Xu hướng lấy chồng nhưng không sinh con đang phổ biến ở Trung Quốc

Trước khi tổ chức lễ cưới vào năm 2014, Wu Qing đã thể hiện rõ quan điểm với chồng sắp cưới rằng cô sẽ quyết định không sinh con. "Ban đầu anh ấy cảm thấy không có vấn đề gì với điều đó, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng anh ấy đang cố gắng để thuyết phục tôi thay đổi suy nghĩ".

Câu chuyện về những cô gái không muốn sinh con ở Trung Quốc: Trào lưu hai người lớn, không trẻ em và những hệ lụy - Ảnh 1.

Trào lưu "hai người lớn, không trẻ em" đang phổ biến ở Trung Quốc

Wu, năm nay 33 tuổi, quyết tâm giữ vững lập trường của mình, nhưng gia đình nhà chồng lại gây sức ép muốn chồng cô phải có đứa cháu đích tôn và khuyên Wu hãy bắt đầu một "cuộc sống gia đình thực sự". Giờ đây nó đang trở thành mối xung đột không gì hàn gắn được, cô chia sẻ: "Giờ tôi chỉ còn chờ thời điểm thích hợp mà thôi. Chỉ cần mẹ chồng đe dọa bắt chúng tôi phải ly hôn bởi vì tôi không muốn có con, tôi sẽ chia tay chồng ngay lập tức".

Từ khi mới chỉ là cô gái tuổi teen, Wu đã phản đối việc có con khi lấy chồng. Mẹ Wu không phải là một người mẹ tốt, bà luôn muốn sinh con trai thay vì sinh Wu ra. Chính thái độ kỳ thị giới tính ấy đã tác động đến suy nghĩ của Wu. "Tôi luôn tự nhủ với bản thân mình rằng: Tại sao bà ấy không hề yêu mến gì tôi, mà rốt cuộc lại chấp nhận sinh ra tôi?". Wu nghĩ rằng bản thân mình cũng sẽ trở thành một bà mẹ tồi như thế, nên quyết định sẽ không có con sau này.

Một lý do khác là bởi Wu đang yêu thích cuộc sống hiện tại của mình. Cô đã đi du lịch vòng quanh thế giới, đặt chân đến cả 2 cực của Trái Đất… và không hề muốn vì một ai khác mà phải thay đối lối sống tự do ấy. "Tôi cho rằng mỗi chúng ta nên được có cơ hội tự làm bản thân hoàn hảo hơn và tận hưởng cuộc sống này", Wu nói. "Với tôi, việc mang bầu một đứa trẻ không giúp tôi cảm thấy hạnh phúc hay làm cuộc sống của mình trở nên hoàn thiện hơn".

Câu chuyện về những cô gái không muốn sinh con ở Trung Quốc: Trào lưu hai người lớn, không trẻ em và những hệ lụy - Ảnh 2.

Lối sống hiện đại đầy mới mẻ này đang tạo ra một làn sóng phản đối trong cộng đồng ở Trung Quốc

Những cặp đôi lựa chọn không có con với nhau thường sẽ được gọi với cái tên là DINK (viết tắt theo tiếng Anh của cụm từ "Double incomes, no kids", tạm dịch là "Gia đình có 2 nguồn thu nhập nhưng chẳng có đứa con nào"). Lối sống hiện đại đầy mới mẻ này đang tạo ra một làn sóng phản đối trong cộng đồng ở Trung Quốc, giống hệt với cách mà nhiều cô gái chấp nhận sống độc thân thường bị xã hội chế giễu là "ế" và đã "lỡ thì".

Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn chưa thể thống kê được chính xác số lượng các cặp vợ chồng lựa chọn không có con, bất chấp nỗ lực nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình vào năm 2015 bằng việc khuyến khích người dân sinh thêm con. Theo Báo cáo phát triển gia đình hàng năm, cơ quan phụ trách y tế công nhấn mạnh rằng số lượng các cặp vợ chồng lựa chọn không có con đang "tăng một cách nhanh chóng" và "đạt tới mức độ nghiêm trọng" vào năm 2014 và 2015.

