Hãy thử đoán xem, cặp từ được nhắc đến trong câu đố chữ sau là gì: "Để nguyên tắc nghẽn họng, bỏ huyền bỗng nảy nở sinh sôi"? Bật mí với bạn, từ được nhắc đến trong vế đầu của câu đố chỉ một thứ gây ám ảnh cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nó có nhiều màu sắc như trắng, vàng, xanh lá cây, nâu, đen,...
Nói đến đây, có lẽ nhiều người đã đoán được ngay cặp từ mà câu đố đang nhắc đến là gì. Đó chính là "đờm" và "đơm".
Theo đó, "đờm" chính là chất nhầy được tiết ra từ các tế bào ở đường hô hấp dưới. Nó có thể chứa cả chất lạ được hít vào phổi, tế bào miễn dịch hay các tế bào bạch cầu.
Chất nhầy này có tác dụng bẫy vật lạ để lông mao ở trong đường thở làm sạch và tống nó ra khỏi phổi. Ngoài ra, nó cũng có chứa các tế bào miễn dịch nhằm nhấn chìm hay tiêu diệt vi khuẩn để chúng không thể tồn tại trong phổi và gây ra nhiễm trùng. Tuy nhiên khi tăng tiết quá mức, đờm sẽ có xu hướng đậm đặc tạo cảm giác vướng víu khó chịu ở cổ họng.
Trong trường hợp nhiễm trùng, vi khuẩn cũng có thể chứa trong đờm. Máu cũng có thể có trong đờm khi bị ung thư phổi, chấn thương đường hô hấp hay tổn thương đường thở hoặc phù phổi. Đờm có thể sẽ được dùng để phân tích ở trong phòng thí nghiệm nhằm đánh giá nhiễm trùng hoặc tìm kiếm ung thư.
Trong khi đó, "đơm" (động từ) được định nghĩa: Nảy sinh ra từ cơ thể thực vật. Chẳng hạn "đơm hoa kết trái"; "lúa đã đơm bông";... Đồng nghĩa với từ này là "đâm".
Ngoài ra, "đơm" cũng có nhiều nghĩa khác như:
- (Động từ): Lấy thức ăn từ xoong nồi ra bát, đĩa,... Chẳng hạn "đơm cho một bát thật đầy"; "đơm xôi ra đĩa".
- (Động từ): Khâu cho bộ phận phụ (như khuy, dải,...) dính liền vào quần áo. Chẳng hạn "đơm lại cái cúc áo bị đứt".
- (Động từ): Dùng đơm hoặc lờ để bắt cá.
- (Phương ngữ, Khẩu ngữ): Bố trí sẵn để lừa bắt hoặc để đón đánh. Chẳng hạn "phục sẵn để đơm địch".
- (Danh từ): Đồ đan bằng tre đặt ở chỗ nước chảy để đón bắt cá.