Lại thêm một câu đố chữ cực kỳ thú vị, thử thách khả năng suy luận của bạn đây:
"Hổ gì có rất lắm chân, đầu to hơn thân, sống ở dưới nước?"
Đây là một câu đố chữ, nên chúng ta không thể suy nghĩ theo hướng thông thường được đâu, mà phải phân tích từng vế và nghĩ đến các từ đồng nghĩa nhé. Tất nhiên là chẳng có loài hổ nào sống dưới nước cả. Thay vào đó, hãy nghĩ tới loài vật nào "sống ở dưới nước" mà có tên gọi liên quan đến "hổ" nhé.
Nói đến đây, có phải bạn nghĩ đến loài cá hổ với hàm răng nhọn hoắt cực kỳ đáng sợ hay không? Nhưng khoan, hãy nghĩ đến các dữ liệu "rất lắm chân" và "đầu to hơn thân", như vậy thì "cá hổ" chắc chắn không phải đáp án đúng rồi.
Vậy thì còn loài dưới nước nào có tên liên quan đến hổ nữa nhỉ? Hãy nghĩ rộng ra một chút, tìm những từ đồng nghĩa với "hổ" nhé, ta có những từ gì nào? Đếm sơ sơ một số từ như: cọp, hùm, kễnh, khái,... Khoan, lướt qua từ "hùm", bạn nghĩ đến loài nào? Đúng rồi, đó chính là "tôm hùm", một loài sống ở dưới, lắm chân và có cái đầu to cồng kềnh! Quả là một pha chơi chữ đầy hóm hỉnh.
Nhắc đến "tôm hùm", đây là tên gọi chung của nhóm giáp xác mười chân thuộc 4 họ: Palinuridae, Scyllaridae, Nephropidae và Synaxidae, giữa chúng có những điểm đặc trưng về tập tính và môi trường sống. Với sự phong phú về thành phần giống loài, chúng tạo nên mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn và có vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái của biển và đại dương.
Ở Việt Nam, cho đến nay đã xác định được 9 loài thuộc họ tôm hùm gai (Palinuridae), 9 loài thuộc họ tôm mũ ni (Scyllaridae) và 4 loài thuộc họ Nephropidae. Trong đó, một số loài thuộc họ tôm hùm gai được nuôi phổ biến hiện nay như tôm hùm Bông (tôm hùm Sao, tôm hùm Hèo), tôm hùm Đá (xanh chân ngắn), tôm hùm Đỏ (hùm lửa), tôm hùm Sỏi (xanh chân dài, hùm ghì), tôm hùm Tre (Tề Thiên).
Trong tự nhiên, tôm hùm là động vật ăn tạp, thường đi kiếm ăn và ăn mồi nhiều vào chiều tối; chúng thích các loại mồi sống như tôm, cua, ghẹ đang lột xác, sò, vẹm hoặc cá rạn…
Thức ăn là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất cho tôm hùm sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, chúng chỉ sử dụng 7 – 10% lượng thức ăn ăn vào cho tăng trọng cơ thể; còn lại tiêu tốn vào các quá trình hoạt động sống khác. Nhu cầu dinh dưỡng của tôm hùm khác nhau tùy từng giai đoạn phát triển, tôm càng nhỏ nhu cầu dinh dưỡng càng cao, ở giai đoạn trước lột xác 2 – 5 ngày tôm ăn rất mạnh và ngược lại ở giai đoạn lột xác chúng sẽ ăn ít lại.