Trong nhiều trường hợp, sự mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt của các cặp mẹ bé vẫn luôn khiến bao nhiêu người phải ngỡ ngàng. Câu chuyện sinh con của chị Diệu Linh (28 tuổi) và con gái Yến Nhi (4 tuổi), hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số đó. Vốn bị bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ đã kết luận khó có thể mang thai, thế nhưng chị vẫn quyết định đánh cược số phận khi lỡ biết mình có thai, để rồi vỡ ối, dọa sinh non ở tháng thứ 5, phải chiến đấu tới cùng mới giữ được con đến 7 tháng, sinh ra tưởng chừng như phải đánh đổi cả sinh mạng của mình, con lại khó nuôi. Nhưng cuối cùng, điều diệu kỳ đã xảy ra.

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 1.

Hai mẹ con chị Diệu Linh và bé Yến Nhi.

Chị Linh kể lại: "Mình bị bệnh tim bẩm sinh, được bác sĩ kết luận là khó có thể có con. Thế nhưng vừa lấy chồng xong thì mình lại dính bầu mà không hề hay biết, vì vốn kinh nguyệt không đều, khi có khi mất. Rồi khi thai được 4 tháng, mình mới phát hiện ra sau một lần mệt mỏi đến ngất và được mẹ cùng chồng đưa đi bệnh viện. Lúc đó dù đối mặt với nguy hiểm, mình vẫn quyết định sẽ giữ con lại. Mọi chuyện diễn ra khá nhẹ nhàng, bình thường. Đến tháng thứ 5, mình xin nghỉ làm ở nhà dưỡng thai".

Chỉ 1 tuần sau khi nghỉ làm, chị Linh bị vỡ ối vào buổi tối. Mẹ và chồng chị vội vàng đưa chị vào bệnh viện. Nhưng bác sĩ kết luận thai mới được 5 tháng còn quá non, mới chỉ được vài trăm gram nên ở đó không có đủ dụng cụ và đồ hỗ trợ sinh sớm. Chị Linh nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Hùng Vương. Chị nhập viện trong tình trạng vỡ ối không còn nước ối, cổ tử cung mở 1 phân. Cũng kể từ đó là chuỗi ngày nằm trên giường bệnh, chiến đấu để cố gắng giữ con lại lâu hơn trong bụng mẹ.

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 2.

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 3.

Bé Yến Nhi khi được 2 tháng tuổi, sau khi được về nhà 1 tháng.

"Mình bất đắc dĩ phải nằm viện dù không có bảo hiểm, chi phí rất tốn kém. Mỗi ngày mình phải uống 5 đến 10 lít nước để bổ sung lại vì không còn nước ối nữa. Tay trái mình lúc nào cũng dính vào một cái máy truyền thuốc rất lớn, đi đâu cũng phải xách cái máy to, hình chữ nhật đó đi theo. Nào là thuốc chống nhiễm trùng, thuốc giữ thai, thuốc kháng sinh, một ngày 10 mũi tiêm vào chân, tay, mông để đưa thuốc vào người. Cũng trong lúc này, mình đã bị sốc thuốc tới 3 lần và suýt chết vì vào quá nhiều thuốc 1 ngày. Bà ngoại kể lại lúc đó mắt mình trợn ngược lên, rồi co giật, không thở được. May là được cấp cứu kịp thời".

Khi thai tròn 7 tháng trong bụng mẹ, trải qua 3 lần sốc thuốc như vậy, bác sĩ đã hội ý lại với gia đình về việc sẽ tiêm một liều thuốc để kích bé ra. "Lúc đó bác sĩ nói nếu còn giữ bé trong bụng nữa, mình sẽ chết. Còn nếu bé ra sớm chỉ nặng vài trăm gram, bé sẽ khó sống. Bác sĩ dặn gia đình nên chuẩn bị tinh thần, sinh bé xong nếu 1 tuần không ổn, bé sẽ được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ để chăm sóc, nuôi dưỡng bé".

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 4.

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 5.

Để có được thiên thần nhỏ này, mẹ bé đã phải đánh cược bằng mạng sống của mình.

