Ngày tôi lấy chồng, cha mẹ, bạn bè và anh em đều vui mừng chúc tụng. Bởi lẽ, tôi lấy chồng chỉ cách nhà 3km. Mẹ tôi đã sống cảnh lấy chồng xa cả trăm km, mỗi năm chỉ được về quê vài lần, đi lại vất vả nên bà muốn tôi lấy chồng gần.

Bố chồng tôi mất sớm, mẹ chồng một tay chăm chỉ làm việc nuôi chồng tôi lớn khôn. Vì con trai, bà không đi bước nữa, vậy nên mẹ tôi luôn dành hết tình cảm cho chồng tôi và cũng đòi hỏi ở chúng tôi sự quan tâm đặc biệt.

Tôi vốn khéo léo, nấu ăn khá ngon và đảm đang. Vậy mà về ở với mẹ chồng bị dạy lại hết. Thời buổi hiện đại, nhà tôi lại gần chợ nên gà, cá, chim không bao giờ tự mổ mà luôn đặt mổ ở hàng cho sạch sẽ, về nhà chỉ cần rửa sạch và chế biến ngon miệng là được. Mẹ chồng tôi thấy tôi xách gà từ chợ về thì sa sầm mặt, quát luôn: "Trời ơi, ai cho con mua gà làm sẵn, như mẹ đây này, lúc nào mẹ cũng tự làm từ đầu đến cuối. Từ sau, cấm con không được mua đồ làm sẵn như vậy nữa". Tôi choáng váng, thôi thì nhập gia tùy tục, đành theo ý mẹ chồng.

Câu nói ám ảnh của mẹ chồng khiến tôi cả năm làm dâu không được bình yên, đến Tết càng buồn hơn - Ảnh 1.

Tôi làm gì bà cũng không hài lòng. (Ảnh minh họa)

Cưới xong chúng tôi về thăm họ hàng hai bên, mẹ chồng yêu cầu tôi mua quà chu đáo, chất đầy xe máy. Chúng tôi cũng mới đi làm nên không dư dả gì, thấy chồng tôi tỏ ý ái ngại muốn giảm bớt quà cáp, bà lại cáu: "Đừng có cãi, như mẹ đây này, quà cáp họ hàng không bao giờ thiếu, đặc biệt là bên nội. Bao nhiêu năm mẹ nuôi con mẹ có than thiếu thốn bao giờ không. Dù mẹ ăn không đủ no cũng không được kém lễ tiết".

Dường như trong giấc ngủ, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu "Như mẹ đây này". Mẹ chồng đòi hỏi tôi phải chu toàn, cẩn thận, đảm đang, dành mọi thời gian chăm sóc cho gia đình như bà. Tôi gồng mình thay đổi để mong làm bà vui, chồng tôi cũng đỡ phải dỗ dành bên mẹ bên vợ.

"Như mẹ đây này, mẹ không bao giờ may quá 5 bộ quần áo mới mỗi năm đâu, con phung phí quá".

"Như mẹ đây này, có bao giờ tiện đường về thăm nhà mẹ đẻ, lúc nào cũng nhanh chóng về với chồng con".

"Như mẹ đây này..."

Tết năm ngoái, tôi phục vụ cơm nước cúng bái suốt từ chiều 30 cho đến hết mùng 2 Tết, mỗi ngày 3 mâm cỗ sáng trưa chiều. Nhìn người ta xúng xính quần áo đẹp đi chúc Tết, tôi mặc bộ đồ ở nhà lem nhem mùi thức ăn, tôi vừa ngủ vừa khóc thầm.

Trưa ngày mùng 3 chồng tôi mới dám xin phép cho chúng tôi về bên ngoại chúc Tết, vậy mà mới đi được vài tiếng mẹ chồng tôi đã gọi lên chúc Tết bố mẹ tôi, tiện thể nhắn luôn: "Ông bà bảo giúp chúng nó về sớm còn lo cơm nước tiễn ông bà ông vải, như tôi đây này, từ khi lấy chồng không bao giờ về ngủ lại nhà mẹ đẻ đâu. Ông bà đừng chiều hư cháu". Bố tôi thờ dài rồi bảo chúng tôi nhanh chóng quay về cho nhà cửa yên ấm. Mẹ tôi thì vừa cầm tay tôi vừa rơi nước mắt.

Câu nói ám ảnh của mẹ chồng khiến tôi cả năm làm dâu không được bình yên, đến Tết càng buồn hơn - Ảnh 2.

Tôi thực sự thấy ngày Tết là ngày buồn nhất trong năm. (Ảnh minh họa)

Thấm thoắt đã trôi qua một năm. Câu nói ám ảnh của mẹ chồng đã giảm tần suất. Dần dần, cuộc sống hàng ngày đã đỡ căng thẳng, tôi cũng không còn buồn mỗi khi bà chê trách. Nhưng chắc không ai tưởng tượng được, tôi lấy chồng gần nhà mà thời gian được về thăm bố mẹ rất hiếm hoi. Đi làm qua nhà, tôi chỉ dám vào thăm mẹ vài phút lại đi ngay. Chỉ cần tôi về muộn, mẹ chồng lại nhìn đồng hồ tỏ ý không hài lòng.

Tết năm nay, tôi biết mình vẫn khó có một cái Tết sum vầy cùng gia đình mẹ đẻ. Tôi thực sự thấy ngày Tết là ngày buồn nhất trong năm.

Bà đã mất cả một cuộc đời để hy sinh cho gia đình bên nội, vậy chẳng lẽ bà cũng đòi hỏi tôi cũng phải dành cả cuộc đời làm theo tấm gương của bà để giữ gia phong nề nếp?