Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phù sa màu mỡ ven sông Hồng. Tuổi thơ tôi gắn liền với ruộng lúa, bãi ngô, bãi khoai xanh tốt. Chúng tôi hàng ngày một buổi học, một buổi chăn trâu cắt cỏ, bắt cua, bắt tôm. Chiều chiều trên những bờ đê lộng gió chúng tôi thả hồn mình theo tiếng sáo diều vi vu. Thấm thoắt tôi đã học xong phổ thông và thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm Hà Nội.

Ba năm sau (năm 1988) tôi ra trường được phân về giảng dạy môn văn của trường Trung học cơ sở Phú Phương - huyện Ba Vì - thành Phố Hà Nội cách nhà tôi ở khoảng 4 cây số. Mơ ước đã thành cô giáo thành hiện thực, dạy học gần nhà đã đúng với ước nguyện của tôi. Tôi có biết bao dự định, biết bao khao khát nhưng cũng có nhiều khó khăn thử thách.

 Ngày ấy, khi ra trường dạy học nhưng gia đình tôi còn nghèo lắm. Mẹ tôi mất sớm khi tôi học lớp năm. Bố tôi làm giáo viên đồng lương ít ỏi - hai đứa em còn ăn học. Bà ngoại tôi đã già yếu (bố tôi ở rể khi tôi mới được ba tháng tuổi). Đồng lương của tôi lúc bấy giờ chỉ có hai mươi bảy nghìn, tôi đưa cho bố thêm vào lo cho cuộc sống gia đình – bố lại mua cho tôi chiếc xe đạp mới đi làm. Tôi quyết định đi học lớp cắt may ngắn hạn để làm thêm phụ giúp các em ăn học.

Câu chuyện gia đình tôi 1

Mặc dù bận nhiều việc nhưng công tác ở trường tôi luôn hoàn thành tốt.

Thế rồi việc gì đến cũng sẽ đến. Theo quy luật của tự nhiên, tôi phải xây dựng gia đình. Tôi cũng có ý định nấn ná ít lâu chưa xây dựng gia đình vội để giúp đỡ các em, nhưng rồi bố tôi đi bước nữa sau khi mẹ tôi mất mười năm nên tôi không chần chừ thêm kẻo sợ sẽ có những mâu thuẫn trong gia đình.

Tháng 11/1989 bố tôi lấy vợ thì tháng 2/1990 tôi quyết định lấy chồng sau một thời gian ngắn làm quen. Tôi cũng băn khoăn, phân vân nhiều vì tôi và anh chưa có nhiều thời gian tìm hiểu nhau. Công bằng mà nói tôi là một cô gái nhìn chung là khá, có rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng không hiểu sao tôi lại quyết định lấy anh – một chàng kĩ sư thủy lợi. Anh lại là con trai một trong gia đình sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Tôi tự động viên mình lấy nhau rồi  sau này có con vợ chồng sẽ hiểu và yêu thương nhau hơn.

Gia đình chồng tôi cách nhà tôi nhà tôi một xã khoảng hai cây số, có bốn người con ba gái – một trai. Chồng tôi là con trai một – gia đình cực kì phong kiến. Hai ông bà đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng vẫn khỏe, có hai sào ruộng đồng, một sào ruộng bãi, nấu rượu và nuôi lợn nái. Ba điều tôi lo sợ nhất trước khi lấy chồng thì tôi đều nhận được: lấy chồng con một, làm ruộng và lấy chồng xã khác. Cũng may anh làm trong huyện nên sáng đi tối về, tôi cũng phần nào yên tâm.

