"Nếu bạn chưa biết mình thực sự đam mê lĩnh vực gì, cách duy nhất là hãy thử nhiều ngành, nhiều nghề khác nhau" là lời khuyên mà có lẽ người trẻ, đặc biệt là những bạn mới ra trường đã nghe đến mòn cả tai.
Không ngại thử để tìm ra công việc phù hợp với mình chắc chắn là một gạch đầu dòng hợp lý trong lộ trình phát triển sự nghiệp của người trẻ.
Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề này từ góc độ của doanh nghiệp hay nhà tuyển dụng, có lẽ chúng ta đều biết rằng: Chẳng có doanh nghiệp nào muốn tuyển một ứng viên đang trong giai đoạn "thử nhiều công việc để tìm ra đam mê của mình".
Vậy tiêu chí tuyển dụng với các ứng viên học một đằng, làm một nẻo là gì? Cuộc trò chuyện với 2 CEO trẻ dưới đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc và thực tế hơn về vấn đề này.
Cả Thế Thành và Nguyễn Hiệp đều có một điểm chung: Họ học kinh tế và đều khởi nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục - một lĩnh vực không liên quan nhiều đến ngành học mà cả 2 đã lựa chọn.
Thế Thành là cử nhân khoa Kinh tế Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Năm 2015, Slide Factory được thành lập sau gần 3 năm anh tốt nghiệp ĐH. Tính đến thời điểm hiện tại, Slide Factory là Công ty tiên phong trong lĩnh vực đào tạo và thiết kế thuyết trình/slide tại Việt Nam.
Trong khi đó, Nguyễn Hiệp là cử nhân khoa Kinh tế đối ngoại - ĐH Ngoại thương. Anh khởi nghiệp với Trung tâm Tiếng Anh Step Up vào năm 2013. Sau 7 năm thành lập và phát triển, Step Up đã tạo được một chỗ đứng tương đối vững mạnh với người học với các sản phẩm học thông minh.
Với kinh nghiệm xây dựng, phát triển doanh nghiệp riêng của mình, liệu CEO Thế Thành và CEO Nguyễn Hiệp sẽ có quan điểm thế nào khi tuyển dụng ứng viên làm trái ngành học?
Xu hướng tuyển dụng sẽ thay đổi từ cách doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, truyền tải thông tin tuyển dụng tới ứng viên
Theo anh, khi sinh viên có xu hướng làm trái ngành, xu hướng tuyển dụng sẽ thay đổi như thế nào?
Nguyễn Hiệp: Tôi cho rằng những người làm tuyển dụng đủ lâu đều biết nếu chỉ tuyển ứng viên làm đúng ngành thì không bao giờ là đủ. Nhà tuyển dụng sẽ bớt để ý tới chuyên ngành sinh viên theo học và quan tâm nhiều hơn tới việc ứng viên có mong muốn phát triển sự nghiệp như thế nào, đã đầu tư bù đắp lại thiếu hụt kiến thức bằng các chứng chỉ hoặc chương trình học/ làm thêm bên ngoài ra sao.
Thế Thành: Theo góc nhìn của tôi, xu hướng làm trái ngành của sinh viên thể hiện hai vấn đề. Đầu tiên, đó là sự khác biệt ngày càng rõ ràng giữa yêu cầu của thị trường lao động với khả năng cung ứng của các trường đào tạo, hay nói cách khác, sinh viên mới ra trường "lạc hậu" với sự biến động của thế giới hiện tại, khác hẳn thị trường lao động những thập kỉ trước.
Thứ hai, đó là sự chuyển biến về tư duy của thế hệ. Trước đây, sinh viên sẽ khá "an phận", học gì làm nấy nhưng bây giờ, họ muốn khám phá để thỏa mãn tính cá nhân. Cùng với sự phát triển của công nghệ, sinh viên nói riêng hay người trẻ nói chung có thể làm nhiều công việc bằng nhiều cách khác nhau, cho nên việc sinh viên có xu hướng làm trái ngành là hoàn toàn dễ hiểu.
Đứng trước xu hướng trên của người trẻ, tôi nghĩ rằng xu hướng tuyển dụng sẽ buộc phải thay đổi.
Những bạn làm trái ngành thường có khả năng tự học cao, kĩ năng sáng tạo, và tinh thần đổi mới khá mạnh mẽ. Chính vì vậy, tôi cho rằng thay vì tập trung vào chọn lọc ứng viên khắt khe qua CV (hồ sơ xin việc), trước tiên, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực để xây dựng nhiều chương trình đào tạo nội bộ cho nhân sự mới.