Cũng trong buổi tối đó, chị Linh đau bụng tới nỗi khi ngồi trên xe lăn, 2 tay chị đập vào 2 bên khung xe mà không biết đau. Khi sinh xong mới biết tay sưng từ lúc nào. "Mình nhớ tối đó khi sinh bé, bác sĩ bảo sẽ mổ để an toàn, gọi gia đình vào ký giấy để giữ mẹ hoặc giữ con. Nhưng lúc đó mình đã xin được đẻ thường. Vì mình xác định nếu mình chết, con vẫn được sống. Mình đã ký giấy sẽ tự chịu hết trách nhiệm. Sau khi ra viện, mình mới nói cho gia đình biết điều này".

Trong ca sinh thường do mình tự quyết định, khi đang rặn thì chị Linh bị ngưng thở. Ngay lập tức chị được hỗ trợ máy, vào thuốc, cấp cứu tích cực. Rồi tỉnh lại, chị chỉ biết dùng hết tất cả chút sức còn lại của mình để rặn con ra an toàn. "Các bác sĩ, y tá đều rất nhiệt tình khiến mình cảm kích lắm. Ơn trời là cuối cùng mọi chuyện đều ổn, cả mẹ và con vẫn sống. Em bé sinh ra nặng gần 1kg, vừa bế ra cho bà ngoại nhìn chưa tới 5 giây đã phải đưa vào lồng kính. Cũng lúc ấy, 2 chân, 2 tay con được vào thuốc. Con nằm im không khóc, không hờn, không hề ngọ nguậy một chút nào".

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 6.

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 7.

Cô bé hiện giờ đã 4 tuổi, trộm vía rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và biết làm được nhiều việc nhà giúp mẹ.

Chị Linh sau đó nằm viện thêm nửa tháng nữa thì được về nhà. Hai tuần sau, khi gia đình cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ, không đủ tiền để nuôi con trong lồng kính nữa thì đúng lúc bác sĩ thông báo: "Bé cứu được, bé có thể sống mà không cần dùng máy và thuốc hỗ trợ". Bé Yến Nhi được về nhà. Khi này bé đã được 1 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 1,9kg, da mỏng, tím ngắt thấy rõ cả mạch máu, không ai dám bế bé ngoài bà ngoại.

"Sinh xong, mình bị trầm cảm nặng, có lúc còn suýt hại con, nhưng may là có bà ngoại luôn ở bên cạnh chăm sóc cả 2 mẹ con nên đã vượt qua được. Phải 2 tháng sau, mình mới hết trầm cảm và nhận thức được rõ ràng những sự việc xung quanh mình. Khoảng 3 tháng thì mình tự nhiên bị mất sữa và con phải uống sữa công thức cho đến bây giờ".

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 8.

Câu chuyện sinh con bằng mạng sống của bà mẹ vỡ ối ở tháng thứ 5, đang rặn đẻ thì bị ngưng thở - Ảnh 9.

Thậm chí cô bé đã nhiều phen cứu mẹ của mình.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm từ lúc bắt đầu mang thai, sinh con và sau sinh, nay bé Yến Nhi đã 4 tuổi, trộm vía cao 108cm, nặng 20,5kg và có thói quen ăn uống rất tốt. Cô bé trở thành một chỗ dựa tinh thần rất lớn cho mẹ. "Nhớ hồi con 3 tuổi, có lần mình bị lên cơn bệnh tim, ngất ra nhà. Con đã chạy ra ngoài gọi người đưa mình đi cấp cứu, nếu không chắc mình đã mất rồi. Nay con 4 tuổi, mỗi lần mẹ bệnh lại chủ động chăm mẹ, dọn dẹp nhà, làm canh, rau phụ ba với bà ngoại. Từ khi 2 tuổi con đã học làm việc nhà, 3 tuổi học làm đồ ăn, giờ 4 tuổi chăm mẹ bệnh, phụ ba và ngoại làm việc nhà. Thương lắm!".

Chị Diệu Linh cũng chia sẻ, sau lần sinh đầu, chị phải uống thuốc tránh thai trường kỳ vì bác sĩ có dặn chị là không nên mang bầu nữa, bởi "nếu có nữa, hoặc là mẹ mất trước hoặc là bé mất trong bụng mẹ". Vậy nên bé Yến Nhi luôn là điều quý giá nhất trong cuộc đời chị, dù được chọn lựa lại hoặc phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình, chị vẫn mong được sinh con ra, được tận hưởng thiên chức làm mẹ thiêng liêng.