

 - Ảnh 1.
Tấm điêu khắc trong bảo tàng Lourve, Pháp.

Bức điêu khắc và nhiều tác phẩm tranh ấy mang một cái tên chung: Cimon and Pero, và nó mang một câu chuyện đậm tính nhân văn khiến người ta phải khóc, chứ không phải che mắt ngoảnh đi. Pero là con gái của Cimon. Hành động tưởng như ghê tởm ấy chính là tình cảm của cô con gái dành cho người cha đang chết dần chết mòn của mình.

Nếu không hiểu câu chuyện phía sau, hẳn nhiều người sẽ lên tiếng chế nhạo, cuời chê phía bảo tàng. Thật, làm sao có thể đặt một bức tượng, bức tranh vẽ cảnh tượng nhục dục ghê tởm ấy ngay trong khuôn viên bảo tàng nghệ thuật, vốn được biết dành cho sự tinh tế cao sang.

Tới ngày hôm nay, bức "Cimon and Pero" lại một lần nữa khuấy động mạng xã hội, từ Facebook đến Tumblr khắp nơi chia sẻ lại bức tranh của danh hoạ Rubens cùng câu chuyện cảm động về tình cha con ấy.

 - Ảnh 2.
Bức "Cimon and Pero" của danh hoạ Rubens vẽ năm 1640.

Câu chuyện mà tác giả kể đúng ở phần chi tiết cốt lõi: Pero đang sử dụng bầu ngực của mình để cứu sống người cha đang phải chịu án tử trong tù của mình. Tuy nhiên, thực tế, nguyên tác lại khác hơn một chút.

Nguyên gốc câu chuyện có tên Roman Charity, được ghi lại trong cuốn IV bộ Nine Books of Memorable Acts and Sayings of the Ancient Romans ( 9 cuốn sách về hành động và câu nói đáng nhớ của người La Mã cổ đại) của nhà lịch sử học Valerius Maximus viết vào những năm 30 Kỷ Công Nguyên. Hầu hết những câu chuyện trong sách đều dựa trên các khía cạnh cuộc sống đời thường của người Hi Lạp cổ. Roman Charity là chuyện về lòng hiếu thảo.

Bởi vậy, chi tiết nói Cimon là chiến binh anh hùng của Puerto Rico là không chính xác.

Ở truyện gốc, không có Cimon và Pero, chỉ có một người đàn bà bị Pháp quan kết án tử phải ngồi tù. Nhưng vì quản giáo thương tình đã không bóp cổ chết ngay, chỉ để mụ phải dần dần chết đói sau chấn song, đồng thời cho phép con gái vào thăm mụ, chỉ cấm không được tiếp tế đồ ăn.

Nhiều ngày trôi qua, quản giáo ngạc nhiên vì mụ vẫn còn sống, chỉ hơi mệt mỏi tiều tuỵ mà thôi. Thế là vị quản giáo bí mật theo dõi những lần thăm mẹ của cô con gái kia có gì khuất tất hay không. Rồi ông phát hiện ra trong cuộc thăm viếng, cô con gái vạch bầu ngực của mình ra để mẹ bú sữa để bà không chết đói trong tù.

Chuyện đến tai Pháp quan không lâu sau đó, nhưng vì cảm động với sự hiếu thảo của cô con gái dành cho mẹ, vị Pháp quan đã trình báo lên Bồi thẩm đoàn và quyết định thả tự do cho người đàn bà về với con gái.

Vốn đã là truyện thì thường có dị bản, mà "Cimon and Pero" chính là dị bản của câu chuyện người mẹ bú sữa con gái trong tù bên trên. Cimon có vai trò thay thế bà lão, còn Pero, vẫn mang nhiệm vụ cô con gái hiếu thuận tìm mọi cách nuôi bố mẹ trong tù.

 - Ảnh 3.
Tác phẩm cùng đề tài khác của hoạ sĩ Peter Paul Reubens.

Cimon bị kết tội tử hình phải ngồi tù và đang bị bỏ đói trước khi hành hình. Pero không muốn cha phải chịu khổ đau đã lén lút để cha bú sữa trong những lần thăm cha. Cuối cùng vụ việc bị phát hiện, nhưng vì sự đẹp đẽ phía sau hành động ấy, Cimon đã được trả tự do cùng con gái hiếu thảo của mình.

Câu chuyện về lòng hiếu thuận La Mã đã trở thành cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nghệ sỹ ở thế kỷ 17, 18. Bức điêu khắc của Jean Goujon là một trong số đó. Ngoài ra, bức tranh sơn dầu của danh hoạ Peter Paul Rubens.

Tạm gác câu chuyện nguyên tác, dị bản sang một bên, chúng ta bàn về "hiệu ứng bức tranh" trước đã. Bạn có thấy, con người đã để óc phán xét hoạt động quá dễ dàng? Thay vì tìm hiểu ngọn ngành, chúng ta rất nhanh có thể chê bôi, bình luận biêu riếu một sự việc, con người nào đó chỉ bằng những nhận định ban đầu.

Dân gian có câu "đừng trông mặt mà bắt hình dong" cũng là để nói về điều này. Giống như câu chuyện về tấm bìa sách ngược trên sóng truyền hình VTV trước đây từng gây sóng gió, người dân đã quá nhanh chóng kết luận và chỉ trích đài truyền hình dàn dựng, biên tập không kỹ càng, mà quên mất một điều nhỏ thôi nhưng không kém phần quan trọng: các em vùng cao nghèo lắm, sách các em học chưa chắc đã là của các em.

 - Ảnh 4.
Vụ đọc sách ngược của trẻ em miền cao.

Những cuốn sách ấy có thể là sách cũ, sách thừa từ miền xuôi chở lên nuôi kiến thức miền ngược. Đã là sách cũ, chẳng thể tránh được sờn rách cũ hỏng.

Hiệu ứng đám đông là kẻ thù của tri thức. Người đồn một, một đồn mười, câu chuyện bị chia năm xẻ bảy, mỗi mảnh lại bị vun đắp chắp vá ngượng nghịu vụng về. Nếu chỉ cứ xét qua cái bản thể xấu xí ấy, chắc hẳn cái cốt lõi chẳng bao giờ có thể được khai quật. Ngọc thì vẫn sáng, chỉ là ở bên trong cục đất sét mà người đời chẳng thèm nhào nặn.