Hãy thử đoán xem, câu đố chữ này đang nhắc đến 2 con vật nào nhé. Nếu đoán trúng thì đầu óc bạn "nảy số" nhanh ra trò đấy! Nội dung câu đố như sau:

"Để nguyên nhỏ bé, nhát gan, bỏ sắc thêm nặng thành loài gian manh", là con gì?

Hãy tập trung suy nghĩ xem, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có những loài động vật nào thường được nhắc đến với tính cách nhát gan và gian manh nhé. Theo dữ liệu câu đố đưa, con vật được nhắc đến trong vế thứ 1 có ngoại hình nhỏ bé và trong tên có dấu sắc, còn con vật thứ 2 tên có dấu nặng.

Hãy thử dành 1 phút, suy nghĩ và tưởng tượng thật rộng ra nhé. Còn nếu chưa đoán ra thì xin mách bạn luôn, đó là: Con Tý (Chuột) và con Tỵ (Rắn).

Nói về con Tý (chuột), đây là loài vật rất phổ biến, đông đảo, vừa tinh ranh, láu lỉnh, vui nhộn, vừa ngộ nghĩnh, nhút nhát, rụt rè và cũng độc đáo, giàu ý nghĩa biểu tượng. Chuột được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ rộng rãi mà thâm thúy của người Việt Nam…

Về tính nhút nhát, hình ảnh chuột được đưa vào nhiều câu ca dao, tục ngữ như:

- Len lét như chuột ngày: Nhút nhát, sợ sệt, đi nhẹ với vẻ dè chừng vì sợ người khác trông thấy.

- Thì thụt như chuột ngày: Đi lại, ra vào lén lút, biểu hiện những việc ám muội, thiếu đứng đắn.

- Trốn như chuột: 1. Sợ hãi, hốt hoảng bỏ chạy; 2. Lẩn trốn vào những nơi ngóc ngách, khó tìm.

Chúng ta cũng có câu so sánh những người nhát gan là có "lá gan chuột nhắt".

Còn về con Tỵ (rắn), trong văn hóa dân gian, con vật này thường được khắc họa là có tính cách gian xảo, ác độc. Chẳng hạn, hay có câu so sánh "tâm địa rắn độc", "tâm địa rắn rết"... Một số câu thành ngữ có nhắc đến con rắn như: "Rắn đổ nọc cho lươn", "cõng rắn cắn gà nhà", "khẩu phật tâm xà" ("xà" cũng là từ chỉ rắn)...