Nói về ý tưởng đưa câu chuyện của bé Hải An vào đề thi, ông Trung cho hay: "Trong quá trình chúng ta đang đổi mới giáo dục, đặc biệt bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, chúng tôi áp dụng ra đề thi theo hướng mở. Nội dung là những câu chuyện gắn với đời sống và những câu chuyện có thật ngoài đời. Qua đó, chúng tôi muốn giúp các em có kiến thức không chỉ sách vở, mà còn có thể vận dụng kiến thức ở ngoài để đưa vào bài học, bài thi".
Câu chuyện bé Hải An được nhắc đến trong đề thi học sinh giỏi.
Ông Trung cũng cho rằng, câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An mang tính nhân văn sâu sắc, mang nghĩa cử cao đẹp. Vì vậy, có lẽ những người làm giáo dục đều muốn giáo dục cho học sinh lối sống theo quan niệm tốt đẹp, biết chia sẻ và yêu thương cuộc sống xung quanh.
Ông Trung thông tin thêm, sau khi kết thúc kỳ thi, qua đánh giá từ giáo viên tới học sinh, tất cả đều rất tâm đắc. Bản thân học sinh cũng muốn thử sức với những dạng đề mở như thế này.
"Qua các thầy cô chấm thi chúng tôi được biết, với đề thi này, các em viết rất sáng tạo và nhiều cảm xúc", ông Trung nói.
Rất nhiều người xúc động tại lễ tiễn biệt bé Hải An.
Đối với chị Nguyễn Trần Thùy Dương, ngay sau khi biết thông tin câu chuyện của con gái mình được đưa vào đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2017-2018 môn Ngữ văn của tỉnh Phú Thọ, chị xúc động chia sẻ: "Con gái của mẹ! Câu chuyện về con làm thay đổi cuộc sống cũng như suy nghĩ của rất nhiều người. Hết thảy đều là việc tốt! Mẹ cảm ơn con! Mẹ yêu con!".
Chị Dương cũng nhắc lại, ngày 21/3 là tròn 1 tháng bé Hải An hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho hai người khác. "Tôi thấy rất hạnh phúc và tự hào. Qua câu chuyện của con được đưa vào đề thi cũng sẽ một phần giúp những mầm non, tuổi trẻ của đất nước được mặc định trong đầu hình ảnh đẹp ấy. Biết đâu sau này, khi lớn lên, các con cũng làm những việc như Hải An và rất nhiều người khác khi đã hiến tạng cho y học để cứu người, giúp người", chị Dương chia sẻ.