Hanna Wong, một nhân viên y tế tại Singapore đã bị hủy chuyến taxi vào rạng sáng ngày 11/2 vì tài xế từ chối chở cô đến bệnh viện. Sự việc này khiến cô cảm thấy tủi thân vô cùng.
"Tôi bị tẩy chay như thể mắc bệnh hủi. Anh không tôn trọng chúng tôi. Anh không xem những gì chúng tôi làm là đáng quý hay sao. Nhưng không vấn đề gì, tôi vẫn tiếp tục làm công việc của mình", Wong viết tại trang cá nhân.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện được nhân viên y tế ở Singapore chia sẻ về việc họ bị người dân khinh miệt, xa lánh vì "lây lan virus corona" hay "khiến chuyến tàu trở nên bẩn thỉu" như thể chính họ là người mang virus.
Một nữ đồng nghiệp của cô Hanna Wong chia sẻ trên Twitter rằng cô bị phân biệt đối xử công khai khi đi trong thang máy. Theo đó, khi hai người dân bước vào thang máy và nhìn thấy cô mặc đồng phục bệnh viện, một người trong số họ đã vội vã đứng ra xa và lấy khẩu trang đeo vào.
Trong khi đó, người còn lại, một người đàn ông đã to tiếng với nữ y tá này, nói rằng tại sao cô không đi cầu thang bộ và việc đi thang máy là "hành động ngu ngốc vì truyền virus cho người khác". Người đàn ông này thậm chí còn nói rằng: "Một đám y tá các người luôn đi hết nơi này đến nơi khác mang theo virus lây lan cho mọi người".
Teresa, một y tá lâu năm ở độ tuổi 50, hiện đang làm việc trong phòng khám đa khoa của một bệnh viện công cho biết: "Các tài xế taxi không muốn đón bất cứ ai mặc đồng phục y tế. Trong tàu điện ngầm, mọi người đều tránh xa chúng tôi và đưa ra những lời nói khiếm nhã như 'hy vọng cô ta đã tắm rửa sạch sẽ sau ca làm việc'".
Trong khi đó, Meghan (tên nhân vật được thay đổi), một nữ y tá 25 tuổi làm cùng bệnh viện với Teresa cho hay, cô rất sợ xuất hiện nơi đồng người khi đang mặc đồng phục.
"Càng hạn chế càng tốt. Tôi cố gắng không mặc đồng phục khi ở bên ngoài bệnh viện vì tôi luôn cảm thấy mọi người nhìn chằm chằm vào mình. Chúng tôi đều thực hiện đầu đủ các quy trình khử trùng và tắm rửa sạch sẽ trước khi trở về với gia đình. Chúng tôi đều có ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh", Meghan cho hay.
Một y tá 24 tuổi (chỉ tiết lộ danh tính là J.) - hiện thực tập tại khoa Y học tổng quát và Sức khỏe tâm thần của Bệnh viện Tan Tock Seng - cho biết cô cảm thấy tổn thương khi mọi người nhìn cô với ánh mắt hắt hủi và giữ khoảng cách với cô trên tàu điện ngầm. Tuy nhiên, nữ y tá không đổ lỗi cho họ về phản ứng như vậy.
"Giờ mọi người đều sợ nhiễm bệnh. Tôi có thể hiểu. Tôi đã cố gắng đứng cách xa họ mỗi khi ở trên tàu điện ngầm, dù sức khỏe tôi hoàn toàn ổn định", J. nói.
Cô chia sẻ thêm: "Các nhân viên y tế cũng sợ nhiễm virus chứ, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải chiến đấu với nó".
Dù bị kỳ thị nhưng đội ngũ nhân viên y tế tại Singapore vẫn đang mỗi ngày hết mình với cuộc chiến chống virus corona. Đối với Elaine (tên nhân vật được thay đổi) - y tá 24 tuổi tại một bệnh viện ở Singapore, khối lượng công việc của cô tăng lên kể từ khi dịch virus corona bùng phát. Một số khoa trong bệnh viện chuyển sang ca làm việc 12 tiếng để phù hợp với tình trạng số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng.
Dù vẫn có thể xin nghỉ phép, Elaine nói rằng nhiều đồng nghiệp của cô đã tình nguyện từ bỏ các kỳ nghỉ để có thể tăng cường cho các bộ phận khác cần nhân lực.
"Chúng tôi chọn nghề này và ít nhiều chuẩn bị tinh thần, kể cả dấn thân vào nguy hiểm, khi xã hội cần chúng tôi. Tôi nghĩ rằng một câu nói của các bác sĩ ở Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho tôi: 'Chúng tôi không muốn trở thành liệt sĩ, nhưng chúng tôi sẽ không hèn nhát'", Elaine nói.
Nguồn: Todayonline, AsiaOne
>> Làm ngay bài trắc nghiệm để xem bạn đã hiểu đúng về virus corona chưa nhé! Ngoài ra còn rất nhiều bài test bổ ích để bạn nâng cao kiến thức về phòng chống virus corona tại đây.