Năm 1954, nhà văn đồng thời là một thầy giáo dạy tiếng Anh William Golding đã ra mắt cuốn tiểu thuyết với tựa đề Lord of the Flies (Chúa Ruồi) kể về một nhóm thiếu niên (độ tuổi từ 6 đến 13) gặp tai nạn máy bay và mắc kẹt trên hòn đảo không người. Cuốn tiểu thuyết nhanh chóng trở nên nổi tiếng, hàng chục triệu bản đã được bán ra. Bên cạnh đó, nó còn được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và được ca ngợi là một trong những tác phẩm kinh điển của thế kỷ 20.
Cuốn sách mang đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và để lại nhiều bài học sâu sắc về giá trị đạo đức, kinh nghiệm sinh tồn... Thế nhưng, không nhiều người biết rằng "Chúa Ruồi" còn có một phiên bản đời thật vô cùng ly kỳ. Một câu chuyện về nhóm học sinh bị đắm tàu và sống sót trong 15 tháng trên một hòn đảo hoang có tên Ata nằm ở phía nam Tonga - một quần đảo độc lập ở phía nam Thái Bình Dương.
Năm 1966, một bài báo trên tờ The Age của Úc đã đăng tải toàn bộ câu chuyện về 6 cậu bé vị thành niên được tìm thấy 3 tuần trước đó. Điều khác biệt với câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết là cả 6 cậu bé đã sống sót kỳ diệu và được giải cứu bởi vị thuyền trưởng tên người Úc tên là Peter Warner.
Mùa đông năm 1966, thuyền trưởng người Úc cùng thủy thủ đoàn của mình đang lênh đênh trên đại dương thì phát hiện điều bất thường trên hòn đảo Ata là những cột khói bốc lên nghi ngút giữa mảng xanh ngút tầm mắt của hòn đảo. Tuy nhiên, cảnh tượng kỳ lạ đó vẫn chưa là gì so với cảnh tượng tiếp theo mà Peter chứng kiến một đứa trẻ trần truồng nhảy xuống nước và la hét cầu cứu.
Cậu bé hét lớn: "Tên cháu là Stephen. Bọn cháu có khoảng 6 người và nghĩ rằng đã mắc kẹt trên đảo khoảng 15 tháng rồi".
6 cậu bé lần lượt có tên Stephen, Sione, Kolo, David, Luke và Mano. Tất cả đều là học sinh tại trường nội trú ở Nuku'alofa, thủ đô Tongan và bị mắc kẹt trên đảo sau khi đánh cắp một chiếc thuyền của một ngư dân mà chúng không ưa và ra biển chơi rồi không may gặp một cơn bão.
Ban đầu, Peter không tin vào lời kể của những đứa trẻ và sử dụng đài phát thanh của mình để gọi tới Nuku'alofa. 20 phút sau, người trực tổng đài đã lên tiếng: "Ông đã tìm được chúng rồi. Gia đình những câu bé đã bỏ cuộc, họ cho rằng con mình đã chết, tang lễ cũng đã được tổ chức. Nếu đúng là những đứa trẻ ấy thì thực sự phép màu đã xảy ra".
Làm thế nào những đứa trẻ sống sót trên hòn đảo hoang vắng suốt 15 tháng?
Sau khi ra khơi mà không có bản đồ hay la bàn, các cậu bé bị mắc kẹt trên biển mà không có thức ăn hoặc nước uống trong 8 ngày sau khi một cơn bão xé tan cánh buồm của chúng thành những mảnh vụn và bánh lái của chiếc thuyền bị vỡ.
Vào ngày thứ 8, chúng phát hiện ra hòn đảo Ata và tiến về phía đó, không ngờ đó lại là nhà của mình trong 15 tháng tiếp theo. Chúng phân chia công việc bài bản, làm việc theo nhóm 2 người theo từng nhiệm vụ: làm vườn, nấu ăn và canh gác.
Các cậu bé, độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, đã cầu nguyện và hát hò vào buổi sáng và buổi tối. Đôi khi chúng có xảy ra cãi vã nhưng rồi cũng tìm cách giải quyết êm đẹp.
Peter giải thích: "Khi chúng tôi lên đảo, các cậu bé đã xây dựng được một xã hội nhỏ với vườn thực phẩm, thân cây rỗng để chứa nước mưa, phòng tập thể dục, sân cầu lông và nơi trữ lửa. Tất cả đều được làm bằng tay với những lưỡi dao cũ".
Các cậu bé đã trải qua những ngày tháng thật sự khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ. Mùa hè trời không có mưa nên chúng khát khô cả cổ vì không có nước uống. Chúng còn tự làm một chiếc bè để tìm cách rời khỏi hòn đảo nhưng bè không chắc chắn và chưa đi được xa đã bị hỏng. Cậu bé Stephen còn bị gãy chân khi rơi xuống một vách đá.
Mặc dù ở trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt nhưng 6 đứa trẻ đã chăm sóc cho nhau rất tốt và luôn đoàn kết, động viên tình thần cho nhau. Stephen bị gãy chân, 5 bạn còn lại đã tìm cách chữa khỏi cho cậu bé bằng lá cây và dùng gậy nẹp. Khi chúng trở về nhà, các bác sĩ đã rất ngạc nhiên vì đôi chân của Stephen được chữa lành rất hoàn hảo.
Các cậu bé ban đầu sống sót nhờ cá, dừa, chim hoang dã và trứng chim biển, nhưng sau khi phát hiện ra một miệng núi lửa cổ trên đỉnh đảo, chúng đã tìm thấy khoai môn, chuối và gà.
Sau khi được giải cứu vào ngày 11/9/1966, 6 cậu bé được đưa về nơi đã lấy trộm chiếc thuyền. Thuyền trưởng Peter lại một lần nữa giải cứu chúng, ông trả tiền cho ngư dân và bảo vệ các cậu bé khỏi tội trộm cắp.
Sau đó, ông đã thuê tất cả 6 đứa trẻ này làm thuỷ thủ đoàn và cho chúng cơ hội nhìn thấy thế giới bên ngoài một cách an toàn hơn.
Thuyền trưởng Peter là con trai út của Arthur Warner, từng là một trong những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất ở Úc. Vào những năm 1930, Arthur cai trị một đế chế rộng lớn gọi là Electronic Industries, nơi thống trị thị trường radio của Úc lúc bấy giờ. Peter được chỉ định để nối nghiệp cha mình. Tuy nhiên, chàng trai 17 tuổi ấy lại thích những cuộc phiêu lưu trên biển, phiêu bạt trên con thuyền từ Hồng Kông đến Stockholm, Thượng Hải đến St Petersburg. 5 năm sau đó, ông đã mang về tờ chứng nhận Swedish Captain (thuyền trưởng Thụy Điển) trình trước mặt cha mình. Nhưng không chút ấn tượng, ông Arthur yêu cầu con trai học một nghề hữu ích.
Peter đi làm cho công ty của cha mình, nhưng đại dương bao la vẫn vẫy gọi ông, và ông thành lập đội đánh cá của riêng mình. Chính điều này đã đưa ông đến Tonga vào mùa đông năm 1966 và có cuộc gặp gỡ đầy duyên phận với 6 đứa trẻ.
(Nguồn: Unilad, Guardian)