Câu chuyện gia đình tôi 2
Mẹ chồng tôi

Sau khi cưới, tôi bước vào những chuỗi ngày vất vả mà tôi chưa từng trải qua. Sáng sớm dậy từ bốn giờ ba mươi phút đun nước uống bằng rơm rạ rồi ra bãi hái rau muống (để bán) hoặc tưới rau, hoặc hái dưa chuột bán buôn cho người đi chợ. Sau đó vội vàng về nhà đi dạy cho kịp giờ. Về nhà rửa chân tay, tôi còn tranh thủ nấu một nồi cơm rượu trên bếp trên bếp than để ở nhà ông bà dỡ ra cho nhanh nguội và trộn men ủ thành nồi rượu tiếp ngày hôm sau. Buổi chiều cứ mười bốn giờ tôi lại quảy quang ra bãi khi thì làm cỏ, vun cà chua hay buộc dưa chuột, tối mịt mới về đến nhà. Tối tranh thủ soạn giáo án, chuẩn bị  bài vở ngày mai lên lớp. Mặc dù bận nhiều việc nhưng công tác ở trường tôi luôn hoàn thành tốt.

Tôi cố gắng học hỏi đồng nghiệp, dự giờ của các cô chú dạy học lâu năm để rút ra phương pháp giảng dạy cho bộ môn của mình. Giờ dạy của tôi luôn đạt loại giỏi. Với các em học sinh tôi luôn gần gũi, yêu thương, quan tâm, lo lắng như người chị lớn tuổi. Mỗi tuần tôi dành ra một buổi đi xuống nhà học sinh. Tôi – một cô giáo hai mươi hai tuổi trẻ trung, yêu đời tâm huyết với học sinh nhưng trong lòng lúc nào cũng lo lắng, chỉ sợ không làm tròn bổn phận của người vợ, người con dâu khi về nhà chồng. Lúc nào tôi cũng tự bảo mình phải luôn cố gắng vượt qua chính mình.

Câu chuyện gia đình tôi 3
Gia đình tôi xưa...

Mười tháng sau, tôi sinh con gái đầu lòng. Khó khăn chồng chất khó khăn, vừa nuôi con nhỏ, vừa dạy học, vừa làm ruộng, vừa nấu rượu lại còn thêm việc chấn chỉnh giáo huấn  của bố mẹ chồng nữa! Lúc nào tôi cũng tất bật làm hết việc này sang việc khác, vội vàng. Con còn nhỏ, tôi vẫn trong thời gian nghỉ (lúc bấy giờ tôi được nghỉ sáu tháng) nhưng nhà quá nhiều việc nên tôi cố gắng sắp xếp việc trong gia đình khoa học hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ mà không bị bố mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ.

Điều mà tôi luôn sợ là bị mẹ chồng vừa góp ý sửa sai vừa lên lớp giáo huấn. Suốt ngày từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt mới xong việc mà buổi tối lại ngồi ôm con để nghe bố mẹ “lên lớp” về truyền thống gia đình, về sự vất vả của ông bà trước kia, về công việc làm nông, nuôi lợn, nấu rượu... Bên cạnh đó tôi còn được uốn nắn cách cư xử, nói năng... Nói chung tất cả mọi điều để răn dạy một người con dâu mới về nhà chồng thì ông bà đã làm hết sức mình. Và tất nhiên là ông bà truyền đạt cho tôi vào những hôm chồng tôi đi trực tối vắng. Đúng với truyền thống của gia đình phong kiến:

Dạy con từ thủa còn thơ
Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về

Nhiều đêm ôm con nhỏ mà nước mắt tôi cứ rơi ướt đầm cả gối. Tôi nghĩ không biết tương lai của tôi sẽ đi đến đâu.

Rồi ngày tháng cứ thế trôi qua. Công việc hàng ngày tôi lặng lẽ làm. Tôi tự động viên an ủi mình hãy cố gắng lên: ông bà đã già rồi còn làm, mà ông bà làm cho vợ chồng mình, cho con mình mà mình không làm được thì không xứng đáng.

Nhiều người nói với tôi là không tưởng tưởng nổi cô giáo thư sinh, không làm ruộng, không chăn nuôi gà lợn, thậm chí cơm không phải nấu mà sau một năm về nhà chồng, ngoài việc dạy học còn biết hái rau muống, bó lại  rồi gánh lên chợ bán, biết trồng và chăm sóc rau cải, cà chua, cà dừa, biết nấu rượu, ủ rượu và đem rượu đi đưa cho các hàng quán. Khi đã quen với công việc rồi thì tôi không lấy làm lo sợ và chán nản nữa.

