Mới 1 tuần trước người ta còn háo hức chờ đón Tết thì giờ đây đã bước sang ngày mùng 7 tháng Giêng. Nếu Tết với nhiều người là niềm vui, là đoàn tụ sum họp thì với gia đình Như là đau đớn, áp lực.

Huỳnh Như (32 tuổi ở Hà Nội) tâm sự: “6 ngày về quê nghỉ Tết với vợ chồng mình là 6 ngày phải diễn kịch – 1 vở hài kịch cho mẹ vui lòng. Mình và anh ấy cưới nhau đã được 7 năm. Cùng nhau trải qua từ sóng gió đến an yên nhưng cuối cùng bọn mình lại quyết định từ bỏ. Lý do rất nực cười khi cả 2 không thể hòa hợp, mỗi ngày nhìn nhau bằng những tiếng thở dài. Một người nói 1 người không muốn nghe, 1 người muốn nghe thì người còn lại không chịu nói. Cứ thế cuộc hôn nhân ấy rơi vào trạng thái ‘thực vật’. Cho đến những ngày cuối năm vừa rồi không thể chịu nổi nữa mình đòi chia tay và anh ấy cũng đồng ý. Chồng mình bảo cận Tết rồi nên về với mẹ vui vẻ ăn cho xong cái Tết đã”.

Và thế là vợ chồng Như cùng về quê với 2 vai diễn “nặng kí”. Cả 100km không ai nói với ai câu nào vậy mà về đến sân nhà họ nhập vai được luôn. Chồng Như khuân vác bao nhiêu đồ mua cho mẹ còn cô thì xăng xái dọn dẹp. Nhìn con cháu về bà vui lắm còn bảo con dâu: “Vào mà nghỉ ngơi đi con cơm nước mẹ nấu xong hết rồi, bánh chưng giò gói hết rồi không phải làm gì hết”.

Câu chuyện vườn rau của mẹ sau Tết cứu vãn cả 1 cuộc hôn nhân - Ảnh 1.

Trước mặt mẹ chồng Như hay họ hàng, hàng xóm, 2 vợ chồng vẫn rất tình cảm với nhau đến mức con họ cũng phải thắc mắc.

Tối 29 Tết 2 bà cháu ngồi nói chuyện với nhau, con bé nhà Như hồn nhiên nhận xét: “Về quê vui thật bà ạ, bố mẹ cháu không ‘cắm mặt’ vào điện thoại, laptop nữa, chịu chơi với cháu rồi. Bà không biết đâu, có khi cả tuần bố mẹ cháu không nói với nhau 1 câu ấy”. Nghe thấy thế bà an ủi: “Cũng vì bố mẹ mải kiếm tiền lo cho tương lai 2 chị em thôi. Các cháu phải thương bố mẹ nhiều hơn”.

Như vội vàng kéo con vào buồng trong để bà đi ngủ. Bất giác không còn ai mẹ chồng Như nhìn lên di ảnh bố chồng cô rưng rưng nước mắt. Bà than thở: “Thế là đã đến cái Tết thứ 2 bố bỏ mẹ con mình đi rồi đấy. Bố đi đột ngột quá cũng không trăng trối được câu gì. Mẹ mong các con yêu thương nhau. Chúng ta có thể bị đánh bại trước cái chết nhưng khi còn có cơ hội được sống hãy trân trọng nó, trân trọng nhau con ạ. Bớt bớt việc đi một chút mà dành thời gian cho nhau, cho gia đình, đừng để âm dương cách biệt mới nuối tiếc thì quá muộn rồi”.

Đêm ấy Như nắm tay mẹ chồng, nghe bà kể những câu chuyện thời thơ bé của chồng cô. Có chuyện vui, có chuyện buồn nhưng Như không cần diễn, cô được sống thật với cảm xúc của chính mình.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, Như nhìn chồng với ánh mắt dịu dàng hơn 1 chút. Suốt những ngày sau họ tương tác nhiều hơn, cùng nhau dọn nhà, cùng nhau đi chợ, cùng nhau chạy quanh vườn rồi cười ngây ngốc để bắt 1 con gà. Như chợt nhận ra, có lẽ cô vẫn còn yêu chồng mình rất nhiều.

Thấm thoát cũng đã 6 ngày nghỉ trôi qua, đã đến ngày họ phải lên thành phố. 5h sáng đã thấy mẹ chồng Như ra vườn tỉa đỗ, cắt từng cây bắp cải, súp lơ, xà lách… Đó là mảnh vườn mà nhiều người mơ ước được bố mẹ chồng Như chăm sóc từ rất lâu. Ông bà chịu khó sớm hôm cũng là để có rau sạch gửi lên cho các con ăn.

Câu chuyện vườn rau của mẹ sau Tết cứu vãn cả 1 cuộc hôn nhân - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Như ra vườn phụ mẹ mang từng rổ rau vào. Tháo đôi ủng bà cười tươi dặn dò các con: “Mẹ làm cho 2 con gà rồi đấy với 3 chục trứng gà so ngon lắm. Mang hết lên ở nhà mẹ có ăn mấy đâu”.

Tỉ mẩn chia từng loại rau mẹ chồng Như nâng niu cây bắp cải: “Bố mày thích ăn bắp cải lắm đây này. Ông ấy ăn cả tháng được, luộc rồi xào, muối dưa nên mẹ cứ thay đổi các loại rau mà chả nỡ phá mấy luống bắp cải”.

Nhìn sắc mặt của mẹ chồng thay đổi bỗng dưng mắt Như nhòe nước. 100km quay trở lại Hà Nội cuối cùng vợ chồng cô đã chịu nói chuyện với nhau. Dù là những câu nói bâng quơ không đầu không cuối, còn ngại ngùng như thuở mới yêu nhưng đó cũng là tín hiệu tốt.

Vậy đấy, hôn nhân rất quan trọng nên không thể chán là buông, muốn là bỏ. Có những người muốn được tiếp tục yêu thương mà không còn cơ hội thì sao chúng ta lại bỏ phí những tháng ngày còn được bên nhau!