Tháng 3 năm 2012, dự án đường vành đai 2 Hà Nội được khởi công xây dựng, đoạn đường Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4km có tổng mức đầu tư lên đến 6,4 nghìn tỷ đồng.
Đoạn đường qua cổng làng Trung Nha, Nghĩa Đô (Cầu Giấy) có một cây đa cổ án ngữ. Cây cao khoảng hơn 20m, tán rộng hơn 100m2. Thân chính có đường kính hơn 2m, thời gian bồi đắp cho cây đến 5-6 rễ phụ và có những rễ phải hai người lớn ôm mới vừa.
Hà Nội đã phải giải phóng hơn 1.500 hộ dân, trong đó có nhiều công trình văn hóa. Đình làng Trung Nha cách cây đa không xa cũng bị giải phóng mặt bằng làm đường dẫn nối cầu vượt.
Cây đa cổ thụ làng Trung Nha chẳng có một cái tên rõ ràng, nhưng từ bao năm nay vẫn là một linh thụ che chở cho niềm tin, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Sự cố ngày 13/6
Rạng sáng ngày 13 tháng 6, một nhánh đa cổ bất ngờ gãy ngang giữa đường Võ Chí Công. Cây đa cổ nằm ở vị trí gần nút giao Bưởi - Võ Chí Công. Cành đa cổ này rất nặng và cao đến hơn 10m, đổ chắn ngang đường hướng đi Nhật Tân - Cầu Giấy khiến giao thông ùn tắc kéo dài. Đến gần trưa các phương tiện giao thông vẫn nối đuôi nhau di chuyển từng chút một trên đường Võ Chí Công hướng về Cầu Giấy. Cành đa gãy đổ ngang ra đường nhưng rất may không có thiệt hại gì về người và của.
Thông tin nhanh từ người dân sống xung quanh khu vực cây đa có nhánh bị gãy, thực chất cây đa đổ ngang một thân to là có nguyên do. Anh Trần Văn Hùng, sống ngay tại ngõ 1 cho hay: “Cây đa này ngày xưa lớn lắm, từ khi làm đường đã bị cắt tỉa đi một lần rồi. Chắc nó già nó gãy thôi. Cây đa này được rất nhiều người ra cúng bái.
Hồi trước nhiều nhà dân ở bên dưới tán đa, cành đa có rơi gãy cũng chưa bao giờ rơi vào nhà ai cả. Cành đa hôm qua cũng rơi vào ban đêm. Hôm qua không có mưa gió, không có bão gì đã gãy như thế mà cũng may giờ đó không có ai qua lại.”
Còn đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: "Hàng năm, đơn vị vẫn thường xuyên tiến hành các biện pháp cắt bỏ các cành cây xấu, có nguy cơ bị gãy, đổ vào mùa mưa bão. Tuy nhiên đây là một cây đa đã có độ tuổi rất lâu đời nên hiện phần phía trong thân cây hiện đã bị mục ruỗng, nếu nhìn từ phía dưới thì rất khó phát hiện". Trong khoảng vài ngày tới, đơn vị sẽ tiến hành rà soát lại tình trạng "sức khỏe" của cây, tiến hành cắt bỏ các cành bị mục hỏng để an toàn cho người dân cũng như đảm bảo tình trạng tốt nhất cho cây.
"Báu vật" làng Trung Nha
Một người dân sống lâu năm tại làng Trung Nha chia sẻ rằng: "Nhiều người vẫn đến đây thắp hương, xin khấn vào mùng 1 và ngày Rằm. Mới đây, còn có một nhà đến lập một cái miếu nhỏ dưới gốc đa. Cổng làng hiện giờ xây cạnh gốc đa là tượng trưng, ai đi đâu về đâu đến gốc đa nhìn thấy cổng làng là biết đây là cổng làng Trung Nha. Cũng may hôm đó cây đổ về đêm, lúc ấy tầm hơn 1 giờ, nếu đổ vào ban ngày cũng không nói trước được điều gì.”
Dù ít dù nhiều, có lẽ người dân nơi đây luôn dành cho gốc đa già một sự thành kính và trân trọng. Bởi cây đa già đã đi qua bao thế hệ, lớn lên cùng bao đời con cháu, vẫn sừng sững như kim chỉ nam để mỗi người dân dù có xa quê, biệt xứ thì khi trở về cũng tìm thấy sự quen thuộc.
Cổng làng Trung Nha giờ đây chỉ còn là ký ức trong lòng nhiều người. Tiếc nuối còn đấy, nhưng cổng làng bề thế tựa như tam quan của chùa, có nóc mái đã nhường chỗ lại cho còn đường vành đai to đẹp bề thế.
