Nỗi bất hạnh không diễn tả thành lời

Bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Oxford Circus, tôi hòa mình vào đám đông giữa buổi sáng lạnh lẽo, nắng rạng. Lời của tư vấn viên vẫn còn vọng bên tai: "Không gì cả". Sao câu trả lời lại có thể là không gì cả chứ? Đó là tháng 1 năm 2018, 6 tháng kể từ lần sảy thai thứ ba của tôi, không có triệu chứng hay chẩn đoán khi thăm khám sớm. Tháng 11 năm ngoái, tôi đã không ngừng tìm hiểu nguyên nhân khiến tôi mất đứa con này cũng như cả hai lần trước đó.

Sáng hôm đó, chúng tôi cùng nhau tới buổi thảo luận kết quả tại phòng khám NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia) chuyên khoa sau khi chính thức là một trong 100 cặp vợ chồng từng trải qua sảy thai 3 lần hoặc nhiều hơn. Bác sĩ bắt đầu lật giở những xét nghiệm cho thấy tôi âm tính với: kháng thể kháng phospholipid, kháng đông lupus, yếu tố V Leiden, đột biến gen prothrombin.

"Tôi biết nó không hẳn như vậy nhưng đây là một tin tốt", bác sỹ nói trong khi chút hy vọng trong tôi vỡ vụn. Chúng tôi sẽ không có một cây đũa thần hay một phương thuốc nào để thử vào lần tới.

Câu chuyện của người phụ nữ 4 lần liên tiếp xảy thai và quyết tâm giải mã lời nguyền mà chị em vẫn hay đồn thổi "tuyệt đối không được khoe mình mang thai trước 12 tuần" - Ảnh 1.

Sau cuộc thảo luận đó, chồng tôi, Dan, trở lại làm việc và vì lý do nào đó không thể giải thích, tôi quyết định đi mua sắm một mình hơn là trở về nhà. Tôi đứng nhìn chằm chằm xuống mặt tiền bằng phẳng, xám xịt của Topshop và NikeTown, buộc bàn chân mình tự rảo bước trên vỉa hè.

Cuối cùng, tôi lang thang trong một gian hàng làm đẹp của một trung tâm thương mại nổi tiếng hơn ở London. Tôi để mặc mình bị thuyết phục dùng thử một phương pháp chăm sóc mặt mới, sử dụng tia laser để loại bỏ bụi bẩn và tế bào da chết từ lỗ chân lông nhằm "trẻ hóa" và "thay đổi" làn da của người sử dụng. Trong phòng điều trị trên lầu, người ta đưa cho tôi mẫu đơn, trong đó hỏi tôi có phẫu thuật gì trong năm vừa qua không. Tôi viết chữ dày sin sít, trả lời rằng tôi đã phẫu thuật để loại bỏ cái thai trong bụng, phải gây mê toàn thân. Khi tôi đưa bìa kẹp lại cho nhân viên làm đẹp, cô ấy không nhắc đến chuyện đó. Tôi ước gì cô ấy nói gì đó với mình.

Khi nằm xuống và cảm nhận cái nóng của tia laser rải rác trên trán, tôi thầm nghĩ tất cả những thứ này thật lố bịch, rằng tia laser này là một phương pháp mà con người đã tìm ra. Làm thế nào mà một người nào đó, ở đâu đó, trong phòng thí nghiệm hay phòng họp của một tập đoàn mỹ phẩm, lại nghĩ ra thứ này - giải pháp cho một vấn đề gần như không tồn tại - nhưng không một ai có thể cho tôi biết vì sao tôi không thể mang thai?

Không bác sỹ nào có thể đảo ngược việc sảy thai. Theo tài liệu y khoa, một khi bắt đầu, nó sẽ không thể bị ngăn chặn. Khi tôi đọc điều này lần đầu tiên vào 3 năm trước, sau khi tra Google cụm từ "chảy máu đầu thai kỳ", một vài ngày trước khi thực hiện kiểm tra khi thai nhi được 12 tuần, tôi cảm thấy như bị lừa dối. Bị lừa, bởi khi bạn mang thai, bạn nhận được hàng loạt chỉ dẫn được cho là để ngăn chặn điều sảy thai. Không ăn phô mai, không uống rượu, không hút thuốc, hạn chế lượng cafeine, không dọn dẹp khay đựng cát mèo. Tôi ngây thơ cho rằng chỉ cần tuân thủ các quy tắc, bạn có thể tránh được sảy thai.

