Giải đố là trò chơi "quốc dân" được nhà nhà, người người yêu thích. Bởi trò chơi này khá đơn giản, không cần chuẩn bị nhiều dụng cụ, đồ dùng. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị những câu đố thú vị và hóc búa. Trò giải đố đem lại nhiều lợi ích đối với người chơi như: Nâng cao khả năng tư duy và phán đoán, cải thiện vốn ngôn từ, tích lũy thêm kiến thức,…
Nếu bạn là người yêu thích trò giải đố thì không thể không biết đến chương trình Nhanh như chớp – kho tàng kiến thức khổng lồ với nhiều câu đố thú vị. Mỗi tập phát sóng, MC Trường Giang và MC Hari Won sẽ đưa ra những câu đố "hack não" và nhiệm vụ của người chơi là trả lời trong thời gian ngắn nhất.
Trong một tập phát sóng, chương trình đã đưa ra 1 câu đố hóc búa như sau:
"Ở nhà bằng cỡ bắp tay, ra đường bành trướng to bằng cái nia là cái gì?".
Người có chỉ số IQ cao, phản xạ nhanh không mất đến 5 giây để đưa ra câu trả lời. Đáp án chính xác là: CHIẾC Ô.
Khi không sử dụng đến, chúng ta sẽ xếp ô lại và buộc dây cẩn thận. Lúc này, chiếc ô chỉ bé như bắp tay. Nhưng khi ra ngoài đường, chiếc ô sẽ được mở rộng ra, có hình dáng giống chiếc nia để làm nhiệm vụ che nắng mưa cho con người.
Cung cấp thêm một chút kiến thức thú vị thì chiếc ô hay còn được là dù - đây là một loại dụng cụ, đồ vật cầm tay dùng để che mưa, che nắng hoặc làm đẹp. Phụ nữ hoặc giới quyền quý ngày xưa thường dùng ô có màu sắc sặc sỡ và nông lòng hơn. Ô là vật dụng quen thuộc, được thiết kế gồm cán ô (hay thân dù, giống cây gậy ba toong) và lọng ô - tấm vải có hình cây nấm để che chắn. Tấm vải này được gắn cố định vào cán ô và có khả năng xòe, gấp để có thể cụp hoặc bật ô hay xếp gọn lại.
Chiếc ô có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sử dụng thông dụng trên thế giới ngày nay. Trong lịch sử, ô cũng được phát hiện tại các khu vực văn minh như: Trung Đông, Hy Lạp cổ, Ai Cập, La Mã, Ấn Độ,… Ở một số nước, việc che ô, lọng là hoạt động phô trương của tầng lớp quyền quý, giàu có. Những người phụ nữ khoác trên mình bộ đầm sang trọng, chiếc mũ vải và dùng ô là hình ảnh tiêu biểu cho một quý cô ở phương Tây thời trung và cận đại. Còn ở Nhật Bản, hình ảnh một thiếu nữ mặc kimono che ô là hình ảnh khá phổ biến.
Ngoài ra, chiếc ô hiện diện trong văn hóa và cả trong tiếng Việt. Thuật ngữ "ô dù" còn dùng để bóng gió về việc bao che của cấp trên cho cấp dưới; hoặc chỉ về người nâng đỡ.
Hình ảnh chiếc ô còn được in trên hàng hóa dùng để ký hiệu quy định loại hàng hóa cần được bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời, tránh ẩm ướt. Bên cạnh đó, một vài phần mềm diệt virus cũng dùng hình ảnh chiếc ô làm biểu tượng cho sản phẩm của mình.