Rút đơn ly hôn để báo hiếu bố mẹ

Trong 1 group kín, tâm sự của tài khoản mạng giấu tên thu hút sự quan tâm của nhiều người. Câu chuyện như sau:

“Còn 1 lần cuối cùng để ra toà giải quyết. Tính ra đơn phương chưa được 1 tháng là ly hôn xong. Vậy đấy, ngày mai em lên toà rút đơn lại mọi người ạ. Mẹ em khóc lóc nói em là đồ sống ích kỷ chỉ biết cho bản thân chia cách con cái gia đình. Mẹ không đồng ý tụi em ly hôn. 10 năm em sống trong đau khổ chưa tính tác động vật lý nhưng là những lời nói xúc phạm nhau đau đến tâm can. Những lần không phải tội của em nhưng cũng đổ lên đầu em. 5 năm qua em sống không cần chồng, 1 mình em làm được mọi thứ nên bây giờ em chỉ muốn sống 1 mình thôi. Em nghĩ không báo hiếu được cho mẹ lại làm mẹ khóc. Em sống thà đau lòng còn hơn bất hiếu. Vậy đó, bao nhiêu lần em khóc đòi li dị chồng đổ sông đổ biển. Những nổi đau em vượt qua khiến em nhìn người đàn ông đó với ánh mắt thù hận. Bây giờ rút đơn vì mẹ, vì đứa con thơ. Thật sự lòng em rất nặng nề. Diễn biến 10 năm qua dài quá nên em chỉ tóm gọn như vậy. Em nói ra cho nhẹ lòng”.

Câu chuyện "Rút đơn ly hôn để báo hiếu": Bao nhiêu phụ nữ trả lời được câu hỏi "Đời người có mấy lần 10 năm"? - Ảnh 1.

10 năm, cả 1 thập kỷ của cô ấy gói gọn được vài dòng cũng đủ khiến người ta đau xót, bức xúc, tức giận, thương cảm. Chẳng lẽ số phận người phụ nữ bất hạnh đến vậy? Và trong câu chuyện ấy, cuối cùng, người làm cho cô ấy tổn thương nhất không phải là gã chồng vũ phu mà chính là người sinh ra cô ấy – 1 phụ nữ đầy những định kiến.

Ở xã hội hiện đại này vẫn còn rất nhiều bà mẹ dạy con gái phải hy sinh, phải chiều chồng, phải coi các thành viên trong gia đình nhà chồng là cha là mẹ. Họ vẫn giữ tư duy xưa cũ, cổ hủ rằng đàn bà cần giữ lửa, cần nhịn nhục, cần nhún “nhiều chút” thì hôn nhân sẽ tự nhiên êm ấm. Thậm chí có không ít ông bố không muốn cho con gái mang tiếng bỏ chồng, dọa "từ mặt" nếu con ly hôn.

Không ai rót thêm khi nhìn 1 cốc nước đã quá đầy, cũng không ai “dở chứng” nằng nặc đòi bỏ chồng khi cuộc hôn nhân ấy đang hạnh phúc. Đừng nghĩ khi xuống đến tận cùng nỗi đau bạn sẽ học được thói quen cam chịu hoặc tự mình tìm đường ngoi lên.

Điểm tận cùng ấy là do chính bạn quy định. Sự tệ bạc của chồng kéo dài từ năm này sang năm khác, bạn cứ chịu đựng và “điểm khổ đau” nó sẽ tăng lên 1 chút. Mỗi năm trôi qua, sức chịu đựng của bạn tăng tiến, thậm chí không có cái gọi là giới hạn cuối cùng, thể xác đau đớn, tâm hồn tổn thương, lòng tự tôn tối thiếu cũng chẳng còn.

Đời người có mấy lần 10 năm?

Bạn không thể ném cho con trâu miếng thịt bò thượng hạng và coi đó là thức ăn cao cấp dành cho nó. Bạn cũng không thể chịu đánh chịu chửi, chịu giày vò chỉ để giữ bố cho con. Bạn cũng không phải vì chưa báo hiếu được bố mẹ ngày nào nên coi việc giữ cuộc hôn nhân địa ngục là báo hiếu. Tầm nhìn của con người có thể hạn hẹp 1 lúc chứ họ sẽ không cứ thế mà “nhắm mắt” cả đời. Vậy nên có 1 thứ cam chịu được gọi là “dung túng”.

Câu chuyện "Rút đơn ly hôn để báo hiếu": Bao nhiêu phụ nữ trả lời được câu hỏi "Đời người có mấy lần 10 năm"? - Ảnh 2.

Bạn cam chịu có nghĩa bạn dung túng cho chồng tiếp tục hành hạ mình. Bạn cam chịu có nghĩa bạn dung túng cho bố của các con mình vô tình dạy chúng những điều hư. Bạn cam chịu có nghĩa bạn dung túng cho sự bảo thủ, định kiến của cha mẹ mình. Rất có thể bạn sẽ là tác nhân tạo ra những số phận, những tư duy bất hạnh như bạn mà “nạn nhân” chính là con bạn.

Đời người có mấy lần 10 năm? Rồi vài cái 10 năm nữa biết bao chuyện đáng tiếc sẽ xảy ra trong cái gia đình tệ hại ấy?

Tại sao phụ nữ cứ phải đóng vai phi thường trong những cuộc hôn nhân bất thường? Có ai từng khao khát trong chốc lát không phải là mẹ, không phải là con, không phải là vợ của ai, mà chỉ là chính họ. Nhưng ai cho?

Mất mát hay hạnh phúc không phải là sự trừng phạt hoặc phần thưởng thiết yếu. Khó khăn lớn nhất đối với 1 người là bình tĩnh sáng suốt đối mặt với sự thất bại của chính họ.

Trên đời này không có phép màu, chỉ có những khoảnh khắc khiến bạn tự mình thức tỉnh và suy ngẫm - Đó là sự thanh thản và nhẹ nhõm đến bất ngờ khi bạn tự quyết định lấy cuộc đời mình.

Hãy sửa khi nó còn đáng để sửa. Hãy cho nhau cơ hội khi đối phương còn đáng được bao dung. Nhưng cũng hãy thật dứt khoát mà bước đi nếu bạn nhìn rõ người đàn ông ấy không có khả năng thay đổi. Bởi chịu đựng 1 cuộc hôn nhân tồi là kéo theo cả dãy những điều rất tệ đấy!