Cha mẹ bất cẩn, 7000 trẻ em chết mỗi hè vì đuối nước
Trẻ nhỏ có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Nguyên nhân chủ yếu của tai nạn đuối nước là do sự bất cẩn của người lớn vì đã thiếu trông coi con em mình khi mùa hè đến.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hàng năm trên thế giới, tai nạn đuối nước giết chết hơn 175.000 trẻ em mỗi năm, 3 triệu trẻ em khác sống sót được sau khi bị đuối nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe do não bộ bị tổn thương. Tại Việt Nam, có tới 50% số ca trẻ dưới 5 tuổi tử vong do bị đuối nước.
Từ đầu tháng 5/2015 đến nay, đã có rất hàng chục ca trẻ tử vong do đuối nước.
Trưa 25/5, dưới cái nắng như thiêu như đốt, hàng trăm người dân xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa xót xa theo dõi những ngư dân tìm vớt thi thể cháu Phạm Hoàng Anh (4 tuổi, ngụ thôn 10, xã Hoằng Quang) bị chết đuối vào sáng cùng ngày.
Một người thân của vợ chồng anh Thức, chị Mai (bố mẹ cháu Anh) cho biết, hai vợ chồng anh có 3 đứa con, cháu Anh là con trai út. Sáng 25/5, chị Mai đưa cháu Anh tới gửi ông ngoại ở thôn 7 (xã Hoằng Quang) trông giúp để ra đồng thu hoạch lúa. Sau khi được con gái nhờ trông cháu, ông Bính bảo cháu nội của mình là cháu Trang (12 tuổi, con anh trai của chị Mai) ở nhà trông cháu Anh để đi xử lý công việc.
Trông em được một lúc, có bạn sang nhà rủ đi tắm sông, nên Trang đã dẫn cháu Anh ra bờ sông Mã. Để em một mình chơi trên bờ sông, Trang cùng bạn nhảy xuống sông ngụp lặn. Một lúc sau quay nhìn lên bờ không thấy em đâu, Trang và bạn vội bơi vào bờ, chạy sát mép nước tìm em nhưng không thấy. Hoảng loạn, Trang chạy về làng kêu cứu.
Ngay lập tức, nhiều người dân trong thôn 7 đã đổ ra bờ sông Mã tìm cứu cháu Anh. Đến gần 12 giờ trưa cùng ngày, người thân và những ngư dân được gia đình thuê mướn mới tìm được xác cháu Anh bị chìm cách bờ gần 10 m.
Chiều 24/5, tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân là hai cháu Lê Viết Kiên (8 tuổi) và cháu Lê Viết Sang (5 tuổi). Theo thông tín, hai cháu Kiên và Sang ra bãi bồi sông Lam tắm mát. Trong lúc tắm, Kiên và Sang không may bị sảy chân vào hố sâu do việc khai thác cát sạn trước đây để lại. Đến chiều tối cùng ngày, gia đình và lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới tìm thấy thi thể các cháu.
Ngày 20/5, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xảy ra vụ 4 trẻ nhỏ tử vong do đuối nước tại suối Sao (thuộc KP.Tân Ngọc, TT.Phú Mỹ, H.Tân Thành).
Trước đó ngày 16/5, cũng tại địa bàn tỉnh Nghệ An, đã xảy ra hai vụ trẻ bị đuối nước làm chết 3 học sinh là 2 anh em sinh đôi Vũ Văn Huynh, Vũ Văn Đệ và em Bùi Quang Thành (đều 11 tuổi, ngụ xã Quỳnh Thuận, H.Quỳnh Lưu). Và một vụ xảy ra tại xã Đông Hưng, Thành phố Vinh, khiến 2 học sinh lớp 4 và lớp 6 tử vong.
Trong ngày 10/5, cháu Hồ Hữu T.. (4 tuổi) con anh Hồ Hữu Kh. và chị Trịnh Thị L. trú xóm 3, xã Quỳnh Hồng cũng tử vong do đuối nước. Theo người thân của cháu T.. thì trong lúc vui chơi cháu T.. có thể đã không may rơi xuống ao ở gần nhà và bị đuối nước. Được biết, gia đình nhà anh Kh. thuộc diện khó khăn, anh Kh. làm thợ mộc còn chị L. đi xuất khẩu ở Đài Loan.
Nguyên nhân là do người lớn bất cẩn
Theo báo cáo của Bộ Y tế tỷ xuất đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển, trung bình mỗi năm có tới 7.000 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó hơn 53% các trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà và khoảng 17% được trẻ khác trông nom. Trẻ em ở nông thôn chết đuối nhiều hơn ở khu vực thành thị.
Ths. Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của số vụ tai nạn chết đuối ở trẻ em chính là do ý thức của nhiều bậc phụ huynh mải mê làm ăn mà thiếu quan tâm đến con cái, không giám sát trẻ một cách chặt chẽ, để trẻ nhỏ tự do đi lại.
Đặc biệt vào mùa hè, nhiều học sinh được nghỉ học thường tự chơi nên rủ nhau đi tắm sông, nghịch ở ao, hồ, kênh, suối, hoặc đi bắt cá, cua, ốc... phụ giúp gia đình dẫn đến trượt chân hoặc bị nước cuốn, gây nên những cái chết thương tâm không đáng có.
Ngoài ra, bản thân trẻ thiếu kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước và môi trường sống xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ (quanh nhà có sông, hồ, ao... hoặc bể chứa nước, vại, lu không nắp đậy) gây tai nạn đuối nước cho trẻ cũng là hai nguyên nhân đáng lưu ý.
Trẻ nhỏ có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng trông nom. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn.
Ngoài ra, cần có các khóa học bơi lội, rèn luyện kỹ năng khi bị rơi xuống nước cho trẻ để trẻ tự bảo vệ được mình khi gặp trường hợp ngoài ý muốn.