Nhưng mọi việc không bình lặng trôi qua như thế! Đến năm 1994 (tức là bốn năm sau) tôi sinh cháu thứ hai là con gái, cháu thứ nhất là con gái - cháu thứ hai – gia đình hi vọng là con trai (vì chồng tôi là con trai một) thì lại là gái. Một người trong gia đình đã hơi thất vọng – không khí trở nên nặng nề, hỏi thì nói, gọi thì thưa, khi gia đình đón mẹ con tôi từ bệnh viện về tôi cảm nhận được điều đó. Tôi dè dặt, thăm dò và tự kiểm điểm xem mình có lỗi gì không nhưng không có kết quả. Đến ngày thứ năm, khi chồng tôi đi trực vắng tôi ôm con ra ngoài nhà ngửa tay xin: “ông bà cho con biết, con có lỗi gì hay có sai sót gì xin ông bà chỉ bảo chứ mẹ con con còn non nớt, cứ như thế này mẹ con con ốm mất”. Thế rồi ông bà cũng nói ra điều mà ông bà không hài lòng. Thì ra tôi bị oan. Một chị con nhà bác vào thăm tôi trong bệnh viện về nói với ông bà là tôi than phiền  "mới sinh con thứ hai là con gái mà đã bỏ mặc thế là không nên" và nhiều điều khác nữa khiến bố mẹ và chồng tôi rất bực, nghĩ là đây là do tôi tâm sự với chị họ. Tôi vẫn nhớ như in tâm trạng tôi khi đó (mặc đã hai mươi năm trôi qua) là tôi khóc rất nhiều mà chỉ nói ông bà là: “Bố mẹ nên tin con, con không bao giờ làm như vậy. Con về đây, con có bố có mẹ cho con nhờ, bố mẹ cứ góp ý cho con, con sai thì con sẽ sửa được”. Và rồi tôi chứng minh bằng việc làm của mình. Con nhỏ được hai mươi ngày, tôi đã đảm đương mọi việc ở nhà để ông bà đi làm ruộng. Khi con được hai tháng thì đã đi làm công việc đồng bãi như một người làm ruộng chuyên nghiệp và để bà chăm sóc cháu. Và buổi tối tôi  thường chủ động ngồi nói chuyện với ông bà và nghe ông bà nói chuyện, chứ không ôm con ngồi một góc buồng như trước nữa. Cũng may hai đứa con tôi bụ bẫm, trắng trẻo, ít ốm đau nên ông bà cũng phần nào yên tâm, tin tưởng tôi.
 
Câu chuyện gia đình tôi 4
Tôi tự động viên mình lấy nhau rồi  sau này có con vợ chồng sẽ hiều và yêu thương nhau hơn