Nhưng rất nhanh thôi, bạn sẽ nhận thức được sự thật phức tạp hơn nhiều. Sau khi bạn sảy thai, không bác sỹ nào hỏi bạn uống bao nhiêu cà phê hay có vô tình ăn thịt chưa nấu chín hay không. Thay vào đó, bạn phát hiện sảy thai được đánh giá là phần lớn không thể tránh khỏi. Ước tính trung bình 5 vụ mang thai có 1 vụ sảy thai, phần lớn xảy ra trước mốc 12 tuần. Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Tổ chức Từ thiện trẻ em Tommy's, 71% vụ sảy thai không rõ nguyên nhân. Người ta lặp đi lặp lại với bạn rằng đó "chỉ là xui xẻo", "chỉ là tự nhiên như thế".

Thậm chí có một quy ước xã hội rằng bạn không nên tiết lộ việc mang thai cho đến sau 12 tuần, khi thời kỳ có nguy cơ sảy thai cao nhất đã qua. Việc sảy thai nằm ở trung tâm của một sơ đồ Venn hoàn hảo về những điều khiến chúng ta không thoải mái khi nhắc đến: tình dục, cái chết và kỳ kinh.

Câu chuyện của người phụ nữ 4 lần liên tiếp xảy thai và quyết tâm giải mã lời nguyền mà chị em vẫn hay đồn thổi "tuyệt đối không được khoe tin vui trước 12 tuần thai" - Ảnh 2.

Nhiều người còn quan niệm, dù không may nhưng chuyện sảy thai sẽ sớm bị lãng quên sau khi một em bé khác đến - rằng cuối cùng bạn cũng sẽ mang thai. Đúng là phần lớn những người bị sảy thai sẽ mang thai thành công trong lần thụ thai tiếp theo (khoảng 80%, theo một nghiên cứu vào những năm 1980). Ngay cả với các cặp vợ chồng đã có 3 lần sảy thai liên tiếp, hơn một nửa trong số đó cũng mang thai thành công trong lần tiếp theo. Theo đó, logic phổ biến dường như là sảy thai không chỉ là chuyện không thể sửa chữa được, mà nó còn không cần phải sửa.

Tôi phát hiện ra một cảm giác kỳ diệu xuất hiện sau khi sảy thai. Một trạng thái nửa hư nửa thực kéo dài nhiều ngày, đôi khi vài tuần sau đó. Tôi tin rằng mình vẫn đang mang thai, bất chấp mọi bằng chứng ngược lại - máu, những cuộc siêu âm, các mẫu được dán nhãn "loại bỏ bào thai" đầy nhạy cảm.

Cảm giác đó bắt đầu vào buổi sáng. Trong một khoảnh khắc, bị mắc kẹt ở đâu đó giữa lúc ngủ và thức, tôi vẫn còn hạnh phúc. Tôi có thai. Khi điện thoại reo, trong một tích tắc, tôi tưởng tượng rằng đó là bệnh viện gọi tới để nói với tôi rằng đã có một sai lầm. Thực tế, tôi vẫn đang mang thai. Hoặc chồng tôi sẽ nói trong bữa tối, "Em có muốn nghe vài tin tốt lành không?", và tôi sẽ nghĩ: anh ấy sẽ nói rằng tôi đang mang thai.

Đó là cú sốc, tôi tự nhắc nhở mình, một sự sang chấn dẫn đến sự hoài nghi. Giống như cảm giác rằng người thân yêu đã chết vẫn hiện hữu trong gia đình. Tôi không thể chấp nhận thực tế khi không có lời giải thích cho những gì đã xảy ra.

Quyết tâm đi tìm lời giải thích thỏa đáng

Có rất ít phòng khám sảy thai chuyên khoa ở Anh. Một số người sẽ được khám bởi một bác sỹ phụ khoa tổng quát hoặc được đưa tới một phòng khám sản. Thông thường, các bác sỹ sẽ chỉ đồng ý tìm hiểu nguyên nhân khi bạn đã sảy thai 3 lần liên tiếp. Ngay cả sau khi tìm hiểu, trong các trung tâm NHS sẽ có xu hướng tìm đến các vấn đề với tử cung và các rối loạn đông máu, khoảng một nửa số bệnh nhân sẽ không bao giờ biết được lý do mình sảy thai. Thậm chí còn không có hướng dẫn chính thức về việc ngăn ngừa sảy thai.