Huang Shuyue, một chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình tại tỉnh Quảng Đông chia sẻ rằng thời trước, chỉ có những cặp vợ chồng bị chứng hiếm muộn mới quyết định không có con với nhau mà thôi. Nhưng hiện nay, tình trạng này lại xảy ra phổ biến đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố - mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp hoặc muốn tránh xa áp lực lẫn sức ép tiền bạc khi phải nuôi dạy 1 đứa trẻ.

"Nhiều khách hàng của tôi đang trong độ tuổi từ 30 đến 40 đều chọn trở thành 1 người theo chủ nghĩa DINK", Huang nói. Nhưng cô cũng không quên cảnh báo rằng khi con người ta trở nên già đi, họ sẽ chắc chắn cảm thấy hối hận khi không có ai cận kề chăm sóc. Thêm vào nữa, quyết định này cũng sẽ vấp phải sự dè bỉu từ người khác. "Trở thành 1 DINK ở một đất nước như Trung Quốc, chắc chắn bạn sẽ phải hứng chịu áp lực từ gia đình và xã hội, bởi việc sinh nở dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ và trở thành một nét văn hóa truyền thống của Trung Quốc".

Huang khuyên những đôi vợ chồng trẻ nên bắt đầu lên kế hoạch có con với nhau, hãy coi việc làm cha làm mẹ là một "trải nghiệm sống không thể thiếu được trong cuộc đời". Cô cũng nhấn mạnh quan điểm cho rằng việc một đứa trẻ ra đời không nhất thiết phải khiến bạn từ bỏ đi công danh sự nghiệp hay các mục tiêu sống khác.

Nhưng đối với Wu, một cô gái trẻ sinh ra và lớn lên tại tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, trước khi chuyển đến sống ở Bắc Kinh để theo đuổi công việc tại một tòa soạn báo vào năm 2008, việc có con sẽ cản trở con đường sự nghiệp của cô. Rất ít công ty ở Trung Quốc có phòng vắt sữa riêng dành cho các bà mẹ trẻ, phần lớn các đồng nghiệp đã có gia đình của Wu đều phải chui rúc vào buồng vệ sinh chật hẹp và tù túng. Nhiều bà mẹ trẻ sợ mình sẽ bị sa thải, nên chấp nhận xin thuyên chuyển sang một vị trí công việc ít áp lực hơn, nhằm có thời gian để lo cho con cái. "Họ luôn miệng than phiền với tôi, và điều đó chỉ làm tôi cảm thấy tội nghiệp cho họ hơn thôi", Wu nói.

Nói một cách miệt thị, Wu cho rằng những người phụ nữ chấp nhận có con gần như sẽ đánh mất chính cuộc sống của bản thân. Mỗi lần gặp gỡ bạn bè, những gì mà Wu được nghe chỉ là về các sản phẩm chăm sóc cho trẻ, hay thậm chí là màu phân của chúng. Chính vì những chủ đề có phần "trái khoáy" ấy mà mối quan hệ thân thiết giữa Wu với bạn bè mình trở nên ngày càng mờ nhạt.

Câu chuyện về những cô gái không muốn sinh con ở Trung Quốc: Trào lưu hai người lớn, không trẻ em và những hệ lụy - Ảnh 3.

Nói một cách miệt thị, Wu cho rằng những người phụ nữ chấp nhận có con gần như sẽ đánh mất chính cuộc sống của bản thân

Áp lực xã hội và cái nhìn nghi ngại từ người khác

Tại một góc khác của thành phố, một cư dân cao tuổi ở Bắc Kinh, bà An Ke, 53 tuổi, tỏ ra đồng cảm với Wu khi nhớ về thời trẻ của mình. Đến bây giờ nhiều người bạn của bà vẫn ủng hộ quyết định không có con của An Ke, bởi vì bà sẽ không phải bận tâm chăm sóc bất cứ đứa cháu ruột nào cả. Tuy vậy, bà An vẫn đau đáu nỗi niềm tiếc nuối vì không thể trở thành một người mẹ đúng nghĩa.

