Tối 11/9, trên trang cá nhân, Nhâm Hoàng Khang đã tuyên bố sẽ chứng minh Quỹ từ thiện Hằng Hữu có 280 tỷ đồng, đầy đủ sao kê từ A đến Z, tối đa trong 3 ngày.
"Mình sẽ chứng minh quỹ Hằng Hữu 280 tỷ đồng, đầy đủ sao kê từ A-Z. Nếu tôi không làm được, tôi không phải họ Nhâm. Max 3 ngày 12-15", Nhâm Hoàng Khang đăng trên Facebook cá nhân.
Quỹ từ thiện Hằng Hữu được lấy tên từ con ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng là Huỳnh Hằng Hữu. Quỹ được ký kết hoạt động vào tháng 9/2014, đúng ngày sinh nhật của con trai ông Dũng, bà Hằng.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động, quỹ đã có hơn 2.000 em bé được cứu sống nhờ sự hỗ trợ của quỹ "Trái tim Hằng Hữu". Theo thỏa thuận giữa Công ty Đại Nam và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, quỹ dự kiến hoạt động 16 năm, từ 2014 đến 2030.
Ước tính mỗi năm quỹ sẽ hỗ trợ thực hiện từ 500 đến 1.000 ca cho trẻ em nghèo khó khăn không may mắc bệnh tim bẩm sinh. Nếu hoạt động đủ 16 năm, ông Huỳnh Uy Dũng ước tính số tiền tài trợ cho chương trình này khoảng 1.000 đến 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 23/6, Quỹ từ thiện "Trái tim Hằng Hữu" đã đồng loạt gửi công văn đến ba bệnh viện lớn là: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy về việc tạm ngừng tài trợ các chương trình "Trái tim Hằng Hữu" và "Giờ vàng cấp cứu" từ tháng 10/2021. Lý do được đưa ra tại văn bản là do các diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần Đại Nam đã tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ của Khu du lịch Đại Nam văn hoá thể thao.
Trước đó, khi bà Phương Hằng yêu cầu các nghệ sĩ sao kê tài khoản, đã nhiều cư dân mạng lên tiếng mong muốn nữ doanh nhân cũng công khai sao kê, các khoản thu chi của quỹ "Trái tim Hằng Hữu".
"Cậu IT" Nhâm Hoàng Khang.
Nhâm Hoàng Khang được biết đến là người hỗ trợ bà Phương Hằng tìm ra loạt antifan và hé lộ những thông tin Hoài Linh chưa chuyển khoản tiền từ thiện cứu trợ miền Trung. Tuy nhiên, sau đó, phía Nhâm Hoàng Khang và bà Phương Hằng đã xảy ra bất đồng và đấu tố nhau trên mạng xã hội.
Sự việc hiện đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
Có được phép tung sao kê tài khoản của người khác?
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 14 luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Căn cứ theo bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), hành vi phát tán thông tin giao dịch ngân hàng nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Theo khoản 2, Điều 387 BLDS 2015, trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo khoản 3, Điều 387 BLDS 2015.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Lê Trung Phát (đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm, theo quy định về “bảo mật thông tin” tại Điều 14 của luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo bí mật thông đến tài khoản, tiền gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng.
Hành vi để lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Riêng nếu tổ chức tín dụng vi phạm, thì mức phạt là gấp hai lần mức phạt này.