Ông Lee Kean Siong, 62 tuổi, chủ tiệm giày Lee Hoi Wah và chị gái Christine Lee, 64 tuổi là những người làm giày cho cựu thủ tướng Lý Quang Diệu từ năm 1991, sau khi cha của họ là ông Lee Hoi Wah đã mất ở tuổi 74. Bà Kha Ngọc Chi, vợ cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, chính là người đầu tiên bảo trợ cửa hàng giày của gia đình vào năm 1987. Ông Lee Kean Siong đã kể câu chuyện xúc động về những đôi giày giản dị của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu.
Ông Lý Quang Diệu là khách hàng của gia đình chúng tôi trong hơn 20 năm kể từ năm 1990. Chúng tôi bắt đầu làm giày cho bà Lý và khi chồng bà cần giày, bà đã đề nghị chúng tôi làm giày cho ông. Cha chúng tôi là người đầu tiên đóng giày cho ông Lý Quang Diệu. Khuôn giày đầu tiên của ông Lý đến nay vẫn còn trong cửa hàng. Sau khi cha tôi qua đời, tôi và chị tôi tiếp tục làm giày cho ông Lý.
Ông Lý thường làm một đôi giày sau mỗi hai năm. Chúng luôn làm một đôi giày đơn giản bằng da mềm màu đen khá thoải mái. Bất cứ khi nào ông cần làm hay chỉnh sửa giày, ông sẽ liên hệ với tôi. Tôi thường đến nhà của ông ở Oxley Road. Đôi khi, ông Lý sẽ gửi một chiếc xe đến đón tôi tại cửa hàng ở Jalan Kukoh.
Ông Lý đã đến thăm cửa hàng của tôi hai lần vào năm 2011 khi ông ít bận rộn. Tôi đã xin lỗi ông vì cửa hàng của tôi khá bẩn. Ông Lý nói rằng đó không phải là vấn đề gì lớn lao, ông chỉ muốn đến thăm tôi và tham quan cửa hàng. Chúng tôi đã chụp một bức ảnh kỷ niệm trong chuyến đến thăm thứ hai của ông.
Cả hai chúng tôi đều là người Hakka (một tộc người Hán có tổ tiên được cho là gốc gác ở khu vực các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây ở miền Bắc Trung Quốc cách đây 2700 năm) và đều có chung họ Lý. Chủ đề trò chuyện của chúng tôi xoay quanh giày dép. Mỗi khi tôi làm đôi giày đẹp và bền cho ông Lý, ông đều cảm thấy hạnh phúc và mỉm cười làm tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lây. Vệ sĩ của ông Lý Quang Diệu nói với tôi rằng ông Lý đã khen ngợi những đôi giày tôi làm với các du khách nước ngoài.
Chi phí những đôi giày cửa hàng tôi làm khoảng 300 USD, chi phí chỉnh sửa khoảng 30USD, nhưng chúng tôi thường giảm giá 5 phần trăm cho ông Lý. Tôi thường sử dụng những khuôn mẫu giày đo chân ông Lý mà tôi đã có, chúng chỉ thay đổi một chút. Ông Lý luôn cần thêm một miếng lót chân cho vào giày. Khi ông Lý già đi, xương chân của ông nhô ra theo thời gian.
Ông Lý đã gửi cho gia đình chúng tôi vài thứ trong những năm qua. Trong suốt 20 năm, từ những năm 1990, chúng tôi luôn nhận được thiệp chúc mừng năm mới cùng hình ảnh gia đình ông. Đôi khi ông Lý còn gửi cho chúng tôi những giỏ trái cây nữa.
Càng lớn tuổi, ông càng ít viết. Ông thường viết tên tôi trên thiệp chúc mừng nhưng những năm gần đây thì tôi không còn thấy ông viết nữa. Chữ ký của ông cũng đã ngắn hơn và dường như chữ viết tay của ông ngày một yếu hơn. Năm 2004, ông Lý gửi cho chúng tôi một quyển sách về cuộc đời ông “Lee Kuan Yew: A Pictorial Biography”.
Có một lần, ông Lý Quang Diệu đã gửi cho chúng tôi một vật trang trí pha lê xinh đẹp, dường như có giá từ 200 – 300 USD. Ông đã viết một bức thư đi kèm món quà thế này “Bằng tất cả niềm yêu mến và tình bạn của tôi, tôi chúc cho sự nghiệp và cửa hàng của ông luôn thịnh vượng và phát triển”.
(Theo Strais Times)