Không có câu trả lời cho câu hỏi của bạn - tại sao nó lại xảy ra? Liệu nó có xảy ra một lần nữa? Đã hơn 40 năm kể từ khi nhà phôi học Jean Purdy xem một phôi thai đơn bào trong đĩa petri phân chia làm hai, rồi bốn, rồi tám tế bào sẽ trở thành em bé IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) đầu tiên trên thế giới. Con người đã tìm ra cách can thiệp để tạo ra sự sống trong phòng thí nghiệm, nhưng lại không tìm ra cách để duy trì nó trong những tuần đầu tiên bên trong cơ thể.

Câu chuyện của người phụ nữ 4 lần liên tiếp xảy thai và quyết tâm giải mã lời nguyền mà chị em vẫn hay đồn thổi "tuyệt đối không được khoe mình mang thai trước 12 tuần" - Ảnh 3.

Theo giáo sư Nick Macklon, giám đốc Phòng khám Phụ nữ London và là một chuyên gia về sảy thai và mang thai sớm, lý do chúng ta đạt được quá ít tiến triển là do chúng ta đã đặt những câu hỏi sai. 

"Chúng ta sử dụng thuật ngữ 'sảy thai tái phát' như thể đó là một chẩn đoán y khoa, nhưng đâu chỉ có một nguyên nhân duy nhất", ông nói. Một số phụ nữ có thể bị rối loạn đông máu, một yếu tố khác có thể là rối loạn chức năng tuyến giáp. Nhiều phụ nữ sảy thai dường như không có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào cả; thay vào đó, cơ thể họ dường như ít có khả năng nhận ra đâu là phôi thai khả thi. Tuy nhiên, các nghiên cứu về các phương pháp điều trị phòng ngừa sảy thai lại có xu hướng cho rằng tất cả các trường hợp sảy thai tái phát có cùng một nguyên nhân.

Điều này, theo Macklon, có thể giải thích tại sao một số thử nghiệm lớn, chất lượng về các phương pháp điều trị khả thi để giảm nguy cơ sảy thai, chẳng hạn như heparin (chất làm loãng máu) và aspirin, hay hormone progesterone, đều không thể hiện tác dụng rõ ràng và sau đó bị cộng đồng y tế bác bỏ.

Có một giả định sai lầm rằng hầu hết trường hợp sảy thai xảy ra do việc mang thai được định sẵn là thất bại. Ở một nửa số trường hợp sảy thai, phôi có một bất thường nhiễm sắc thể nghiêm trọng – đồng nghĩa với việc nó không thể sống sót, nhưng nửa còn lại được cho là phôi khỏe mạnh. Giáo sư Siobhan Quenby, bác sỹ tư vấn sản khoa tại Bệnh viện Đại học Coventry và Warwickshire, hiện đang đứng đầu một phòng khám chuyên khoa về sảy thai tái phát, một trong 4 trung tâm hình thành Trung tâm Nghiên cứu Sảy thai Quốc gia Tommy's. Quenby tin chìa khóa nằm ở việc xác định xem người đó liên tục bị sảy thai bình thường hay bất thường. "Từ lần sảy thai thứ ba trở đi, mọi người nên được kiểm tra mô sảy thai của họ về mặt di truyền", bà nói.

Câu chuyện của người phụ nữ 4 lần liên tiếp xảy thai và quyết tâm giải mã lời nguyền mà chị em vẫn hay đồn thổi "tuyệt đối không được khoe mình mang thai trước 12 tuần" - Ảnh 4.

Tuy nhiên, phương pháp này vẫn mang tính chắp vá. Không phải tất cả các bệnh viện NHS đều có thể thực hiện loại xét nghiệm này. Nếu ai đó sảy thai ở nhà, họ cần lấy mẫu mô sạch và mang đến bệnh viện trong vòng 24 giờ nhưng không phải ai cũng làm được hay biết đến phương pháp này.

