"Làm giá", "giữ giá" chắc chắn là những cụm từ quen thuộc khi nhắc đến một cô gái hay một người phụ nữ nào đó. Chẳng hạn chúng ta vẫn thường hay nói: "Con gái phải kiêu kiêu một tý mới có giá", "Con gái đừng để mất giá", "Con gái nhất định phải giữ giá",… Từ "làm giá" được nhắc đến ở đây chỉ sự tự cao, kiêu hãnh, ra vẻ ta đây. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của từ "làm giá", "giữ giá" không?
Người ta vẫn thường trêu phái nữ rằng: "Những cô nàng hay đỏng đảnh, kiêu kỳ là "giá" xào thịt bò mới ngon, chứ giữ trong người thì xanh mắt vì ế". Vậy "giá" ở đây có phải là giá đỗ - món ăn hàng ngày của chúng ta và "làm giá" nghĩa là làm giá đỗ? Cách giải thích này không hợp lý nên đã bị bác bỏ ngay lập tức. "Giá xào thịt bò" chỉ là cách mọi người mượn hiện tượng từ đồng âm để trêu đùa các bạn nữ.
Ngoài ra, còn một cách nói khác là: "Làm như bản thân mình cao giá lắm!" khiến nhiều người cho rằng, từ "giá" có hàm nghĩa là giá cả, giá trị. Như vậy, "làm giá" theo nghĩa kiêu căng, ngạo mạn cũng giống với làm tăng giá cả, làm quá giá trị bản thân để người ta cảm thấy ngưỡng mộ, khao khát có được. Cách giải thích này có phần hợp lý.
Tuy nhiên, căn cứ vào một số tài liệu, "giá" ở đây chính là giá sách. Nghe tới đây, chắc chắn nhiều người phản biện bởi có phần phi lý, không phù hợp. Tuy nhiên, từ "giá sách" trong Tiếng Trung có nghĩa là "giá tự". Nghĩa bóng của từ này chỉ thái độ nghênh ngang, kiêu căng, ngạo mạn.
Người Trung Quốc có thành ngữ: "Bài giá tự" (Tức là phô bày giá sách) để chỉ sự khoa trương. Từ "làm giá" mà chúng ta thường dùng vốn được bắt nguồn từ hàm nghĩa này. Như vậy, rất có khả năng ý tưởng trên đã lan truyền đến Việt Nam, tạo nên cách nói "làm giá" để chỉ sự tự mãn. Và "giá" ở đây không phải là giá cả, mà là giá sách.
Tương tự, từ "ở giá" vốn dùng để chỉ người con gái không lấy chồng, không lập gia đình. Nhiều người cho rằng, "giá" ở đây trong từ "xuất giá", nghĩa là cô dâu. Tuy nhiên, không lấy chồng thì làm sao có thể trở thành cô dâu được?
Từ "giá" lúc này có thể hiểu theo 2 nghĩa. Nghĩa đầu tiên, "giá" là "tự ở vào khuôn (giá), không đi theo chồng". Hoặc hiểu theo nghĩa thứ hai, "giá" là "tự mình giữ danh giá, không phục tùng theo chồng". Dù hiểu theo cách nào thì đây cũng là nguồn kiến thức thú vị, hữu ích!
Tóm lại, từ "làm giá" không phải là "giá xào thịt bò", cũng không phải là "giá tiền, giá trị". Từ "làm giá" có nguồn gốc từ Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ "giá sách" với nghĩa bóng chỉ sự khoa trương, ngạo mạn, nghênh ngang.
Thế mới thấy Tiếng Việt đa dạng và phong phú biết chừng nào! Trong quá trình hội nhập và thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, xu hướng vay mượn từ nước ngoài là điều tất yếu. Bởi không phải mọi ngôn ngữ đều có đủ vốn từ vựng để định nghĩa cho tất cả các khái niệm. Do đó, việc chuyển ngữ từ vựng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là điều cần thiết. Khi vay mượn tiếng nước ngoài đặt ra yêu cầu biểu thị đúng ý nghĩa nhưng vẫn đảm bảo gìn giữ bản sắc ngôn ngữ Tiếng Việt.
Trong hệ thống từ mượn Tiếng Việt, từ mượn Tiếng Hán hay còn gọi là Hán Việt được sử dụng nhiều và đóng vai trò quan trọng nhất. Do Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, hơn nữa Việt Nam từng trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc dẫn đến có nhiều nét tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa.