Cách đây vài ngày, Chiamaka Nnadozie trở thành người hùng của Nigeria khi cản phá thành công cú phạt đền của Christine Sinclair. Nên nhớ rằng Sinclair là tượng đài của bóng đá thế giới. Với 190 bàn thắng cho ĐTQG Canada, cô là người ghi nhiều bàn nhất mọi thời đại ở cấp độ quốc tế cả nam lẫn nữ (Cristiano Ronaldo “mới chỉ” ghi 123 bàn). Tại đất nước Canada, Sinclair còn nổi tiếng hơn cả môn thể thao mà cô đang chơi.
Vậy mà Nnadozie lại chặn đứng Sinclair trên chấm 11m, với một pha đổ người đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Sự xuất sắc của cô giúp Nigeria có được trận hòa không bàn thắng trước nhà đương kim vô địch Olympic Canada , tiếp tục nuôi hy vọng vào vòng 1/8 World Cup lần thứ hai liên tiếp.
Kỳ trước tại Pháp, Nnadozie cũng là một trong những nhân tố chính yếu làm nên thành công của Super Falcons (biệt danh dùng chung cả tuyển nam và nữ Nigeria). Khi ấy mới 18 tuổi, sau trận thắng Hàn Quốc 2-0, Nnadozie còn trở thành thủ môn trẻ nhất giữ sạch lưới tại một kỳ World Cup .
Nnadozie đã khóc trong trận đấu đó, giống như cô đã khóc sau trận hòa mới đây trước Canada. Dĩ nhiên, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhưng đồng thời còn là giọt nước mắt cho mọi đắng cay mà Nnadozie đã trải qua.
Như mọi người khác trên đất nước Nigeria, Nnadozie yêu bóng đá. Vấn đề là cô lại là con gái. Cô thường bị đám con trai xua đuổi mỗi khi ngỏ ý muốn chơi cùng. Trở về nhà, các anh của Nnadozie cũng đá bóng. Nhưng họ cũng cấm em gái tham gia. Cô chỉ được ngồi xem.
Phải rất lâu sau, vì những lần thiếu người, cực chẳng đã họ mới cho phép Nnadozie vào sân. Dần dần Nnadozie còn chơi giỏi hơn cả họ. Nhưng thế thì sao? Khi Nnadozie nói rằng muốn theo đuổi bóng đá một cách nghiêm túc, nhà cô như nổ tung.
Bố và các anh trai kiên quyết cấm cửa Nnadozie. Họ muốn cô ở nhà, sau đó vào xưởng may giống đám con gái khác trong vùng. Duy nhất mẹ Nnadozie ủng hộ. Bà thường giấu bố cho con gái tiền để bắt xe tới lò đào tạo, đồng thời nói dối rằng cô đến nhà bác gái để học may vá.
Đến một lúc, bố của Nnadozie cũng phát hiện ra. Ông chửi cô là “đồ vô dụng”, sau đó tống ra khỏi nhà một cách tàn nhẫn. Nnadozie chấp nhận việc đó. Cô cứ thế bước đi, quyết tâm theo đuổi đam mê tới cùng.
Cũng phải nói thêm, ban đầu Nnadozie chơi ở vị trí hậu vệ phải, rồi tiền đạo. Năm 12 tuổi cùng đội tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, cô bé thủ môn lại bị ốm. Nnadozie nói với HLV rằng cô có thể bắt gôn. Sau lần ấy HLV nhìn thấy tố chất thực sự của Nnadozie, khuyên cô nên đổi sang làm thủ môn. Cô không chịu, ông đẩy luôn lên ghế dự bị. Phải mất một thời gian bạn bè khuyên nhủ, Nnadozie mới đồng ý.
Thời gian ấy Nnadozie sống vạ vật ở ký túc, hàng ngày ra sân tập luyện với cái bụng rỗng, đôi chân trần và bắt bằng tay không. Nhiều hôm đói quá, cô lang thang ra ngoài, ngửa tay xin người đi đường vài xu lẻ hoặc mẩu bánh. Nếu may mắn cô sẽ gặp được bố mẹ của bạn, và họ dẫn vào quán cơm. Mẹ cũng thỉnh thoảng dúi cho ít tiền, nhưng không quá thường xuyên bởi chịu sự giám sát hà khắc của ông bố.
Tuy vậy Nnadozie không nản lòng. Cô tự hứa sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp vào năm 20 tuổi. Nếu không thành, sẽ về nhà, cúi đầu xin lỗi bố và chấp nhận thất bại.
Viễn cảnh ấy không bao giờ xảy ra bởi Nnadozie thăng tiến quá nhanh. Cô ký hợp đồng chuyên nghiệp với CLB Rivers Angels và ra mắt khi mới 16 tuổi. Nnadozie lên tuyển năm 18 tuổi, sau đó tỏa sáng ở World Cup 2019 như đã kể. Chiến tích ấy giúp cô tới Pháp, bắt chính cho CLB Paris FC đến tận bây giờ.
Gia đình cũng đã đón nhận Nnadozie. Một lần thấy cô trên TV, ông bố hỉ hả khoe với mọi người, sau đó gọi điện cho Nnadozie nói rằng “đúng là con gái bố”. Nnadozie cũng vui vẻ đón nhận điều đó. Thay vì oán trách, cô luôn nhấn mạnh chính sự hà khắc của bố đã hun đúc nên cô gái mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Tuy nhiên cuộc chiến đấu của Nnadozie vẫn chưa kết thúc. Thần tượng Manuel Neuer, thủ môn 22 tuổi đặt mục tiêu trở thành người gác đền xuất sắc nhất thế giới. Cùng với đó, quyết tâm đưa Nigeria tiến xa ở World Cup 2023.