Bố tôi là một người cực kỳ khó tính. Hình như ông bố nào thuộc thế hệ 5X 6X đều như vậy. Từ bé 2 anh em tôi đã sợ bố, chỉ cần thấy mái tóc của bố lấp ló ngoài cổng nhà thôi là quăng hết mọi thứ đi để ngồi ngay vào bàn học.

Anh trai tôi hồi xưa bị bố đánh đòn nhiều vô kể. Tôi cũng từng nếm trải “hương vị” của roi mây vì theo anh trai đi nghịch đủ thứ trò. Là giáo viên nên bố cực kỳ nghiêm khắc, từ ăn cơm đến mặc áo chúng tôi cũng phải tuân thủ nề nếp do bố dạy.

Vậy mà khi chúng tôi lớn lên, bố từ một người cha cứng rắn bỗng trở thành người tình cảm vô cùng. Ông không còn quát mắng như xưa nữa, đặc biệt từ khi mẹ tôi mất thì bố lại càng ít nói hơn. Chuyện gì bố cũng bình tĩnh lắng nghe, gặp sự cố cũng chẳng hề nóng nảy, con cái dựng vợ gả chồng xong thì bố lại càng hiền.

Về hưu xong bố tôi chủ yếu ở nhà trông các cháu. Một mình bố tự nấu cơm ngày 2 bữa, thong dong chăm sóc vườn tược, nuôi mấy con gà, làm chuồng bồ câu, tự nấu rượu ngon để thi thoảng làm chén nhậu.

Nhờ uốn nắn từ nhỏ mà anh em tôi mỗi người có cuộc sống riêng khá ổn định. Anh trai cưới vợ xong mua đất xây nhà ngay đằng sau nhà của bố. Còn tôi lấy chồng cách bố 2km, ngày nào cũng lượn đi lượn lại mấy vòng “ăn vạ” ông ngoại.

Bố có lương hưu nên bảo các con không cần đưa tiền phụng dưỡng. Tôi biết ông không muốn phiền con cháu nên cũng chẳng dám trái lời, nhưng anh em tôi bàn với nhau quy hết tiền ra hiện vật để đưa cho bố dùng hàng ngày. Chẳng hạn như buổi sáng chị dâu đi chợ xong tiện ngang qua nhà đưa cho bố mớ rau, dúi cho ông nửa con gà luộc. Chiều tôi về đón con thì “trả công” cho ông bằng cân hoa quả, hoặc ít đồ dùng linh tinh trong nhà. Bố ở có một mình thôi nên nhiều khi hết đồ sinh hoạt ông cũng chẳng để ý. Chỉ có tôi giả bộ ở lại chơi xong ngó nghiêng xem xà phòng dầu gội thế nào, dầu ăn mắm muối ra sao để lén lút bổ sung cho bố.

Nhiều lần bố cũng phát hiện ra trong nhà có cả đống đồ mới. Thế là ông gọi điện “mắng vốn” tôi, bảo rằng không được tốn tiền mua linh tinh cho bố. Tôi phải nói dối rằng mình mua đồ rẻ rẻ để bố không kêu tiếc nữa. Ông mua cho cháu nội cháu ngoại toàn cặp sách xịn, giày dép cũng là hàng cao cấp, nhưng đồ dùng cho bản thân thì hàng chợ cũng không chê. Tôi thương bố đến xót lòng, mà ông cứ thích sống giản tiện nên không dám ý kiến.

Tháng trước lũ trẻ bắt đầu đi học lại nên bố tôi cũng rảnh rang hơn. Ông chỉ phải đi đón 2 đứa nhỏ hộ anh trai tôi mỗi chiều, còn lại thì mình ông ở nhà cả ngày tự do, không phải trông 4 đứa cùng lúc như đợt nghỉ hè nữa.

Cha già ở một mình nhưng hóa đơn điện nước hơn 7 triệu, tôi sốc đến nghẹn lòng khi phát hiện nguyên do- Ảnh 1.

Khi gửi con sang bên ngoại thì tôi chủ động đưa bố 2 triệu mỗi tuần để ông lo ăn uống vui chơi cho lũ trẻ. Bố kêu từng ấy tiền quá nhiều nhưng tôi cứ kiếm cớ nuôi cháu để bố nhận. Vợ chồng anh trai góp đồ ăn đi chợ rồi, tôi bận việc nên chỉ góp được tiền cho ông ngoại thôi. Thế là ông tiêu rất “thoáng tay”, cho đàn cháu ăn toàn sơn hào hải vị, hết hải sản đến bánh kem, rồi quà vặt trái cây không thiếu thứ gì.

