Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia tìm ra nhà vô địch với suất học bổng trị giá 40.000 USD (khoảng 900 triệu đồng) nên tất nhiên các câu hỏi trong chương trình cũng "khoai" rồi. Nhiều câu hỏi không có trong chương trình phổ thông, yêu cầu thí sinh phải đọc nhiều tài liệu bên ngoài cũng như chăm xem chương trình thời sự, ngoài ra còn phải nhanh trí để giải các câu đố mẹo nữa.

Trong trận chung kết Olympia năm thứ 14 diễn ra cách đây 8 năm, ở phần thi giao lưu khán giả giữa các đầu cầu chung kết, có 1 câu hỏi với nội dung khá lắt léo khiến không khí trường quay thêm phần sôi động. Câu hỏi có nội dung:

Vàng xanh tím đỏ đủ màu,

Uống hơi ăn gió lớn nhanh lạ thường,

Bụng no bay khắp tứ phương,

Bụng đói nằm xẹp hết đường giao du

Là cái gì?

Câu hỏi Olympia: Từ tiếng Việt nào Vàng - Xanh - Tím - Đỏ đủ màu? - Đáp án hoá ra dễ không tưởng - Ảnh 1.

Trước câu hỏi này, rất nhiều đáp án đã được hàng ngàn học sinh từ 4 điểm cầu góp ý. Trong đó, 3 đáp án được đưa ra là bóng bay, con diều, cầu vồng.

Tuy nhiên đáp án chỉ có 1, đó là bóng bay.

Tất nhiên rồi, bóng bay thì đủ loại màu sắc, và để cho chúng có thể căng và tròn thì phải cho chúng "uống" hơi, "ăn" gió, nếu thiếu 2 yếu tố này thì chúng chỉ xẹp lép và nằm 1 chỗ mà thôi.

Còn ở trong trận chung kết năm thứ 21, cũng ở phần thi đố vui giữa các điểm cầu, chương trình đã đặt ra thử thách đố mẹo về tiếng Việt để làm khó học sinh 4 trường. Câu hỏi có nội dung như sau:

Chữ này chí khí lắm thay

Nếu đổi dấu hỏi thứ mình hay thêu

Dấu nặng gọi chị thật kêu

Dấu huyền chiếc bút chiếc mình vẽ tranh

Nếu nhanh bỏ dấu thì thành

Những bộ phận chính trên cơ thể mình?

Câu hỏi Olympia: Từ tiếng Việt nào Vàng - Xanh - Tím - Đỏ đủ màu? - Đáp án hoá ra dễ không tưởng - Ảnh 2.

Ngay khi vừa dứt câu hỏi, các học sinh từ các điểm cầu đã nhanh chóng đưa ra đáp án của mình, và tất nhiên đáp án này hoàn toàn trùng khớp với câu trả lời của chương trình, đó là chữ CHÍ.

Chí trong từ điển tiếng Việt được định nghĩa là từ để biểu thị ý muốn bền bỉ nhằm theo đuổi một mục đích, một điều gì tốt đẹp, ví dụ như "nuôi chí lớn", "có chí làm giàu".

Nếu thay thế từ chí bằng các dữ kiện tiếp theo của đoạn thơ, ta thấy được rằng các chữ đều hoàn toàn phù hợp.

Trong đó "chỉ" là sợi dây bằng sợi xe chặt, dài và mảnh, dùng để khâu, thêu, may vá.

Chị là từ rất quen thuộc, dùng để gọi người phụ nữ cùng một thế hệ trong gia đình, trong họ, nhưng thuộc hàng hoặc vai trên, trong quan hệ với em của mình. Từ này cũng dùng để chỉ hoặc gọi người phụ nữ lớn tuổi hơn mình, coi như chị, hoặc để người phụ nữ tự xưng với người ít tuổi hơn, coi như em.

Chì tức là bút chì màu, thứ được dùng để vẽ tranh và tất nhiên nếu bỏ các dấu trong từ chí ban đầu, ta được từ chi tức nói về tay, chân của con người nói riêng và sinh vật có xương sống nói chung.

Đúng là những câu hỏi trong trận chung kết, dù chỉ là màn giao lưu giữa các điểm cầu thôi nhưng cũng đau đầu lắm chứ chẳng đùa!