Những mô tả chi tiết đầu tiên về sự phát triển phôi thai của con người, từ 3 tuần đến 4 tháng được nhà giải phẫu học người Đức Samuel Thomas Soemmerring đưa ra vào năm 1799, những hình ảnh này khá giống với đồ họa trong các ứng dụng theo dõi thai kỳ hàng tuần ngày nay. Tuy nhiên, mãi đến năm 1973, biểu đồ chính xác về sự tăng trưởng của thai nhi trong giai đoạn mang thai sớm (từ 7-16 tuần) mới được thiết lập trong thực hành lâm sàng hiện đại, với sự ra đời của hình ảnh siêu âm. Chúng ta đã đưa một người đàn ông lên mặt trăng trước khi chúng ta có thể nhìn thấy những gì xảy ra bên trong tử cung phụ nữ.

Người ta thường nói rằng cách điều trị tốt nhất là không điều trị - chỉ cần thử lại. Đây là những gì chúng tôi đã làm, để rồi tiếp tục sảy thai lần thứ tư. Chúng tôi được theo dõi bởi phòng khám sảy thai tái phát, nhưng ngay cả sau lần mất sảy thai thứ tư đó, đơn thuốc vẫn như cũ: cứ tiếp tục cố gắng.

May mắn đã mỉm cười

Phải mất một năm trước khi chúng tôi cảm thấy sẵn sàng để tung xúc xắc một lần nữa. Ngay sau khi tôi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này, vào tháng 11, tôi phát hiện mình mang thai lần 5.

Lần này, có một điều trị tôi rất muốn thử. Progesterone từ lâu đã là niềm hy vọng lớn của nghiên cứu sảy thai. Loại hormon này được sản sinh số lượng lớn hơn trong thai kỳ bởi buồng trứng, và sau này bởi nhau thai. Nó rất cần thiết trong suốt thai kỳ và giúp chuẩn bị niêm mạc tử cung, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được cơ chế chính xác của điều này.

Tháng 5 năm 2019, thử nghiệm Prism - một thử nghiệm lớn với progesterone cho thấy, đối với những phụ nữ có tiền sử sảy thai tái phát và bắt đầu chảy máu trong lần mang thai tiếp theo, dùng progesterone tạo ra sự khác biệt đáng kể so với dùng giả dược về tỷ lệ thai nhi sống sót.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần để tranh luận với bác sỹ về việc sử dụng progesterone trong khoảng thời gian này. Tôi biết điều này không hoàn toàn phù hợp với tình trạng của mình bởi tôi không bị chảy máu trong lần mang thai này. Nhưng thật ngạc nhiên, nữ bác sỹ chúng tôi gặp ở lần khám đầu tiên trong tháng đầu tiên của thai kỳ này, đã đồng ý kê đơn thuốc mà không hề nhướn mày. Đây không phải lần đầu tiên tôi đề nghị một số điều trị riêng, nhưng đó là lần đầu tiên phòng khám đồng ý.

Khi tôi và Dan xếp hàng tại hiệu thuốc bệnh viện, nằm gọn trong một tòa nhà ảm đạm ở Paddington, tôi cảm thấy mình đang cầm thứ gì đó lớn hơn đơn thuốc trên tay. Rồi chưa đầy một tuần sau, lúc mang thai 8 tuần, tôi bắt đầu chảy máu.

Tôi điên cuồng tra cứu trên mạng để tìm câu trả lời. Tôi đã nghĩ đến việc mình bị sảy thai lần thứ 5, hoặc biết đâu đấy, đốm màu nâu chảy ra từng cơn kia chỉ là tác dụng phụ của progesterone. Tôi biết nên gọi điện thoại cho phòng khám sảy thai tái phát hay bác sỹ đa khoa của tôi, hoặc cố gắng lấy một cuộc hẹn để thăm khám sớm nhất có thể. Nhưng tôi không thể chịu đựng được. Tôi chưa sẵn sàng để nói chuyện thực tế, cũng không thể gọi cho phòng khám chỉ để tán gẫu. Hơn nữa, chúng tôi dự định sẽ quay lại để kiểm tra vào tuần sau.

Những ngày tiếp theo, việc chảy máu vẫn tiếp diễn nhưng không diễn biến xấu đi. Mặc dù vậy, tôi không thể lay chuyển được ý nghĩ rằng, tuần thứ 8 thai kỳ chính là thời điểm mà tôi sảy thai 3 lần gần đây nhất.