Nếu hỏi rằng có luyến tiếc khi cành đa cổ “ngã khụy” xuống như vậy hay không, không ít người dân nơi đây ngậm ngùi về sự mất mát của cây đa cổ.
Chị Thúy Hồng nhà ngay gần khu vực cây đa chia sẻ: “Cây đa này từ khi ông nội cô còn sống, cụ sinh từ thế kỷ XIX thì cây đa đã to như thế. Tuổi thơ của cô in dấu bao năm dưới gốc đa này. Người sống hay người chết đi qua đều dừng ở đấy tiễn biệt rồi mới đi. Hồi làm đường, BQL cũng chần chừ việc xử lý cây đa, bởi cây đa đã có từ lâu đời, là một phần gắn bó với cuộc sống nơi đây.
Cành đa gãy đi cũng rất tiếc nhưng may là chỉ mất một cành. Hồi xưa, cây đa chỉ có một gốc, khi càng ngày sum suê vươn ra, rễ phụ tạo thành nhiều gốc nữa. Nếu để ý sẽ thấy lá bên thân chính vàng hơn và lá bên thân non xanh hơn".
Khởi nguồn văn chương
Theo những cụ cao niên sống tại làng chia sẻ, mẹ đẻ nhà văn Tô Hoài trước đây là người làng Trung Nha. Trước khi qua đời, nhà văn có dặn dò lại rằng đến khi ông mất phải cho ông đi qua cổng làng, cây đa và cả bãi cất cạnh cây đa cổ mấy chục mét. Chẳng mấy ai biết rằng, nơi đây chính là suối nguồn giúp nhà văn Tô Hoài thai nghén nên bối cảnh chính trong tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký nổi tiếng.
Cây đa già ấy còn gắn liền với nhiều câu chuyện cổ khác, chẳng hạn như nơi đây cũng là nơi đầu tiên đón Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Theo các tài liệu cổ ghi rằng, Lý Thái Tổ trở về Thăng Long bằng đường sông, đi qua sông Hồng rồi qua sông Thiên Phù (đường Lạc Long Quân ngày này) để vào đất kinh kỳ. Bởi vậy, người ta cho rằng dân làng Trung Nha thuở xưa là những người đầu tiên sống tại kinh thành đón vua.
Thế mới thấy, cây đa cổ không chỉ là một hình ảnh đẹp chứa nhiều câu chuyện bí ẩn mà trong tâm thức mỗi người dân, dù xưa hay nay thì sự gắn kết, sự kính trọng với cây đa là vô cùng sâu sắc.
Mong được chăm sóc đặc biệt
Ở những nơi khác tại Hà Nội cũng có những cây đa cổ án ngữ giữa nhánh đường mà con đường chỉ có thể “né” sang bên cạnh ôm lấy cây đa, chẳng hạn như cây đa giao phố Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Trọng Phụng, cây đa đường Trần Phú (Ba Đình) kéo dài,... Những cây đa cổ này đều mang theo niềm tin và tín ngưỡng văn hóa của người dân địa phương nên được hết sức giữ gìn.
Cây đa cổ thụ trên đường Võ Chí Công theo nhiều thông tin từ những người sống lâu năm tại làng Trung Nha, tuổi đời cây không chỉ một trăm năm hay hai trăm năm mà đã trải qua 3 đời, phải đến hơn 500 năm tuổi.
Cũng theo chia sẻ của người dân - chị Thúy Hồng sống ở khu vực cây đa bị gãy trên đường Võ Chí Công cho biết, nhiều người ở đâu đến đặt miếu, bát hương và thùng hóa vàng. Dần dần, người ta cứ đến thắp hương, hóa vàng cháy rực thì khó có cây nào chịu nổi. Thêm vào đó, người ta lát đá vào phần gốc cho sạch, làm như vậy cây không có chỗ thở. Nhiều người trong làng bày tỏ mong muốn có một sự chăm sóc phù hợp để cây phát triển bình thường để bảo tồn được sức sống của cây.
Những cây đa cổ trụ trải qua nhiêu thăng trầm, thời gian cùng nhiều điều kiện khách quan khác có thể bào mòn đi sức sống của cây. Bởi vậy, để cây đa mãi là giá trị văn hóa, là biểu tượng của quê hương mỗi người thì việc bảo tồn là rất quan trọng. Do đó, những cây đa cổ đang an ngự trên bất kỳ địa điểm nào của dải đất hình chữ S đều mong một sự chăm sóc đặc biệt hơn.