Mỗi chiều ông dắt 4 đứa đi bơi, xong xuôi về lại được ăn kem ăn bánh. Không đứa nào đòi xem tivi điện thoại vì ông ngoại có cách riêng để chúng mê đọc sách với chơi thể thao suốt ngày. Cứ phải gọi là sướng hơn tiên. Chẳng thế mà lúc tôi thông báo hết hè về nhà đi học, đứa nào đứa nấy khóc như mất sổ gạo!

Đợt lũ trẻ nghỉ hè bên nhà ông ngoại thì tiền điện nước của ông tăng gấp đôi. Tôi bảo chồng đóng hộ bố luôn vì tất cả hóa đơn tính ra chỉ hết hơn 3 triệu. Ấy vậy mà tháng này đến kỳ đóng tiền, tôi choáng váng khi bên điện lực gửi về hóa đơn điện của bố lên tận 7 triệu!

Nghĩ người ta tính nhầm nên tôi gọi điện khiếu nại ngay lập tức. Thế nhưng nhân viên điện lực bảo hóa đơn điện không hề tính sai, nếu tôi không tin có thể kiểm tra công tơ điện. Chồng tôi chạy sang nhà bố bắc thang xem lại số công tơ luôn, quả nhiên không sai lệch với hóa đơn tí nào.

Thế có nghĩa là một mình bố tôi dùng điện bằng cả nhà 4-5 người. Mà phải chạy các đồ gia dụng hết công suất, kiểu như bật điều hòa chống nóng cả ngày, rồi bếp từ, máy giặt, quạt điện các kiểu thì mới hết 7 triệu được.

Sợ đường điện nhà bố ở có vấn đề nên tôi nhờ các anh bên điện lực kiểm tra giúp. Họ cũng nhiệt tình xem hộ vì chỉ có mỗi ông cụ già ở một mình thì 7 triệu tiền điện quá vô lý.

Sau nửa ngày tích cực kiểm tra đường dây, lôi hết cả đồ điện của bố tôi ra để check hộ thì cuối cùng các anh thợ điện cũng phát hiện vấn đề nằm ở đâu. Không ngờ anh trai tôi ở đằng sau lại âm thầm đấu trộm điện của bố!

Mấy năm qua tôi không hề chú ý đến chuyện này vì bố vẫn tự quản lý chi phí sinh hoạt. Không rõ anh trai tôi đã lén trộm điện từ bao giờ, nhưng hồi trước anh ấy chỉ dám “xài chùa” của bố vài trăm nghìn tiền điện thôi. Bố lôi hết hóa đơn điện ra cho tôi xem thì trung bình dao động khoảng trên dưới 1 triệu. Ông già rồi nên chẳng hiểu cách tính giá, cứ nghĩ một mình mình dùng như vậy là bình thường.

Tôi thở dài trách anh ruột quá ranh ma, lợi dụng sự già cả mắt mờ của bố để lừa ông suốt bao năm như vậy. Nếu tính đúng ra thì tiền điện hàng tháng của bố chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba số phải đóng. Tháng rồi nóng quá nên cả nhà anh trai dùng điện quá tay, họ “xài chùa” hẳn 3 cái điều hòa nên mới đội hóa đơn lên cao như vậy. Đã thế anh ấy còn mới mua ô tô điện, trong nhà thì sẵn 1 xe máy điện 1 xe đạp điện nữa, sạc nguyên 1 tháng xong công tơ của bố quay vù vù.

Mấy anh thợ điện giải thích tôi chả hiểu gì cả. Chỉ biết chốt lại là anh trai làm chuyện thất đức với bố. Bình thường anh ấy cũng suốt ngày gửi con sang “ăn nhờ ở đậu” nhà ông rồi, vậy mà chuyển ra ở riêng còn âm thầm giở trò bòn rút của bố vậy nữa. Tôi thất vọng kinh khủng, bố cũng buồn đến mức đóng cửa phòng riêng luôn không nói chuyện với ai.

Chồng tôi sang đối chất thì vợ chồng anh trai chối đây đẩy. Các anh thợ điện phải vào tận nhà đưa bằng chứng ra và thông báo đã cắt bỏ đường điện đấu trộm thì họ mới xấu hổ không cãi nữa. Họ thậm chí còn chẳng thèm xin lỗi, ngược lại còn cáu kỉnh đuổi hết chúng tôi về. Cho dù bố tha thứ cho anh thì tôi cũng không muốn nhìn mặt anh nữa. Sao anh chị có thể đối xử với bố ích kỷ tồi tệ như vậy chứ?...