Khi đứa con đầu tiên chào đời, chúng tôi đã nhận được rất nhiều món quà chúc mừng của mọi người, bao gồm những bộ đồ ngủ nhỏ xinh, tấm chăn thêu tên em bé và rất nhiều cuốn sách cho trẻ nhỏ. Riêng cuốn "Goodnight Moon" - "Chúc mặt trăng ngủ ngon", chúng tôi nhận được 7 cuốn liền.
Khi em bé thứ 2, và thứ 3 chào đời, chúng tôi được tặng thêm các phiên bản của cuốn truyện "The Giving tree" - "Cây táo yêu thương".
Đây là một cuốn sách kinh điển được viết bởi Shel Silverstein. Chúng tôi đã rất thích thú khi chia sẻ cuốn sách với các con vì nó từng là một phần của tuổi thơ. Nhưng đến khi đọc lại, chúng tôi đều cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Nếu bạn đã quên thì đây là cuốn sách về một cậu bé và cây táo mà cậu yêu mến. Khi lớn lên, cậu bé thường xuyên tới thăm cây. Cậu hái những quả táo và bán đi lấy tiền tiêu, chặt cành để xây nhà, chặt luôn cả thân cây để đóng thuyền đi xa. Cuối cùng, cây táo không còn gì để cho nữa và chỉ còn trơ trọi lại một gốc cây.
Đây chắc chắn không phải là một câu chuyện ấm áp và tình cảm mà chúng tôi muốn nhớ đến. Mặc dù sâu sắc và có lời văn bay bướm, đây lại là một câu chuyện buồn.
Nếu hỏi về một cuốn sách trẻ em viết về tính hào phóng, "Cây táo yêu thương" thường được các bậc phụ huynh nhắc đến và gọi tên đầu tiên. Nhưng vấn đề ở đây là câu chuyện không chỉ nói đến tấm lòng hào phóng mà còn cả về sự hi sinh bản thân. Đây là 2 điều hoàn toàn khác nhau.
Đối với một số độc giả, hành động hy sinh của cây táo thật cao đẹp, giống như tình yêu vô điều kiện mà cha mẹ trao cho con cái. Nhưng nếu cho rằng cuốn sách này nói về sự hào phóng thì chúng ta rất dễ hiểu nhầm thông điệp rằng một đứa trẻ có thể ích kỷ nhận về mình và người lớn nên trao gửi cho tới tận cùng đớn đau, trao cho tới khi chẳng còn gì là hoàn toàn bình thường. Đây chính là một quan điểm sai lệch!
Việc hy sinh bản thân không phải là một điều lành mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những ai quan tâm tới người khác và thờ ơ với bản thân dễ trở thành một người hay lo lắng và trầm cảm.
Việc hy sinh bản thân không phải lúc nào cũng hiệu quả, đôi khi còn là một yếu tố rủi ro, khiến bạn kiệt sức và giảm năng suất. Chẳng hạn như các y tá nếu không biết lo cho bản thân thường bị cạn kiệt cảm xúc và các kỹ sư thì giảm năng suất lao động.
Tính hào phóng không có nghĩa là hi sinh bản thân, giúp đỡ người khác mà không làm hại đến chính mình. Đó không phải là trao gửi cho những người chỉ biết nhận, mà là trao gửi theo cách sẽ dưỡng dục người nhận.
Đó cũng không phải cho đi bất cứ thứ gì, vào bất kỳ lúc nào ai đó cần mà là ưu tiên nhu cầu của bạn so với nhu cầu của người khác.
Một nghiên cứu về những người được vinh danh cao nhất của Canada vì đã làm việc tốt cho thấy, những người này không chỉ được ghi nhận cao hơn những người khác vì biết quan tâm. Họ được ghi nhận cao hơn vì biết nghĩ cho cả bản thân mình.
Nghe thì ngược đời nhưng việc quan tâm hơn tới bản thân sẽ giúp bạn cho đi nhiều hơn. Thay vì để người khác làm hao mòn năng lượng của bạn thì hãy duy trì được động lực của chính mình.
Chúng tôi thực sự không biết điều gì đã khiến Shel Silverstein viết nên cuốn "Cây táo yêu thương". Nhưng trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, ông cho biết, đó là "mối quan hệ giữa hai người; một người cho đi và một người nhận lại." Nhưng chúng tôi nghĩ rằng câu chuyện nên được hiểu như một cảnh báo về tình yêu.
Mặc dù cây táo có vẻ hạnh phúc khi trao tặng cho cậu bé nhưng mối quan hệ của họ dường như chỉ một chiều. Cây táo hoàn toàn hạnh phúc khi huỷ hoại bản thân vì nghĩ rằng mình đang trao tặng "tình yêu" cho cậu bé.