Đầu tháng 12, tôi và Dan dự định sẽ chuyển nhà trong một vài ngày tới. Chúng tôi đã thảo luận về việc sắp xếp thời gian phẫu thuật phù hợp với việc chuyển nhà nếu buộc phải đón nhận tin xấu. Tôi mua băng vệ sinh và rượu vang. Chúng tôi giả vờ rằng mình vẫn lạc quan. Chúng tôi giả vờ rằng mình biết cách ứng phó. "Bây giờ chúng ta là những kẻ chuyên nghiệp", chúng tôi nói đùa với nhau. Đêm trước cuộc hẹn khám thai, tôi gần như thức trắng.

Ngày 4 tháng 12, mẹ tôi cùng chúng tôi đến bệnh viện. Trên đường đi, bà cố gắng kể chuyện bà đạp xe, đan len hay việc thi công trên đường A14. Tôi biết bà muốn đánh lạc hướng tôi, nhưng thứ duy nhất lấp đầy não tôi lúc này là những từ mà tôi nghĩ tôi sắp nghe lần thứ năm: "Tôi rất tiếc, không tìm thấy nhịp tim. Tôi rất tiếc, không tìm thấy nhịp tim".

Khi đến lượt mình được khám, tôi giải thích với người siêu âm rằng tôi rất lo lắng, rằng tôi đã chảy máu. Tôi đã cố gắng không nhìn vào bản in trên tường của căn phòng - chính là căn phòng chúng ta ở lần trước - của một trái tim màu đỏ, được in bằng những nét vẽ giả. Tôi đã cố gắng không nghĩ những gì tôi nghĩ lần trước: Thật là không phù hợp, một trái tim, vì khi không có nhịp tim.

Tôi nằm xuống giường và cởi quần jeans. Dan nắm tay tôi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những lời: "Rất xin lỗi. Rất tiếc". Nhưng không. Người siêu âm nói với chúng tôi rằng mọi thứ đều ổn. Cô ấy quay màn hình về phía chúng tôi rồi chỉ ra nhịp tim nhấp nháy. Cô ấy nói thai nhi đã được 9 tuần và 1 ngày. Đứa bé đã nhúc nhích. Rồi tôi òa khóc.

Tôi bớt chảy máu sau khoảng 2 tuần và phòng khám cho rằng đã đến lúc chúng tôi chuyển đến bệnh viện địa phương để chăm sóc trước sinh, cũng như thực hiện kiểm tra ở tuần thứ 12. Đây giống như một thành tích vậy, thành tích chúng tôi chưa từng đạt được trước đó.

Cảm thấy như những con chim non bị đẩy ra khỏi tổ, chúng tôi phải can đảm đặt lịch hẹn NHS chính thức, liên quan đến việc đưa lịch sử y tế của chúng tôi cho đội ngũ hộ sinh địa phương và một số xét nghiệm sàng lọc thường quy. Chúng tôi đã làm điều này hai lần trước, khi đó chúng tôi biết và ít lo lắng hơn.

Câu chuyện của người phụ nữ 4 lần liên tiếp xảy thai và quyết tâm giải mã lời nguyền mà chị em vẫn hay đồn thổi "tuyệt đối không được khoe mình mang thai trước 12 tuần" - Ảnh 5.

Cuộc hẹn scan cách đó 2 tuần bị trì hoãn một chút vì kỳ nghỉ Giáng sinh. Chúng tôi thấp thỏm đếm thời gian. Chúng tôi tự chúc mừng mình vì đã không sảy thai vào đêm Giáng sinh, ngày Giáng sinh, hay Ngày Boxing.

Ngày 30 tháng 12, 6 giờ trước khi quét, tôi đọc một ghi chú từ bệnh viện nói rằng bạn phải trả 5 bảng cho một bản sao của ảnh scan. Tôi mau chóng đi rút tiền mặt, nhưng thầm cho rằng đây là điềm xấu. Tại bệnh viện, tôi nói tên mình với lễ tân. Chúng tôi đã đến sớm. Đây là lần quét 12 tuần của chúng tôi, nhưng chúng tôi đã mất 48 tuần mang thai để đến đây. Tôi thực sự không chắc chắn mình có thể đợi thêm 20 phút nữa hay không.

Tôi nghĩ trong đầu những lời nói với người siêu âm: "Hơi lo lắng", "4 lần sảy thai"…

"Cảm ơn chị đã nói với tôi", cô ấy đáp khi tôi nằm xuống. Sau đó là những khoảng dừng ngắn: "Được rồi, em bé của chị đây".

