Mỗi một vùng đất đều có câu chuyện lịch sử của riêng nó. Người phương Đông đã biết dùng đũa từ xa xưa và nền văn hóa nước nào cũng muốn khẳng định nguồn gốc câu chuyện đôi đũa thành của mình. Nhưng với nền văn minh lúa nước Đông Nam Á, cụ thể là đất Việt, đôi đũa đã viết nên câu chuyện riêng của nó cách đây cả mấy ngàn năm rồi.
Nếu như người Hàn thường dùng đũa kim loại, dẹt mảnh, người Nhật có sử dụng gác đũa thì người Việt lại rất mộc mạc, giản dị với cách sử dụng đũa của mình.
Người ta thường biết đến đũa giúp gắp đồ ăn nhưng ẩn sau phía sau đó là cả một chặng đường triết lý nhân sinh đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Trong “Lĩnh Nam Chích Quái” có ghi lại Sự tích Trầu Cau khoảng năm 2000 trước công nguyên thời vua Hùng, đã có sự xuất hiện của đôi đũa. Truyện ngụ ngôn Câu chuyện bó đũa mang đầy ý nghĩa nhân văn cũng mượn hình ảnh bó đũa để gửi gắm bài học cuộc đời.
Vậy, đôi đũa trên bàn ăn Việt đã cho chúng ta thấy những gì?
Những đôi đũa mộc xẻ dọc Trường Sơn đi khắp 3 miền. Ngoài Bắc, người dân thường dùng đũa làm từ tre, trong Nam bà con thường dùng đũa làm từ gỗ dừa hoặc gỗ cau.
Xưa kia, xếp theo cấp bậc, chức tước, địa vị xã hội, vua chúa thường dùng đũa ngọc, đũa bạc. Quan lại được dùng đũa gỗ mun. Nhưng với người dân bình thường thì đôi đũa tre, đũa gỗ mộc mạc lại là hình ảnh mang tính điển hình hơn cả.
Những miền quê thanh bình rì rào sau lũy tre làng hiện lên thật êm ả khi chúng ta nhìn thấy đôi đũa tre vót thân tròn, một đầu vuông ở đâu đó. Những đôi đũa mộc không sơn quét, chẳng trang trí, chỉ thanh thuần một màu chất phác của tre, của gỗ dừa.
Đôi đũa - Câu chuyện có đôi có cặp, có âm có dương
Không chỉ trong các món ăn người Việt có áp dụng quy luật âm dương hài hòa, mà đôi đũa trên bàn ăn cũng thể hiện quy tắc bất diệt ấy. Tại sao người ta không dùng 1 cái đũa hay 3 cái đũa mà phải sử dụng đôi đũa?
Hai chiếc đũa song hành như một cặp, chiếc này hỗ trợ chiếc kia. Một chiếc được giữ vững làm bản lề trong khi chiếc còn lại khéo léo di chuyển, thực hiện các hoạt động gắp, xắn, khuấy đồ ăn. Sự kết hợp ăn ý ấy tượng trưng cho sự hài hòa âm dương.
Đâu chỉ có vậy, nếu bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày đại diện cho trời thì đôi đũa cũng ứng nghiệm cả hai điều ấy. Đôi đũa thường có đầu ăn tròn và đầu còn lại vuông cũng là một cặp tượng trưng cho trời và đất.
Chưa hết, sự kết hợp này còn thể hiện ở cách cầm đũa. Đó là việc dùng ba đầu ngón tay của ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cố định lấy đôi đũa tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân. Bởi thế, đũa được xem là tốt lành và người ta cũng thường tặng đũa để chúc phúc cho các cặp đôi mới cưới hoặc các gia đình về nhà mới.
Trong văn hóa Trung Hoa, đôi đũa có chiều dài tiêu chuẩn là 7 tấc 6 phân tương đương với khoảng hơn 25cm. "7 tấc 6 phân" này được cho là đại diện cho "thất tình lục dục" của con người. Tuy nhiên, ngày nay người chế tác đũa không còn mặn mà với chi tiết ấy nữa.
Đôi đũa không chỉ để gắp
Rõ ràng, đũa dùng để gắp là đúng chuẩn rồi. Nhưng đũa không chỉ để gắp. Người Việt tài tình khéo léo sử dụng đũa từ khâu nấu ăn đến thưởng thức món ăn.
Đũa để trộn, khuấy nguyên liệu. Đũa để xắn, nghiền đồ ăn thành nhiều phần. Thế mới thấy, đôi đũa ấy được biến hóa công dụng vô cùng đa dạng.
Đũa cả - Nét độc đáo của người Việt
Cùng với những đôi đũa ăn, người Việt ta còn sử dụng đũa cả. Hình ảnh đôi đũa cả có thể nói là khắc họa rõ nét nhất về bữa cơm xưa. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phần lớn gia đình nào cũng dùng nồi cơm điện cao cấp gắn thêm chiếc muôi xới cơm bằng nhựa. Bởi thế mà nhiều người trẻ có thể không biết về hình ảnh đôi đũa cả tảo tần sớm hôm ấy.
Đũa cả, còn được gọi là đũa cái, đũa bếp - thường dùng để đảo cơm, xới cơm lúc nấu cũng như lúc ăn. Phải chăng được gọi là đũa cả vì to lớn nhất trong các loại đũa (anh cả ấy mà). Đôi đũa cả bóng loáng nước tre, một đầu bè ra đến mòn vẹt cả đi từ những bữa cơm đầu tiên.
