Những gợi ý của Dina Rose, tác giả cuốn sách về thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ em, sẽ giúp ích cho cha mẹ đối phó với những bé lười ăn, kén ăn.
Không quá lâu trước đây, cha mẹ thường ép con cái phải ăn hết suất ăn của mình, bất kể trẻ no đói thế nào. Giờ thì chúng ta biết rằng, phương pháp cho con ăn này có thể khiến trẻ phớt lờ những dấu hiệu báo cơn đói thực sự của mình và từ đó dẫn tới tình trạng ăn quá nhiều khi trưởng thành. Rất may, xu hướng này không còn thịnh hành như trước.
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay đã tự trang bị kiến thức về dinh dưỡng rất tốt đôi khi là hơi cẩn thận quá. Họ đã tiến từ chỗ mong đợi con ăn mọi thứ có trên đĩa/trong bát của mình đến mức phải ăn mọi nhóm dinh dưỡng trong khẩu phần.
Nếu đứa trẻ không làm được điều đó, những bậc cha mẹ này bắt đầu lo cuống lên. Họ nài nỉ, họ mua chuộc, họ dụ dỗ bằng đủ mọi cách để con ăn thêm 3 miếng nữa thôi. Nếu đứa trẻ nhất định không chịu khuất phục, họ sẵn sàng làm thêm bữa tối thứ hai để con ăn được ít nhất vài thứ. Tình trạng này càng củng cố xu hướng nhiều trẻ kén ăn thời đại này.
Do không cách tiếp cận nào trong số 2 hướng kể trên giúp trẻ ăn phong phú các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, vậy chúng ta nên xử lý thế nào đây? Mấu chốt nằm ở chỗ: Không gây áp lực buộc trẻ phải ăn và cố gắng tạo bầu không khí tích cực cho giờ ăn.
Trước hết, mọi phụ huynh nên thuộc nằm lòng câu nói này: "Việc của cha mẹ không phải là làm mọi cách để trẻ ăn". Chúng ta có trách nhiệm cung cấp thức ăn cho con và việc của con là quyết định xem chúng có muốn ăn thực phẩm mà chúng ta chuẩn bị hay không. Nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ phát triển thói quen ăn uống tốt.
Thứ nhất, hãy ngừng thúc ép trẻ
Như tác giả Dina Rose viết trong cuốn "It's Not About the Broccoli" (Tạm dịch: Không chỉ là súp lơ xanh) thì "áp lực chính là kẻ thù của bạn". Thay vì buộc trẻ phải ăn những thực phẩm mới, Rose gợi ý giúp trẻ quen dần với việc thử đồ ăn mới. Đó có thể là nếm một loại táo khác với những trái táo trẻ thường ăn; nhâm nhi một quả cà chua bi màu vàng thay vì quả màu đỏ hay thậm chí là một loại bánh quy mới.
Sự thực là nhiều trẻ em cần nếm thực phẩm ít nhất 10 lần trước khi quyết định có thích món đó hay không. Vì vậy, việc giúp trẻ hứng thú với quá trình nếm thử món mới là vô cùng quan trọng.
Nhiều phụ huynh đã từ bỏ trước lần thử thứ 10 hoặc họ bắt đầu nài nỉ, dụ dỗ, ép buộc trẻ thử một miếng, biến bữa ăn tối trở thành cuộc chiến và gây nên tình cảnh trẻ không bao giờ hứng thú với bữa ăn, các món ăn. Thay vào đó, cha mẹ nên tiếp tục giới thiệu đồ ăn cho trẻ trong những tình huống không áp lực. Nếu trẻ chỉ ngửi, hít và không chịu nếm, con sẽ không thử món mới vào tối hôm đó. Không vấn đề gì hết – luôn có một buổi tối khác.
Bởi trẻ không có nhiều trải nghiệm với thực phẩm như người lớn, trẻ không thể dự đoán món nào có thể có vị gì. Việc này khiến trẻ cảm thấy sợ hãi khi phải thử một món ăn không quen thuộc. Nếu chúng ta giúp trẻ hiểu cách một loại thực phẩm mới có vị như thế nào theo cách không ép buộc, không tính toán và chân thực - nói cách khác, đừng nói với trẻ rằng sữa chua trắng có vị giống kem, trẻ sẽ cởi mở hơn trong việc thử.
Nếu trẻ thực sự thử, đừng ngay lập tức hỏi con xem con có thích món mới không bằng giọng điệu hào hức, hi vọng. Thay vào đó, đề nghị con mô tả món ăn: Nó có gợi nhắc cho con tới một món nào khác không? Nó ngọt, mặn hay cay? Giòn hay dẻo? Nóng hay lạnh?
Trong cuốn sách của mình, Dina Rose trình bày danh sách các câu hỏi cha mẹ có thể hỏi và các từ trẻ có thể dùng để mô tả món ăn. Ngay sau khi trẻ hoàn thành việc mô tả, đừng hỏi con có thích không. Bởi nếu trẻ trả lời "không", cơ hội để trẻ thử món đó lần nữa sẽ giảm đi. Chỉ cần để trẻ cảm thấy hài lòng vì mình đã thử một miếng hay món mới.
Thứ hai, cha mẹ nên cho phép trẻ nhỏ chơi đùa với thực phẩm
Hãy để trẻ khuấy tung đồ ăn trong đĩa, ngửi mùi vị và trộn các thứ với nhau. Trong cuốn sách "Try New Food!" (Tạm dịch: Tập thử những món mới), chuyên gia về các chế độ ăn Jill Castle lý giải rằng: "Kiểm tra xúc giác bằng các loại thực phẩm là một phần của quá trình phát triển – nó cần thiết, hiệu quả và thúc đẩy tốc độ học tập".
Cuối cùng, cha mẹ nên hạ thấp kỳ vọng trong cả hai việc trẻ nên ăn bao nhiêu và trẻ nên thử bao nhiêu món mới. Tác giả Dina Rose nhấn mạnh rằng, mỗi lần nếm có thể chỉ cần một miếng nhỏ như 1/4 quả lê hoặc 1 hạt vừng.
Còn chuyên gia Castle xác nhận rằng, ngay cả liếm thức ăn cũng được tính là một lần nếm. Hãy nói về việc giảm kỳ vọng. Khi chúng ta chuyển từ việc mong chờ trẻ thử và sau đó ăn thật nhiều đồ ăn mới tới việc trông đợi trẻ quan sát, nếm, sờ, chơi đùa, liếm hoặc có thể chỉ cắn một miếng nhỏ, khả năng trẻ đáp ứng những kỳ vọng của bạn sẽ cao hơn.
Nguồn: SCMP