"Mỗi khi chạm mặt ai đó ngần ngừ không dám có con, tôi đều khuyên họ nên thử, bởi đúng ra không có bất cứ thứ gì đúng nghĩa là của bạn, ngoại trừ những đứa con do mình mang nặng đẻ đau cả.", bà An nói. "Có một sự nghiệp thành đạt không nên coi là quan trọng hơn việc trở thành một người mẹ tốt".

May mắn cho An là cha mẹ và gia đình thông gia không gây sức ép bắt buộc bà phải có con bằng mọi giá. An và chồng mình, cả 2 đều có 5 anh chị em, và tất cả họ đều sinh con đẻ cái cả. Cha mẹ đẻ của An, sắp bước vào độ tuổi 80, từng phải vật lộn để nuôi An và anh chị em khôn lớn trong thời điểm hỗn mang nhất mà đất nước Trung Quốc từng trải qua. "Nếu có thêm 1 đứa trẻ nữa được sinh ra và trở thành thành viên của gia đình, điều đó cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến hai cụ cả", bà An nói.

Bà An làm đám cưới vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà nhiều người Trung Quốc bắt đầu thay đổi quan điểm rằng họ có thể lựa chọn việc có con hay không. Thời ấy, lối sống như một DINK thực thụ được coi là bắt chước văn hóa phương Tây, điều mà bà An luôn tôn thờ. Nhưng dần dần qua năm tháng, bà lại nghiêng nhiều về quan điểm truyền thống về hôn nhân gia đình của Trung Quốc. "Chủ nghĩa tự do và sống độc lập của người phương Tây buộc phải đánh đổi với việc bạn ngày càng trở nên xa cách với gia đình hơn", bà chia sẻ. "Được sống tự do theo ý mình là một điều tốt, đặt biệt khi bạn còn trẻ. Nhưng càng về già, bạn sẽ càng có cảm giác muốn được quây quần bên con cháu và những người thân".

Làm việc tại một chi cục thuế ở Bắc Kinh, lịch làm việc hàng ngày của bà An là khá bận rộn. Bà luôn cố gắng dành thời gian rảnh để đi du lịch nước ngoài cùng chồng , hoặc sử dụng chúng vào các sở thích cá nhân như học thư pháp hay học mỹ thuật Trung Hoa. Hai năm tới, bà sẽ nghỉ hưu và bà hi vọng rằng cơ sở vật chất của các viện dưỡng lão sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Bởi vì hiện tại, rất nhiều người già đang phải sống phụ thuộc vào con cháu, trong khi cơ sở y tế chăm sóc lại chưa đáp ứng được tốc độ già hóa dân số đang ngày một nhanh tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Câu chuyện về những cô gái không muốn sinh con ở Trung Quốc: Trào lưu hai người lớn, không trẻ em và những hệ lụy - Ảnh 4.

"Được sống tự do theo ý mình là một điều tốt, đặt biệt khi bạn còn trẻ. Nhưng càng về già, bạn sẽ càng có cảm giác muốn được quây quần bên con cháu và những người thân hơn"

Quay trở lại với Wu, cô không nghĩ rằng việc có con là chiếc phao cứu sinh cho cuộc sống về già sau này. Giống như nhiều thanh niên khác, cô cùng anh trai đều bỏ đi tha hương cầu thực ở nơi đất khách quê người. "Hiện tại bố mẹ chúng tôi đều đã quen với việc phải sống xa con cái rồi, vì thế nên với tôi chuyện sau này nghỉ hưu về già chỉ có đơn côi lẻ bóng một mình cũng không phải là điều gì đó quá ghê gớm.", cô cho biết. Ý tưởng về khái niệm "quầy quần cùng sẻ chia hơi ấm" – một hình thức sinh hoạt mới dành cho những người đã nghỉ hưu khi mà họ có thể cùng dọn chung và sống với bạn bè mình – thực sự khiến Wu cảm thấy thích thú.