Đũa cả dùng để xới cơm, còn để... bắc nồi nữa. Những ngày xưa cũ, và cả đến giờ, cơm được nấu trong nồi gang thì ngon hết sảy. Chỉ với đôi đũa cả ấy, trình độ của người "biết nấu cơm" sẽ rõ ngay. Chỉ với vài đường đảo khuấy, căn chỉnh sao cho khéo thì sẽ ra nồi cơm mềm dẻo bên trên, phần cháy giòn vàng ươm dưới đáy. Còn kẻ vụng về thì thành phẩm là nồi cơm "trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoét" mà thôi.
Những ngày dài trôi qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, đôi đũa cả trong lòng bàn tay mẹ đã tạo nên sự ấm cúng. Nồi cơm nóng hổi trên manh chiếu quây quần cả nhà, mẹ luôn là người ngồi đầu nồi dùng đũa cả xới cơm cho cả nhà, rồi lại dạy con bài học đầu đời: cách cầm đũa từ tấm bé.
Thuở lên ba, mẹ cha nắm tay dạy cầm đũa. Bởi thế mà người Việt biết cách sử dụng đũa điêu luyện từ nhỏ.
Đũa cầm đúng hướng, so đũa cho đều. Dùng ba đầu ngón tay của ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cố định lấy đôi đũa. Cầm đũa không cao quá, không thấp quá, không chặt quá, cũng không lỏng quá. Ở đây cần sự khéo léo để gắp được đồ ăn dễ dàng, chuẩn xác.
Trên mâm cơm, chẳng người Việt nào dùng đũa lệch hay đũa cong vênh. Khi so đũa, con cháu nhỏ tuổi sẽ dùng hai tay lễ phép đưa đũa cho người lớn. Để thấy sự lễ nghĩa, dù gắp đồ ăn cho ông bà cha mẹ hay cho khách, người ta đều dùng đũa mới để gắp đồ ăn cho người khác trước khi gắp cho bản thân mình.
Trong bữa ăn, muốn gắp đồ ăn cho người khác thì cần trở đầu đũa. Lúc gắp thức ăn, tối kỵ dùng đũa gẩy hay xới tung để tìm miếng mình thích. Hoặc dùng đũa đã cho vào miệng khuấy loạn bát nước chấm chung của cả nhà. Như thế là rất mất lịch sự.
Ngay từ nhỏ, con trẻ trong gia đình Việt đã được dạy khi ăn không được ngậm cắn, mút đầu đũa, không được vừa gắp đồ ăn vừa hoa tay múa chân kể chuyện, không được dựng đứng đôi đũa trên bát cơm, không xếp đũa hình chữ thập trên bát, không gõ đũa vào nhau hoặc vào bát tạo tiếng ồn. Đâu chỉ thế, đồ ăn khi gắp nên đặt vào bát riêng rồi mới ăn, không nên đưa thẳng vào miệng.
Một vật dụng nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó cả một lịch sử lâu dài cùng những bài học nhân sinh sâu sắc trong gia đình Việt. Được dùng trong bữa cơm, đôi đũa không chỉ thể hiện sự sum họp, đoàn viên mà còn cho thấy những bài học về lễ nghĩa, nề nếp gia đình. Giờ đây, nhìn cách cầm đũa người ta còn phán đoán ra được tính cách của một người.
Bóng hình một đôi đũa là khởi nguồn tượng trưng cho sự quây quần, ấm cúng của bữa cơm gia đình. Chẳng thế mà xưa kia Khổng Tử có câu rằng: "Người đàn ông lịch thiệp không cho phép đặt dao trên bàn của mình". Lối sống Tây hóa, sự du nhập văn hóa ngoại lai có thể khiến người ta thích thú với những chiếc thìa, dao nĩa bóng loáng, sành điệu. Nhưng để gợi về sự ấm cúng, quây quần thì chẳng có gì thay thế được đôi đũa nhỏ bé ấy.
Những gì tinh tế và sâu thẳm nhất đồng hành cùng hành trình văn hóa Việt sẽ luôn đi vào thơ ca và văn hóa dân gian. Điều dễ nhận thấy là đôi đũa đã quen thuộc đến mức trở thành hình ảnh ẩn dụ, ngụ ngôn cho nhiều bài học đường đời.
Chẳng hạn như Câu chuyện bó đũa được gợi nhắc từ trên cho thấy bài học về sự đoàn kết là sức mạnh. Người Việt làm việc phải "có đầu có đũa", nhìn nhận một người, đánh giá một sự việc không thể "vơ đũa cả nắm", hay nói về sự chênh lệch thì có câu "đũa mốc mà chòi mâm son"...
Bài học cuộc đời đầu tiên mẹ cha dạy từ tấm bé là cách cầm đũa, cho tới khi chuẩn bị sang thế giới bên kia, đôi đũa cũng theo tiễn mỗi người trở về với chặng cuối.
Đôi đũa gỗ theo ta bao bữa cơm nhà, đến khi đã khuất dùng đũa bông để cúng cơm. Và rồi, trên ban thờ nghi ngút khói nhang ấy luôn có bộ đũa thờ 5 đôi hoặc 10 đôi được bày biện để dành cho ông bà tổ tiên lúc giỗ chạp hay những ngày lễ lạt Tết đến, xuân về.