Sáu tháng sau, tháng 11-1994 tôi lại bước vào một cuộc thử thách mới – thử thách về tinh thần, về ý chí. Lúc bấy giờ cả gia đình, nhất là bố mẹ chồng  tôi bị khủng hoảng về tinh thần do tranh chấp đất  đai với hai gia đình kế bên (đều là anh em và gọi bố chồng tôi là chú). Trước kia các cụ (thân sinh ra bố chồng tôi) chia đất đai cho ba anh em bằng lời nói không có văn bản và đã thống nhất cả ba gia đình đi chung một cổng. Về sau các cháu lại đòi chú (bố chồng tôi) trả lại hai mét đất để các anh ấy xây công trình phụ và tường. Bố chồng tôi đã giải thích và phân tích rõ là ông đã để đất làm cổng đi chung rồi nhưng các anh họ không nghe, còn làm đơn ra chính quyền, thậm chí là vác dao sang cả nhà tôi, đe dọa, uy hiếp bố chồng tôi. Bố mẹ chồng tôi lần lượt ốm vì suy nghĩ nhiều. Khi đó, con gái thứ hai mới được tám tháng tuổi, tôi đi dạy học mà không yên tâm. Về đến nhà vừa chăm con, vừa thuốc thang cho bố mẹ lại nấu cám, tưới rau. Không khí gia đình mệt mỏi, rệu rã và lo lắng. Thậm chí, đã có lúc tôi mời bác sỹ tới nhà và tiêm thuốc bổ cho bố mẹ, động viên hai cụ yên tâm mà vẫn còn bị mắng. Có nhiều lúc tôi phải gửi con nhỏ bên hàng xóm để cắt rau về nuôi lợn. Ngoài việc thuốc thang tôi lựa lời an ủi bố mẹ và cuối cùng điều mà gia đình tôi không ngờ là các anh họ đã chữa diện tích nhà tôi trên bản đồ địa chính và thế là, gia đình tôi đã bị mất đất.  Bố mẹ chồng tôi quyết định bán mảnh đất đó để làm nhà ở nơi khác.

Một cuộc sống mới bắt đầu khi gia đình tôi quyết định bán ngôi nhà cũ và chuyển tới xóm mới. Có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất và cũng là giai đoạn thử thách lớn nhất đối với tôi. Làm nhà nhiều việc phải lo toan, tiền trong tay có hạn mà công việc đòi hỏi phải khẩn trương. Lúc bấy giờ thợ xây phải được ăn sáng mà nhà tôi nước sạch nấu ăn chưa có. Sáng sớm tôi từ trên nhà ngoại về, nấu mỳ cho thợ xây ăn rồi đi xin nước giếng sạch gánh về đổ vào thùng lấy nước ăn. Khoảng mười giờ sáng tôi đạp xe về trên ngoại cho con ăn, rồi vội vàng lại xuống nhà để xếp dọn. Hôm nào đi dạy học thì tất bật hơn.

Hai mươi ngày sau ngôi nhà hai gian xây tạm xong, tôi vội cho hai con về nhà để tiện đi làm. Trời thì lạnh, tường vôi mới, nền cát ướt nên buổi tối vợ chồng tôi phải đốt lửa để bố mẹ và hai con đỡ lạnh. Tôi rất lo cho sức khỏe của bố mẹ và hai con tôi. Có những buổi đi dạy học về, tôi ăn trưa vội vàng rồi gánh phân ra ruộng vun dưa chuột, đôi lúc gánh nặng quá bị thụt chân xuống rãnh mương bên đường lại nhờ người kéo lên. Tôi cũng đã khá quen với công việc đồng áng nên cố gắng sắp xếp công việc làm nhanh hơn một chút để về nhà sớm hơn, chăm các con và xếp dọn việc nhà. Thời gian này giáp tết, công việc càng bề bộn. Đến ngày hai mươi năm tháng chạp, ngôi nhà năm gian đã xây xong nhưng chưa lát nền. Nhà tôi nấu bánh chưng ngay trong gian nhà lớn. Tết năm ấy gia đình tôi đón một cái tết rất đơn sơ. Nhìn lên bàn thờ tôi bỗng thấy sống mũi mình cay cay.

Tháng 5-1995 ngôi nhà đã hoàn thành nhưng gia đình còn nợ một số tiền khá lớn. Cả nhà phải tập trung công việc làm ruộng, nấu rượu và chi tiêu dè sẻn để trả nợ dần. Thời gian này bố mẹ chồng đã phần nào hiểu và thương tôi. Và tôi cũng nhận thấy mình đã theo quỹ đạo của bố mẹ chồng từ khi nào không biết nữa. Tinh thần  của tôi được thoải mái hơn trước.