Những lần mang thai trước chỉ có một màu đen mờ trên màn hình siêu âm, thì giờ đây đã có những chuyển động lắc lư, đường viền màu xám của một cái đầu và một cái bụng tròn nhỏ xíu - một sinh vật biển kỳ diệu đang vẫy gọi, xuất hiện từ bóng tối.

Tôi nắm chặt tay Dan và chúng tôi ngắm nhìn em bé của mình nhào lộn. Lần đầu tiên, chúng tôi rời một đơn vị tiền sản với một bức ảnh quét và bước vào một lãnh thổ hoàn toàn mới.

Ngày 14 tháng 3, tôi mang thai 24 tuần, về mặt lý thuyết, đây là thời điểm thai nhi có khả năng sống sót bên ngoài tử cung. Bất cứ điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi kể từ bây giờ, nó sẽ không được gọi là sảy thai nữa. Giữ em bé này sống sẽ không còn là việc đơn độc của cơ thể tôi nữa. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, các bác sỹ ít nhất sẽ phải cố gắng can thiệp.

10 ngày sau, toàn bộ Vương quốc Anh rơi vào tình trạng phong tỏa do virus corona. Những ngày đầu phong tỏa, tôi tự an ủi mình bằng cách đọc hướng dẫn chính thức về Covid-19 từ Đại học Phụ sản và Bác sĩ Phụ khoa nhiều lần: Không có bằng chứng nào cho thấy nguy cơ sảy thai tăng lên. Phụ nữ mang thai không có khả năng nhiễm coronavirus cao hơn so với dân số nói chung. 

Dần dần, khi chứng kiến số người nhiễm và tử vong tăng lên, tôi nằm dài trên sofa, nỗi sợ hãi thấm qua kẽ cửa. Không một ngày nào trôi qua kể từ khi mang trong mình sinh linh bé bỏng này, tôi không lo lắng con mình có thể chết. Nhưng bây giờ, trong một đại dịch toàn cầu, những lo lắng mơ hồ đó đã đông đặc lại thành thứ gì đó có thể gọi tên.

Tôi thức dậy vào một đêm trong tuần đầu tiên phong tỏa vì cảm thấy cổ họng nóng rát. Hẳn là nó, tôi nghĩ - tôi đã nhiễm nó. Tôi đã ra tiệm cắt tóc vài ngày trước tuyên bố phong tỏa. Và thế là lời chế nhạo cứ quẩn quanh trong đầu tôi, khi tôi nhìn lên trần nhà không ngủ được: Em bé của tôi có thể chết, và tất cả chỉ vì vài sợi tóc của mẹ nó. Nhưng ngày hôm sau cảm thấy ổn hơn, tôi kết luận rằng có lẽ mình chỉ bị ợ nóng.

Câu chuyện của người phụ nữ 4 lần liên tiếp xảy thai và quyết tâm giải mã lời nguyền mà chị em vẫn hay đồn thổi "tuyệt đối không được khoe mình mang thai trước 12 tuần" - Ảnh 6.

Ngày 17 tháng 4, tuần thứ tư phong tỏa, tôi đi khám tuần thứ 28, Dan phải đợi trong xe vì các quy định mới. Một nhân viên bảo vệ ở cửa kiểm tra tên tôi trong danh sách. Kỹ thuật viên siêu âm và nữ hộ sinh đeo mặt nạ và kính che mặt, trong khi bác sỹ khám cho tôi từ phía đối diện của phòng tư vấn.

Vào một vài ngày, cảm giác như đại dịch đã đưa trải nghiệm mang thai của tôi đến gần hơn với sự bình thường. Tôi không thể tin rằng mình sẽ được làm những việc mà các bà bầu khác coi là hiển nhiên.

Trong bóng tối của sự mất mát trên quy mô toàn cầu, chúng ta bắt đầu nói về phép màu. Nhưng tôi không tin vào những điều kỳ diệu nữa. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có thể đặt niềm tin vào kiến thức thực tế về cách cơ thể chúng ta hoạt động. Chờ đợi và hy vọng là không đủ. Mặc dù vậy, khi ngồi đây trong lần mang thai thứ 5, mặc chiếc quần jeans dành cho bà bầu đầu tiên, cảm nhận em bé của chúng tôi đạp trong bụng mình, thật khó để không coi đó là một điều kỳ diệu mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng mong có được.

(Nguồn: The Guardian)