Thực chất, đó không phải là tình yêu, đó là sự lợi dụng!
Phyllis Fogelman - người biên tập cuốn Cây táo yêu thương
Tôi cũng từng băn khoăn khi xuất bản cuốn "Cây táo yêu thương". Cuốn sách này truyền tải một thông điệp mà tôi không đồng tình. Tôi nghĩ rằng, về cơ bản, đây là một mối quan hệ trong đó một người cảm thấy vui thú khi nhận phần đau thương về mình.
Nếu chỉ nhìn nhận ở bề mặt câu chữ thì bạn đang hiểu không đúng về cuốn sách. Nếu bạn đọc cho con nghe, gấp sách lại rồi chúc ngủ ngon thì có khi bạn lại đang làm hại con mình. Ca ngợi cây táo vì "cây táo yêu cậu bé thật nhiều" thì bạn đang dạy con sai cách mất rồi!
Thay vì ca ngợi, bạn nên sử dụng cuốn sách này để bắt đầu câu chuyện về cách cư xử đúng mực và mối quan hệ lành mạnh.
Với một gia đình hạnh phúc, việc cho đi không thể diễn ra một chiều. Tất nhiên, cha mẹ có thể hi sinh vì con cái và họ nên như thế. Nhưng cậu bé trong câu chuyện là một người rất ích kỷ. Cậu không chỉ nhận từ cây táo mà còn nhận một cách vô ơn.
Ở bất kỳ phân đoạn nào của câu chuyện, chúng ta đều chỉ thấy cậu bé nhận từ cây táo và rất vui vẻ. Còn chưa từng một lần, chúng ta thấy cậu thương xót hay thể hiện lòng trắc ẩn, chút ít động lòng với hoàn cảnh của cây.
Đáng nhẽ ra, cậu bé không được ích kỷ nhận hết mọi thứ từ cây táo như vậy. Và hơn nữa, cây táo cũng không nên cho hết cậu bé mọi thứ thuộc về mình. Chính hành động của cây táo đã nuông chiều cậu bé.
Giá trị của "Cây táo yêu thương" nằm bên dưới bề mặt của câu chuyện. Cậu bé hay cây táo đều không phải là tấm gương tốt cho trẻ em, nhưng sai lầm của họ lại là bài học mà ta có thể ghi nhớ.
Cuốn sách này được viết ở một thời kỳ khác, khi mà nghi thức và cách cư xử thường là trọng tâm của việc nuôi dạy trẻ. Nửa thế kỷ trước, cha mẹ ít lo lắng về việc con của họ trở thành trung tâm vũ trụ. Còn hiện tại, chúng ta sống trong thời đại mà sự hài lòng phải được đáp ứng ngay lập tức.
Trong một thế giới nơi chúng ta có lý do để lo ngại việc trẻ em đang ngày càng có nhiều quyền hành thì càng cần phải tìm cho chúng những hình mẫu tốt hơn về lòng hào hiệp để học hỏi.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hình mẫu trong các câu chuyện chúng ta đọc cho trẻ nghe cần có sức ảnh hưởng lâu dài. Chẳng hạn như với các nhân vật hào hiệp như Batman hay Rapunzel, khi bắt chước những nhân vật này, trẻ thường cảm thấy hứng thú, tập trung hơn khi bị phải những nhiệm vụ buồn tẻ nào đó.
Còn nếu bố mẹ vô tình cho trẻ đọc những cuốn sách khuyến khích tính ích kỷ thì có thể thế giới này sẽ tràn ngập những kẻ như Gordon Gekkos. (Một nhân vật trong bộ phim ăn khách "Money Never Sleeps" của Mỹ, một kẻ luôn tin rằng tham lam là tốt).
Có một sự thật là chúng ta không thể nào thay đổi được cái kết của câu truyện "Cây táo yêu thương" nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng một cái kết khác. Hãy tưởng tượng rằng cậu bé không quá ích kỷ như vậy và cây táo không hào phóng đến thế.
Hãy tưởng tượng rằng cậu bé không nhanh chóng rời bỏ hoàn toàn cây táo mà thay vào đó, cậu ươm trồng hạt giống. Khi đó, cây táo không còn là một gốc cây cô đơn mà được bao quanh bởi cả một khu rừng.
Và hãy tưởng tượng thêm một kết thúc khác, khi mà cậu bé giờ đây đã trưởng thành, quay lại cùng con cái để thăm cây táo. Gia đình đa thế hệ đó đứng dưới bóng râm của rừng cây, lặng nhìn những hàng lá đung đưa...
Theo NYT
* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả. Nếu quý bạn đọc có góc nhìn khác về Cây táo yêu thương có thể viết bài gửi về địa chỉ email: [email protected]