Với chiều dài hơn 1.460m, cầu sẽ nối khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức sang Quận 1, trong đó phần cầu dài 886m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113m.
Toàn bộ phần trụ tháp và hệ thống 56 dây văng đã kết nối với nhau, theo hướng nghiêng về Thành phố Thủ Đức. Trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào, đón du khách tới với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Điểm đặc biệt của cây cầu còn nằm ở thiết kế. Cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc cầu rồng, thiết kế dây văng đem lại cho cầu tính thẩm mỹ độc đáo và được kỳ vọng trở thành cây cầu biểu tượng.
Toàn cảnh cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: PLO
Cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào sử dụng giúp mở thêm hướng kết nối khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới - khu đô thị Thủ Thiêm và góp phần giảm ùn tắc cho đường Tôn Đức Thắng; giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đường hầm vượt sông Sài Gòn.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (Quận 1), điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1, TP Thủ Đức); tổng chiều dài gần 1,5 km.
Công trình khởi công từ 2015 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP Hồ Chí Minh đến thời điểm này. Sau nhiều lần trễ hẹn kể từ cột mốc năm 2018, cầu đã hợp long hôm 2/9/2021 và hoàn thành trước 30/4 năm nay.
Cầu được thiết kế có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m. Phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng, với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Ảnh: Dân Việt
Đầu tháng 3 vừa qua, Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch đề xuất đặt tên cho cầu Thủ Thiêm 2 là Bason - tên gọi cũ xuất phát từ năm 1790, được Chúa Nguyễn Ánh đặt cho một trại thủy quân và xây dựng "Xưởng thủy" bên bờ sông Sài Gòn. Bason gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và từng được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia.
Mới đây, hội đồng đặt đổi tên đường TP Hồ Chí Minh thống nhất đề xuất đặt tên cầu Thủ Thiêm 1 đến 4 thứ tự là Thủ Thiêm, Bason, Thủ Ngữ và Bến Nghé. Đây đều là những địa danh nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh hàng trăm năm qua.
Từ 15h ngày 28/4, các phương tiện có thể chạy qua cầu Thủ Thiêm 2. Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh lưu ý, cầu Thủ Thiêm cấm xe sơ-mi rơ-moóc đi qua, đồng thời cấm tất cả xe dừng, đỗ.
Người dân muốn đến đầu cầu Quận 1 có thể đi từ đường Lê Duẩn, qua cầu Thủ Thiêm 2, dẫn xuống đường Tôn Đức Thắng. Người đi từ đường Đồng Khởi muốn lên cầu Thủ Thiêm 2 di chuyển theo tuyến Đồng Khởi, gặp Tôn Đức Thắng, đi theo nhánh cầu N2.
Đối với đầu cầu TP Thủ Đức, người dân đi đường Mai Chí Thọ, đến đường Tố Hữu, đi tiếp đường R12 để qua cầu. Nếu người dân di chuyển từ cầu Thủ Thiêm 1 thì đi theo đường Nguyễn Cơ Thạch, đến đường Tố Hữu, đường R12 rồi gặp cầu Thủ Thiêm 2.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Việt
Bên cạnh đó, Sở GTVT cho biết hướng giao thông một số tuyến đường cũng được điều chỉnh.
Từ 28/4, đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Hai Bà Trưng), xe di chuyển một chiều.
Từ 7/5, đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Thị Minh Khai) xe đi một chiều.
Riêng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Lê Duẩn, xe lưu thông một chiều.
Còn đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh, xe máy được đi hai chiều và ô tô chỉ đi một chiều.
Theo quy hoạch được duyệt, có 4 cây cầu và một hầm kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 1 nối qua đường Nguyễn Hữu Cảnh và hầm sông Sài Gòn trên trục đại lộ Đông - Tây đã đưa vào khai thác.
Sau khi cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào khai thác sử dụng, TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị đầu tư hai cầu còn lại gồm Thủ Thiêm 3 (nối Quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối Quận 7) trước năm 2030.