Là một ngôn ngữ đơn âm tiết, có thanh điệu lại rất nhiều từ gốc Hán nên tiếng Việt có nhiều từ đồng âm, gần âm, đồng nghĩa, gần nghĩa. Nhờ vậy những đầu óc hài hước người Việt tạo ra những cách nói lái, chơi chữ tài tình, lắt léo.
Chẳng hạn với câu hỏi đoán từ: "Từ gì bỏ đầu thành tên quốc gia, mất đuôi ra một loài chim?" khiến nhiều người vò đầu bứt tai. Đáp án chính là Cúc (Bỏ C thành Úc, bỏ C thành Cú). Hay một câu đố chữ khác cũng lắt léo không kém, trả lời được IQ của bạn cũng không phải dạng vừa:
Để NGUYÊN ba cây chụm lại, thêm SẮC nhảy lên đầu, thay NGÃ thành màu lá chuối, là chữ gì?
Chữ nào mà "vi diệu" đến thế nhỉ? Đó chính là chữ NON (Núi - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao) - Thêm dấu sắc thành NÓN (nhảy lên trên đầu) - thay dấu ngã thành NÕN (màu lá chuối). Quả thật chỉ nghĩ đáp án thôi cũng mất cả thanh xuân.
Dù là tiếng mẹ đẻ đi nữa thì tiếng Việt với mỗi chúng ta chưa bao giờ là ngôn ngữ "dễ xơi" cả. NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: "Tiếng Việt được chúng ta sử dụng thường xuyên vì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ với mục đích đơn giản nhất là để truyền đạt. Nhưng bên cạnh đó nếu tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy Tiếng Việt xứng đáng được nghiên cứu và sử dụng nhuần nhuyễn, am hiểu ngọn ngành".