Vào ngày 13/6, một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Đoạn video ghi lại hình ảnh một con cá trắm cỏ bị mắc kẹt bởi một vật thể tròn, sáng bóng, giống hệt một chiếc lắc tay.

Đáng chú ý, dù bị chiếc vòng xiết chặt cơ thể, con cá vẫn có thể bơi lội bình thường. Người quay video cho biết sự việc hy hữu này được ghi nhận tại thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Theo lời kể của người quay video, anh chưa bao giờ chứng kiến điều gì kỳ lạ đến thế trong suốt hơn 10 năm đánh bắt cá của mình.

Câu được con cá trắm cỏ đeo "lắc vàng", người đàn ông hoảng hốt: 10 năm nay chưa từng gặp!- Ảnh 1.

Sau khi đăng tải, hình ảnh con cá trắm cỏ bị mắc kẹt bởi chiếc "lắc tay" khiến nhiều người xem không khỏi kinh ngạc và tò mò. Thông thường, nếu một con cá bị vật gì đó mắc kẹt thì sẽ khó thoát ra và rất có thể sẽ chết. Nhưng con cá này vẫn sống bình thường. Nhiều người dân địa phương cho rằng, vật thể mà con cá trắm vô tình "mang" trên mình có thể là rác thải. Con cá có thể đã bị mắc kẹt từ khi còn nhỏ và "chiếc lắc tay" đã theo nó lớn lên. Điều này lý giải cho việc con cá vẫn có thể bơi lội bình thường.

Dù chưa có lời giải đáp chính xác cho hiện tượng kỳ lạ này, sự việc một lần nữa nhắc nhở chúng ta về ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Việc xả rác bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn có thể gây nguy hiểm cho các loài sinh vật sống trong môi trường đó.

Theo Techwire, Trung Quốc thải ra khoảng 235,1 triệu tấn chất thải rắn vào năm 2020 và đang trên đà tạo ra 326 triệu tấn vào năm 2030. Việc thiếu các cơ sở chôn lấp dẫn tới đốt chất thải là giải pháp được áp dụng hàng đầu dù tốn nhiều công sức, tài nguyên và thải ra nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Báo cáo năm 2023 của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc phân tích các khu vực ven biển nước này cho thấy cứ mỗi km vuông mặt nước có 3.719 mảnh rác trôi nổi. Nhựa là loại rác thải biển được tìm thấy với số lượng lớn nhất - ở mức 89,8% - bao gồm bọt biển, túi, chai, bao bì và lưới đánh cá.

Nhựa cũng là loại rác thải được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển ở Trung Quốc với tỷ lệ 79,1%. Cứ mỗi km vuông, bề mặt bãi biển người ta tìm thấy 46.311 mảnh rác nhựa.

Tổng hợp