Hệ thống tiếng Việt gồm 29 chữ cái cùng 5 thanh dấu tạo nên những tiếng, những câu khác nhau trong quá trình biểu thị nội dung. Cùng chỉ một sự vật, sự việc nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Điều này khiến người nước ngoài "chào thua" khi học tiếng Việt. Để có thể học và hiểu được tiếng Việt đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, chăm tìm tòi trong khoảng thời gian dài.

Từ hệ thống chữ cái, dấu câu, chúng ta có thể sáng tạo nên vô vàn câu đố chữ hóc búa nhưng không kém phần thú vị. Việc giải những câu đố vừa để giải trí, vừa giúp nâng cao vốn hiểu biết, rèn luyện tư duy. 

Còn bây giờ, bạn hãy thử trí thông minh, sự nhanh nhẹn với câu đố sau nhé: 

"Cá gì hay bắt chước người khác?".

"Bắt chước người khác" hay còn gọi là "sao chép" lại. Vì vậy, câu đố chữ này có đáp án là: CÁ CHÉP. Thật bất ngờ và thú vị phải không nào? 

Tuy nhiên, cá chép không biết… sao chép đâu nhé! Đây chỉ là câu đố chữ mang tính giải trí, bạn không nên hiểu theo nghĩa đơn thuần. 

Cho những ai chưa biết, cá chép có tên khoa học là Cyprinus carpio, là một loài cá nước ngọt phổ biến rộng khắp thế giới. Chúng có quan hệ họ hàng xa với cá vàng thông thường và có khả năng lai giống với nhau. 

Cá chép có nguồn gốc ở châu Âu và châu Á. Loài cá này đã được đưa vào các môi trường khác trên toàn thế giới. Cá chép có thể lớn tới độ dài tối đa khoảng 1,2m, nặng 37,3kg, tuổi thọ lên đến 47 năm. Tuy nhiên, những giống sống trong tự nhiên hoang dã có xu hướng nhỏ và nhẹ hơn khoảng 20 – 33% kích cỡ và khối lượng cực đại trên. 

Câu đố tiếng Việt: "Cá gì hay bắt chước người khác?" - Ảnh 2.

Cá chép là loài cá phổ biến tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Mặc dù cá chép có thể sống trong nhiều điều kiện khác nhau nhưng nói chung, chúng thích môi trường nước rộng với dòng chảy chậm, nhiều trầm tích thực vật mềm (rong, rêu). Chúng thường sống thành bầy, ưa tạo nhóm khoảng 5 cá trở lên. 

Cá chép là loài ăn tạp, chúng ăn gần như mọi thứ khi chúng bơi ngang qua, bao gồm các loại thực vật thủy sinh, côn trùng, giáp xác. Loài cá này cũng thích sục sạo trong bùn đất để kiếm mồi. 

Trong môi trường sống ổn định, cá chép phát triển đàn rất nhanh. Một con cá chép khi đẻ có thể tới 300.000 trứng/lần, Tuy nhiên, số trứng đó không phải tất cả đều nở thành con và cũng không phải tất cả con non đều sống sót. 

Giới nghiên cứu cá nước ngọt thế giới chia cá chép thành 4 phân loài: Cá chép châu Âu có nhiều ở sống Danube và sông Volga; cá chép Deniz có nhiều ở vùng Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ; cá chép Amuz có nguồn gốc ở miền Đông Á và cá chép Đông Nam Á. Sau này, cá chép được nhập cư vào Bắc Mỹ. Tại đây, do môi trường sống thuận lợi, chúng phát triển rất nhanh. 

Tại nhiều quốc gia, cá chép là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn. Với người Việt Nam, cá chép càng trở nên thân thuộc. Người ta có thể chế biến nhiều món ăn ngon từ loài cá này. Loài cá này chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của con người.