Cách thức tuyển dụng cũng sẽ không đơn giản chỉ là liệt kê ra một vài tiêu chí công ty cần để xem ứng viên nào thấy mình phù hợp thì gửi hồ sơ. Các công ty sẽ cần nói nhiều hơn về văn hóa công ty, tầm nhìn hướng đến trong tương lai bằng nhiều cách khác nhau, được kể ra bằng các phương tiện truyền thông để ứng viên có thể tìm hiểu kĩ trước khi quyết định ứng tuyển.
Có bằng cấp không đồng nghĩa với có kỹ năng
Anh sẽ cân nhắc những yếu tố, kỹ năng nào để quyết định lựa chọn một ứng viên có ngành học không khớp với công việc, so với một ứng viên có bằng cấp mà vị trí tuyển dụng yêu cầu?
Nguyễn Hiệp: Cá nhân tôi thường không để ý nhiều tới CV của ứng viên. Thay vì quan tâm tới điểm GPA của các bạn lúc tốt nghiệp, tôi sẽ muốn biết các sản phẩm bạn ấy đã làm, các vấn đề các bạn ấy từng xử lý, thay đổi đo được bằng con số như nào, cách giải quyết vấn đề ra sao và tại sao lại làm như vậy.
Tôi cho rằng việc tuyển dụng nhân sự cũng giống như chuyện hẹn hò vậy. Bạn có vẻ ngoài bảnh bao, thu hút chưa chắc đảm bảo rằng bạn là một sự lựa chọn tốt.
Thế Thành: Theo tôi, ngành học không quyết định năng lực của một người. Kỹ năng sẽ được thể hiện rõ nhất qua cách họ xử lý vấn đề.
Ngoài kiến thức nền về công việc, kỹ năng giao tiếp để tìm sự trợ giúp, kỹ năng tư duy phản biện để bóc tách vấn đề,...đều là những điều quan trọng, mang tính "sinh tồn" nhưng thường rất khó để thể hiện qua bằng cấp.
Chính vì thế, nếu phải lựa chọn giữa hai đối tượng ứng viên trên, tôi sẽ cho cả 2 làm bài "kiểm tra" mang tính thực nghiệm.
Tôi sẽ đề cao những ứng viên có khả năng xoay xở trong môi trường thiếu nguồn lực. Lúc đó các bạn sẽ tìm được những ý tưởng mới không rập khuôn.
Thái độ và biểu hiện của ứng viên là ưu tiên hàng đầu của nhà tuyển dụng
Trong 3 tiêu chí Kinh nghiệm - Bằng cấp - Thái độ, anh ưu tiên yếu tố nào của ứng viên?
Nguyễn Hiệp: Thái độ là ưu tiên hàng đầu với tôi. Tiếp sau đó mới là kinh nghiệm và khả năng của ứng viên. Tôi sẽ để ý mức độ cầu thị và hợp tác của nhân sự mới với công việc. Có một thực tế là ngay cả các công ty là đối thủ trong cùng một ngành, thì trưởng phòng của công ty này cũng chưa chắc sẽ đảm nhiệm được vị trí tương đương ở công ty đối thủ. Chính vì thế, muốn thành công ở công việc mới, điều đầu tiên cần làm chính là phải kiên nhẫn và học hỏi thật kỹ môi trường, văn hóa công ty.
Còn chuyện bằng cấp, tôi nghĩ nó cũng chỉ như profile trên Tinder. Ấn tượng có tốt đẹp đến đâu mà thực tế gặp không được như kì vọng thì cũng không đến được với nhau.
Thế Thành: Tùy vào các vị trí khác nhau trong công ty, tôi sẽ ưu tiên chọn những tiêu chí phù hợp.
Nếu cần tìm một trưởng nhóm, tôi sẽ chọn người có kinh nghiệm.
Nếu cần tìm một người chuyên đảm nhiệm công việc giảng dạy, tôi sẽ chọn người có chuyên môn, bằng cấp.
Nếu cần tìm thực tập sinh, hoặc nhân sự bán thời gian, tôi sẽ chọn những người có thái độ tốt. Sau đó công ty sẽ có lộ trình rõ ràng để các bạn có thể chọn hướng phù hợp cho bản thân, trở thành chuyên gia hay trưởng nhóm quản lý công việc.
Những chia sẻ của hai CEO trẻ Thế Thành và Nguyễn Hiệp đã cho chúng ta thấy một sự thật rằng khi người trẻ có xu hướng làm việc trái ngành, doanh nghiệp hoặc nhà tuyển dụng sẽ quan tâm tới kinh nghiệm thực của ứng viên hơn là bằng cấp. Ngoài ra, thái độ làm việc luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Hy vọng rằng những chia sẻ của Thế Thành và Nguyễn Hiệp sẽ giúp các bạn trẻ có thêm tự tin, động lực để trau dồi kỹ năng và tìm được công việc phù hợp với mình.
Xin chân thành cảm ơn Thế Thành và Nguyễn Hiệp về buổi trò chuyện này!