Về nhà mới chưa được bao lâu thì vào tháng 11-1996, một tin dữ ập tới gia đình tôi. Bố chồng tôi bị ung thư phổi. Chồng tôi dặn chỉ hai vợ chồng biết, giữ kín chuyện để không ai biết, để trấn an tinh thần cả nhà. Thời điểm đó, bố chồng tôi đã bước vào giai đoạn ung thư cuối. Tôi buồn vô hạn. Cả nhà chăm lo thuốc thang cho ông mà biết là không còn hi vọng. Tôi vừa lo cơm nước cho cả nhà, vừa thuốc thang, vừa lo việc vệ sinh cá nhân cho ông . Bên cạnh đó tôi còn lo việc đồng áng. Người tôi gầy rộc đi .

Ngày mười hai tháng giêng thì bố chồng tôi mất. Tôi động viên mình, động viên chồng phải cố gắng vượt qua, không được gục ngã.

Câu chuyện gia đình tôi 5
Con trai út của tôi giờ đã là học sinh lớp 4...

Bốn năm sau, gia đình tôi mới lo xong công việc mồ mả cho bố chồng tôi. Sau đó cả nhà tôi tập trung hồi phục kinh tế. Tôi bàn với chồng tôi bỏ nấu rượu, nuôi lợn và làm ruộng vì bây giờ mẹ chồng tôi cũng yếu, hai vợ chồng sẽ làm thêm việc khác. Chồng tôi ủng hộ và nhất là được mẹ chồng đồng ý, chúng tôi chuyển sang làm vườn (vườn nhà tôi rộng hai sào) và nuôi gà. Chúng tôi về Hải Hưng, Hải Dương mua giống cây vải về trồng, sau đó mua thêm hồng xiêm và nhãn thay cho chuối. Tôi nuôi gà thịt và gà đẻ trứng, thu nhập của gia đình đã tạm ổn. Điều mà tôi mừng nhất (đặc biệt là tôi) là mẹ chồng tôi đã giao quyền làm ăn kinh tế cho hai vợ chồng tôi. Mẹ chồng tôi ở nhà chăm sóc các con tôi rất chu đáo nên vợ chồng tôi cũng yên tâm đi làm.

Đến nay tôi đã bốn mươi năm tuổi (hai mươi năm dạy học), tôi xin chuyển về dạy học ở trường trung học cơ sở gần nhà để tiện chăm sóc mẹ chồng, chăm sóc con. Năm nay mẹ chồng tôi đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Tôi vẫn giữ được nền nếp và tác phong mẹ dạy bảo xưa kia. Tôi cũng dạy các con theo nền nếp ấy. Đặc biệt tôi giáo dục các con phải biết kính trọng bà, bố mẹ, yêu thương các em. Không khí gia đình luôn đầm ấm,vui vẻ. Con gái đầu của chúng tôi đã tốt nghiệp đại học của một trường kinh tế hàng đầu, hiện đang đi làm cho một ngân hàng lớn. Con gái  thứ hai đang là sinh viên của trường đại học, con út (tôi sinh cháu năm 2004) là cháu trai đang học lớp bốn nên gia đình càng phấn khởi.

Câu chuyện gia đình tôi 6

Năm 2013 sắp hết, Tết 2014 đang đến gần. Tết này, mẹ chồng tôi tròn tám mươi tuổi. Tôi cầu chúc cho mẹ luôn mạnh khỏe, vui vẻ bên con cháu. Tôi thầm cảm ơn mẹ đã “khắt khe” với tôi để tôi biết vượt qua những khó khăn thử thách, những sóng gió của cuộc đời, để tôi trưởng thành, vững vàng như ngày hôm nay.

Hàng ngày đi dạy học về tôi thường trò chuyện với mẹ. Khi tôi được tiền phụ cấp thâm niên giảng dạy tôi đã nói với mẹ đó là công của mẹ. Mười lăm năm liền tôi được danh hiệu “giỏi việc trường, đảm việc nhà, cô giáo người mẹ hiền” tôi đã trao tận tay cho mẹ và nói “đây là công của bầm, bầm có giúp con việc nhà con mới yên tâm công tác tốt được”