Với gia đình người anh trai của Wu, anh sống cùng khu dân cư với Wu và có 1 cô con gái 6 tuổi lẫn 1 cậu con trai này mới được đầy năm tuổi. Bé gái luôn được người dì của mình yêu quý và chiều chuộng. "Nhìn vào cháu mình mà tôi thấy bản thân mình ở đó", Wu nói. Sau khi đứa cháu thứ 2 ra đời, Wu cảm nhận được rằng dường như cả 2 vợ chồng anh trai mình đều hướng sự chú ý và chăm sóc nhiều hơn tới cậu út.

"Vì thế tôi thường dành thời gian với cô cháu gái của mình, mua cho nó quần áo mới – tôi chỉ muốn cháu biết rằng tôi vẫn rất yêu thương nó.", Wu nói. "Đối với tôi, tình mẫu tử chính là tình cảm mà tôi dành cho những đứa cháu của mình, và tôi chắc chắn rằng chúng sẽ dang tay chào đón tôi mỗi khi tôi cần đến chúng".

Trong khi đó, mọi người xung quanh vẫn thôi chưa chì chiết Wu về quyết định có phần táo bạo của mình. Mỗi chuyến viếng thăm họ hàng ở tỉnh Hà Bắc, một tỉnh cách Bắc Kinh không xa, với Wu đó đều là cả 1 sự áp lực. "Bên cạnh bố mẹ, hàng xóm và người thân đều săm soi hỏi xem vì sao vợ chồng tôi chưa có con", cô nói với đôi mắt rưng rung vì bức xúc. Phần lớn cô đều lảnh tránh bằng cách giả vờ rằng mình không nghe rõ được tiếng địa phương.

Jodie Qu, cô gái 23 tuổi tới từ tỉnh Hồ Bắc, đang chuẩn bị chuyển tới sống tại Hong Kong vào tháng 8 để theo học lấy bằng Thạc sĩ. Cô cũng quyết định sẽ không có con trong tương lai. "Trẻ con luôn khiến tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi gia đình họp mặt", cô thừa nhận. "Tôi không dám tưởng tượng đến cảnh sẽ có 1 đứa trẻ suốt ngày quầy rầy tôi cả".

Qu muốn cưới 1 người đàn ông có chung quan điểm với cô ấy. Và bạn trai hiện tại, một chàng trai bằng tuổi, cũng vô tình là người phù hợp với điều đó. Tuy vậy, mỗi lần cô đề cập đến chủ đề này tới bố mẹ, cả hai người đều tỏ ý không ủng hộ. Qu nói: "Bố mẹ luôn nghĩ rằng tôi còn quá trẻ và còn quá ngây thơ khi nghĩ như thế". "Bố mẹ đều cho rằng dần dà tôi sẽ thay đổi quan điểm của mình, rằng có ngày tôi sẽ thích có một đứa con của riêng mình, nhất là khi nhìn thấy cảnh bạn bè đồng trang lứa đều có chồng con đuề huề".

Tuy rất quyết đoán với dự định của mình, chính sự mong đợi từ các bậc sinh thành khiến cô phải cảm thấy ngập ngừng đôi chút. "Tôi không cần có 1 đứa trẻ làm bệ đỡ tinh thần cho mình, nhưng bố mẹ đẻ và cả bố mẹ chồng đều muốn. Có lẽ tôi nên sinh cho họ một đứa cháu thì tốt hơn".

Nguồn: Sixth Tone